Xin đừng là “anh hùng bàn phím”!
Nghiên cứu - Trao đổi 06/08/2022 08:43
Họ là những người thích thể hiện thái độ qua việc ngồi trước màn hình máy vi tính, sẵn sàng “đăng đàn”, gõ bàn phím cả ngày đề tranh luận, phán xét một vấn đề nào đó đang “hot”. Chuyện sẽ không là gì nếu đó chỉ là các lời nhận xét vui, với mục đích tốt đẹp. Nhưng thực tế, không ít người trong cuộc phải chịu khủng hoảng từ sự phán xét của những người lạ trong thế giới ảo ấy. Trước đây đã có một trường hợp em nữ sinh 15 tuổi (ở Đồng Nai) phải tìm đến cái chết vì bị mọi người bêu hình ảnh “thân mật” của em và bạn trai trên mạng. Họ cứ vô tư nói những gì mình nghĩ dù thông tin có thể chỉ nghe, xem qua các nguồn không kiểm chứng. Những nhận xét, ý kiến đã gây áp lực, đẩy người trong cuộc vào “bước đường cùng” nên đã giải quyết bế tắc một cách tiêu cực.
Ảnh minh hoạ |
Thuận lợi được tự do ngôn luận và sự lan tỏa của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ ngày nay giải quyết vấn đề trong đời thực không được lại lôi nhau lên mạng đấu khẩu. Nhiều lần lên Facebook tôi thấy nhan nhản những câu nói hằn học, mắng chửi người khác vô cớ. Rồi bạn bè của “anh hùng bàn phím” không biết bạn mình đang chửi ai, đúng hay sai cũng vào phụ họa, hùa theo. Ví dụ trường hợp của một người bạn tôi, ngày thường ít nói, ai làm gì cũng đều im lặng, vậy mà khi về nhà lại lên mạng chửi người này, chê người nọ với những lí do không đâu vào đâu. Ai lịch sự thì cho qua, người nóng tính thì lên Facebook tranh luận, phản ứng lại, thành ra tình bạn bè cũng mất luôn!
Không quá lời khi nói rằng, “anh hùng bàn phím” là những người thiếu bản lĩnh vì chỉ dám bày tỏ quan điểm trên thế giới ảo.
Cũng có nhiều người theo xu hướng đám đông, cổ súy nhau. Hay đơn giản, khi đứng trước một luồng thông tin không cần biết đúng hay sai, chỉ thấy dễ “câu like”, nhiều người “tặc lưỡi” chia sẻ trên nhóm của mình.
Chia sẻ thông tin, bình luận một vấn đề theo hướng tích cực là rất tốt! Chia sẻ những hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật không tiền chạy chữa kêu gọi mọi người giúp đỡ rất hiệu quả. Song việc cùng nhau lan truyền những hình ảnh học sinh đánh nhau, những sự việc tiêu cực lên mạng xã hội rất đáng phê phán. Bởi nếu không ngăn cản, khuyên can được thì nên im lặng, không “đổ thêm dầu vào lửa”. Chưa kể những “anh hùng bàn phím” cũng sẽ “nhảy vào chém gió” làm sự việc trầm trọng thêm. Dư luận đôi khi khó dập tắt hơn một đám cháy!
Điều quan trọng và cần thiết nhất lúc này là mỗi bạn trẻ cần suy nghĩ và hành động cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội. Đừng để những lời nói, hành động chưa chín chắn của mình làm ảnh hưởng đến người khác. Đừng nghĩ đơn giản một lời nói, một bình luận nhỏ “như con kiến” của mình không làm tổn hại đến người khác. Vì nhiều con kiến bé xíu tập hợp lại sẽ thành đàn kiến khổng lồ có thể giết chết cả một con voi.