Nâng cao ý thức người sử dụng “like”, “share” trên mạng xã hội
Đời sống 18/12/2024 08:30
Trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội không thể thiếu trong đời sống thường ngày từ thành thị đến nông thôn. Có rất nhiều trang mạng xã hội được sử dụng phổ biến như: Facebook, Zalo, Twitter, Tiktok, YouTube,… được tích hợp nhiều tính năng, tiện ích: Chat, video, hình ảnh, đọc báo, kết bạn, chơi game… nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, chia sẻ và kết nối thông tin của tất cả mọi người. Mạng xã hội trở thành nơi cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, giúp người sử dụng nắm bắt được các xu thế của đời sống, phục vụ cho công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội có nhiều trang dạy kĩ năng, như: Ngoại ngữ, nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lí, thể thao…
Ngoài ra, mạng xã hội cho phép người dùng có thể dễ dàng kết nối, tương tác chia sẻ tình cảm, niềm vui, nỗi buồn với bạn bè, gia đình, cộng đồng. Cùng với những tiện ích, mạng xã hội vẫn tồn tại những mặt trái. Điển hình như vẫn còn rất nhiều thông tin, hình ảnh, video có nội dung xấu độc, đồi trụy, bạo lực, sai sự thật, xúc phạm danh dự của người khác, cách ứng xử lệch lạc, mê tín dị đoan vi phạm quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa, thuần phong mĩ tục và nhiều thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, tâm lí “like”, share” bình luận vội vã của nhiều cư dân mạng là một điều rất dễ bắt gặp. Nếu như công dụng của nút “like”, “share” đơn giản để người sử dụng mạng xã hội thể hiện sự hưởng ứng, đồng tình, đồng cảm đối với mỗi cập nhật trạng thái và chia sẻ những thông tin, hình ảnh, video của người thân, bạn bè; thì ngược lại, nhiều người sử dụng nút “like”, “share” và bình luận một cách vô cảm, a dua.
Chỉ cần Facebook xuất hiện một thông tin gì đó “hot”, như: Tai nạn giao thông, đánh ghen, ngược đãi trẻ em, quán ăn chặt chém, đời tư người nổi tiếng,… ngay lập tức sẽ xuất hiện rất nhiều lượt “like”, “share” kéo theo đó là các thông tin bình luận xung quanh. Mặc dù có rất nhiều lời bình luận ngay sau một bài viết nào đó, nhưng chưa chắc tất cả người “like”, “share” đã đọc hay hiểu ý nghĩa nội dung bài viết. Chỉ đơn giản là thấy quá nhiều người “like”, “share” và bình luận phê phán, chê bai hay khen ngợi nên tham gia cho vui. Không ít người còn khen, chê dựa vào thái độ những người trước đó. Thậm chí, có những bình luận thô tục, những trào lưu “ném đá”, chê bai, mắng chửi dù không quen biết và chẳng liên quan.
Chính sự “ủng hộ” bằng cách bấm “like”, “share” của cư dân mạng vô tình làm cho những thói quen xấu được ủng hộ, lan tỏa càng nhiều tạo nên lối sống ảo, dẫn đến hệ lụy khó lường.
Thực tế cho thấy, việc bấm “like”, “share” và bình luận rất dễ dàng và không tốn thời gian. Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà quá lạm dụng. Cần xem xét kĩ trước khi ủng hộ, phải biết khi nào bấm “like”, “share” và bình luận, khi nào thì không. Bởi những suy nghĩ và các thao tác nhỏ tưởng chừng vô hại, lại dẫn tới những hành động có thể ảnh hưởng đến đời sống, thậm chí là tính mạng con người và trật tự an toàn xã hội.
Mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống mỗi người chúng ta. Vì vậy, đòi hỏi người tham gia sử dụng mạng xã hội phải bình tĩnh, cẩn trọng tiếp nhận thông tin thực của những thông tin mà mình quan tâm. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, ứng xử đúng mực, có văn hóa và suy nghĩ kĩ trước khi bấm “like”, “share” và bình luận trên mạng xã hội. Là người dùng mạng xã hội thông thái, chúng ta chỉ nên chia sẻ những thông tin tích cực, chính thống để bạn bè, người thân chúng ta được tiếp cận, được đọc, được xem những thông tin hữu ích, không nên chia sẻ những thông tin tiêu cực, thông tin mang ý nghĩa chỉ trích, phê phán khiến người xem cũng bị tác động xấu đến tâm lí. Có như vậy, mạng xã hội mới thực sự trở thành công cụ hữu ích và môi trường lành mạnh trong cuộc sống của chúng ta.