Vừa bị lấn hẻm, vừa bị hàng xóm hành hung gây thương tích, lại bị Tòa “đổi trắng thay đen”
Pháp luật - Bạn đọc 11/11/2020 11:00
Một hộ mua nhà ở, có sẵn đường ống thoát nước dưới con hẻm kế cận nhà mình, đã sử dụng từ trước năm 1975 đến nay không xảy ra tranh chấp. Bỗng dưng năm 2018, một hộ khác mua căn hộ kế bên, được chính quyền cấp sổ đỏ lấn chiếm toàn bộ con hẻm, xây dựng nhà cao tầng. Người dân bức xúc gửi đơn khiếu nại, chính quyền làm ngơ. Họ gửi đơn khởi kiện, thì bị Toà lật ngược vấn đề đổi trắng thành đen. Dân chỉ biết kêu trời! Người bị kiện tổ chức hành hung gia đình người khởi kiện phải nhập viện cấp cứu. Trong đó có người bị đánh gẫy tay, tỉ lệ thương tích 12%. Vụ việc xảy ra đã gần 1 năm, nhưng đến nay Công an tỉnh Bến Tre mới có “Thông báo khởi tố vụ án hình sự” gửi cho bị hại…
Năm 1975, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tư, bà Lê Thị Tuyết Nhung mua căn nhà số 10B1, gắn liền với thửa đất số 21 của ông Đắc Lợi, đường Nguyễn Trung Trực, phường 1 (nay là phường An Hội) TP Bến Tre. Ông Tư, bà Nhung đầu tư sửa chữa lại căn nhà kiên cố, được UBND TP Bến Tre cấp chủ quyền lần đầu vào năm 2001. Cấp lại chủ quyền lần 2 vào ngày 8/8/2008. Giữa hai thửa đất số 21 nhà ông Tư và thửa đất số 23 kế cận, là nhà của ông Thượng Công Ký có một con hẻm nhỏ, chiều ngang 1,59m, chiều dài 9,5m. Dưới con hẻm này, chủ đất (nhà cũ) đặt hệ thống ống cống thoát nước thải từ trước năm 1968, đến nay đã hơn 52 năm, mà không xảy ra bất cứ tranh chấp nào. Theo Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015, một phần diện tích 4,75m2 (0,5m x 9,5m) đất hẻm này là chiếm hữu ngay tình, công khai, sử dụng liên tục, nên ông Tư, bà Nhung đương nhiên được xác lập chủ quyền phần đất gắn liền với hệ thống thoát nước. Kể cả những lần căn nhà của ông Ký ở bên cạnh mua đi, bán lại qua rất nhiều lần thay đổi sở hữu chủ. Trước đó, căn nhà này ông Ký bán cho ông Phạm Minh Thà. Sau khi ông Thà chết, chuyển sở hữu chủ cho vợ là bà Phạm Thị Ngọc Sương. Sau đó, bà Sương bán cho ông Đào Bảo Chương. Đến 20/9/2018, ông Chương bán lại cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiệp, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm.
Đến đây thì mọi rắc rối và tranh chấp gay gắt bắt đầu xảy ra. Tuy sự việc quá rõ ràng và đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, nhưng không hiểu vì động cơ nào, vào năm 2018, căn nhà của ông Thà chỉ được phép xây dựng chiều ngang 5,05m, lại được cấp phép xây dựng tới 6,64m. Khi mua được căn nhà nằm trên thửa đất số 23 kế cận nhà ông Tư, bà Nhung, ông Nguyễn Văn Hiệp được một số cán bộ UBND phường và UBND TP Bến Tre “ưu ái cấp tốc”, để hợp thức hoá Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), có diện tích bao trùm toàn bộ căn nhà cũ của ông Chương đã bán, chiếm cả diện tích toàn bộ con hẻm xéo hình miệng chai, có chiều ngang 1,59m x chiều dài 9,5m (diện tích 15,105m2), trong đó có phần diện tích 4,75m2, mà gia đình ông Tư, bà Nhung sử dụng liên tục trên 45 năm nay.
Tệ hại hơn, sổ đỏ được UBND TP Bến Tre cấp sai cả diện tích lẫn ranh giới. Nhưng đến thời điểm ông Nguyễn Văn Hiệp mua lại căn nhà này, thì Chủ tịch UBND TP Bến Tre không những không chịu sửa sai, mà còn kí cấp tiếp Giấy phép xây dựng mở rộng diện tích và chiều ngang căn nhà của ông Hiệp lên tới 6,724m. Còn Toà sơ thẩm, khi đến thẩm định lại cho rằng, chiều ngang nhà ông Hiệp được đo lại là 6,69m, là đúng với sổ đỏ của ông Hiệp đã được cấp. Dư luận ở địa phương xôn xao, bất bình, phẫn nộ về những hành vi bất chấp pháp luật của một số cán bộ của chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan, cũng như thẩm định của TAND TP Bến Tre.
