Vượt quá chuẩn mực nhà giáo
Pháp luật - Bạn đọc 07/10/2024 09:59
Clip nữ giáo viên thân mật với nam sinh ở Hà Nội đã gây xôn xao mạng xã hội. Sự việc sau đó được xác định xảy ra tại Trường THPT Thạch Bàn, quận Long Biên. Học sinh nam trong clip là T.N.M.Đ, lớp 10A4, cô giáo trong clip là M.Q.T (SN: 2001). Sự việc xảy ra vào giờ giải lao giữa tiết 2 sang tiết 3 ngày 27/9/2024, tại phòng học lớp 10A4. Học sinh quay clip là K.T.M, cùng lớp 10A4.
Nhận xét về clip trên với báo chí, một chuyên gia giáo dục cho rằng: Hành động của người giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến danh dự cá nhân mà còn làm tổn hại đến niềm tin của học sinh và phụ huynh đối với toàn ngành giáo dục. Mỗi hành vi sai trái đều để lại những hậu quả khôn lường, đặc biệt là đối với tâm lí và sự phát triển của học sinh.
“Là giáo viên, chúng tôi phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình, không chỉ đối với kiến thức mà còn đối với sự hình thành nhân cách, thái độ sống và tầm nhìn của thế hệ trẻ. Từ sự việc này, tôi thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Chúng ta cần có những biện pháp giáo dục mạnh mẽ hơn để không chỉ nâng cao chất lượng dạy học mà còn củng cố tính chuyên nghiệp, đạo đức của người thầy. Hơn ai hết, giáo viên phải là tấm gương về sự mẫu mực, giúp học sinh trưởng thành cả về tri thức lẫn nhân cách”, vị chuyên gia giáo dục nêu quan điểm.
Liên quan vụ việc, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Hành vi của nữ giáo viên trẻ và học sinh lớp 10 trong clip như vậy là đã đi quá giới hạn chuẩn mực nhà giáo, gây dư luận xấu trong xã hội nên cần có hình thức xử lí nghiêm khắc.
Môi trường sư phạm đòi hỏi người thầy, người cô phải thực sự mẫu mực, có cách ứng xử chuẩn mực đối với học sinh. Để một môi trường giáo dục văn minh, có hiệu quả, đạt được mục tiêu thì thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, ứng xử của thầy (cô) trò trong môi trường học đường phải thể hiện thái độ tôn sư trọng đạo.
Việc học sinh kéo ghế ngồi cạnh cô giáo một cách thân mật như vậy trên bục giảng trước sự chứng kiến của cả lớp thực sự phản cảm, phản giáo dục và gây ra sự bức xúc trong dư luận xã hội.
“Bộ GDĐT đã có những quy định rất rõ ràng, chặt chẽ như quy định tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số: 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn về tác phong làm việc, lối sống của nhà giáo; Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số: 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về các hành vi nhà giáo không được làm để giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo; Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT; Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo; Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT”, Luật sư Cường cho biết thêm.
Vị luật sư này cho rằng, cơ sở giáo dục tạm đình chỉ công tác đối với nữ giáo viên này để xác minh là có căn cứ và cần thiết.
Từ vụ việc này cho thấy, trong việc tuyển dụng giáo viên, ngoài năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, kĩ năng sư phạm thì cũng cần siết chặt về tiêu chí, tiêu chuẩn đạo đức, cần tăng cường cơ chế quản lí, giám sát, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhân cách để những những người giáo viên xứng đáng với cương vị là người thầy.