Sau khi có được giấy phép xây dựng và cuốn sổ đỏ gian dối, ông Hiệp thuê doanh nghiệp xây dựng đóng cọc bê tông, xây nhà 5 tầng, đổ móng đè lên đà kiềng nhà của ông Tư. Quá trình thực hiện việc đóng cọc bê tông, do chấn động mạnh, nhà ông Tư bị sụt lún, nứt tường và hư hỏng nhiều chỗ khác nhau. Ông Tư nhờ luật sư tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình, đồng thời gửi đơn đến các cấp chính quyền, khởi kiện các hành vi xâm hại của ông Hiệp ra Toà án, yêu cầu can thiệp giải quyết vụ việc. Trước tiên tạm đình chỉ thi công, đối với căn nhà đang xây dựng trên diện tích đất lấn chiếm trái phép. Để chờ Toà án phán quyết, cứ mỗi lần ngồi trong nhà thấy rung chuyển, gia đình bà Nhung sang báo với đơn vị thi công, tổng cộng 16 lần ông Hiệp xông vào nhà riêng chửi bới gia đình ông Tư, với những lời lẽ thô tục, vô văn hoá. Hành vi này của ông Hiệp bị người dân gửi 105 lá đơn tố cáo, khiếu nại đến các cơ quan chức năng liên quan, cùng 12 đơn gửi đến các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thế nhưng, Toà sơ thẩm và các cấp chính quyền cố tình phớt lờ, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, cứ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, rồi ngâm án sau một năm rưỡi mới đưa ra xét xử, để đổi trắng thành đen(!?)
Toà sơ thẩm cố tình bẻ thay đổi cách nói, cách viết và tạo ra nhận thức giả, để lật ngược sự thật so với những gì đã xảy ra trên thực tế tại hiện trường. Trong khi phía nguyên đơn chỉ yêu cầu Toà án, buộc phía bị đơn phải trả lại một phần diện tích con hẻm (9,5m x 0,5m = 4,75m2). Thế nhưng Toà lại làm chuyện vô can, tiêu tốn tiền bạc thuê đo đạc nhiều lần, với diện tích 7,7m2 có chiều ngang 0,86m. Do vậy, khi đem ra xét xử, thì không có bản vẽ nào của Toà án đưa ra thể hiện đúng yêu cầu khởi kiện, dẫn tới việc tuyên án không thể đúng với nội dung vụ kiện, là điều tất yếu. Đây là hệ quả của hành vi “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, để đổi trắng thay đen, mà phía Toà sơ thẩm cố ý cho phía bị đơn chiếm đoạt mảnh đất xéo của nguyên đơn. Đồng thời, Toà cũng lấy đó làm căn cứ để bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Sổ đỏ số thửa số 21 của nguyên đơn được cấp lại lần 2 vào năm 2008, mang tên Nguyễn Văn Tư. Còn sổ đỏ của ông Phạm Văn Thà thửa số 23 (chủ nhà cũ) được cấp 2001 (trước 7 năm), có sau thời gian tồn tại của đường ống thoát nước phía nguyên đơn đang quản lí, sử dụng. Nếu là đất con hẻm này thuộc về ông Thà, tại sao lúc ông Thà được cấp sổ đỏ, mà không có bất kì khiếu nại gì, về đường ống thoát nước và cây cột điện hình chữ V của nguyên đơn đang sử dụng tại con hẻm? Mặt khác, khi vợ ông Thà chuyển nhượng căn nhà và khu đất thửa số 23 này cho ông Đào Bảo Chương. Đến ngày 20/9/2018, ông Chương bán lại cho người sở hữu cuối cùng, là ông Hiệp. Tương tự như trường hợp của ông Thà, khi ông Chương mua lại nhà, thì ông Chương cũng vẫn công nhận một phần con hẻm có ống thoát nước phía dưới và cái cột điện chữ V nằm trong con hẻm, là của gia đình ông Tư, thuộc thửa số 21. Điều đó minh chứng rằng, mọi sự rối rắm, lấn chiếm đất trái phép, cấp sổ đỏ và giấy phép xây dựng trái pháp luật, dẫn đến các bên hận thù thôn tính lẫn nhau kiểu xã hội đen, có tổ chức. Điều đó đều bắt nguồn từ sau thời điểm ông Hiệp mua và được một số cán bộ có chức, có quyền thuộc UBND TP Bến Tre “cố ý làm trái” để “ưu ái” cho ông Hiệp xây dựng căn nhà cao tầng này. (Còn nữa)