Vụ án “Giả mạo trong công tác” tại Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc: Có hay không dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Pháp luật - Bạn đọc 22/04/2020 10:47
Theo kết luận điều tra của Cơ quan ANĐT liên quan đến vụ án “Giả mạo trong công tác” xác định: Trung tâm ngoại ngữ - tin học thuộc Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc được thành lập ngày 9/3/2009 do ông Phạm Ngọc Luyến, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc kiêm giữ chức danh Hiệu trưởng nhà trường.
Người dân tố vụ án "giả mạo trong công tác" tại Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc có nhiều sai phạm như việc bỏ lọt tội phạm |
Trung tâm ngoại ngữ - tin học trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc hoạt động theo Điều lệ của nhà trường và chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học do Hiệu trưởng nhà trường ký sau khi có quyết định công nhận tốt nghiệp.
Qúa trình điều tra của Cơ quan An ninh điều tra đã xác định, trong khoảng thời gian cuối năm 2016 đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương khác, nhiều người có nhu cầu cấp chứng chỉ ngoại ngữ và tin học để phục vụ công tác.
Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, bị cáo Dương Thị Minh Nguyệt (Giám đốc Trung tâm) và hai nhân viên hợp đồng là Nguyễn Thị Thao, Đỗ Thị Thúy đã cấu kết với nhau lập khống hồ sơ, giả mạo tài liệu để hợp thức hóa quy trình, thủ tục, ký, cấp trái phép 576 chứng chỉ của Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc cho nhiều người. Trong đó có 407 chứng chỉ của 3 khóa Tin học BK19, Tiếng Anh BK19, BK20 và 169 chứng chỉ khác, trong đó có 167 chứng chỉ người được cấp chứng chỉ không có tên trong danh sách học viên bất kỳ khóa thi nào và 2 chứng chỉ cấp cho người mua thuộc khóa thi tiếng Anh BK21.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Nguyệt khai việc hợp thức hóa hồ sơ, quy trình, thủ tục đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ trái phép cho người mua đều báo cáo và được sự đồng ý, cho phép của ông Nguyễn Văn Hiền nguyên Hiệu trưởng nhà trường (nghỉ hưu từ 31/8/2016) và ông Phạm Ngọc Luyến, Hiệu trưởng hiện tại. Kết thúc việc cấp chứng chỉ trái phép mỗi khóa thi trên, Nguyệt đều trích bồi dưỡng cho ông Hiền, Luyến số tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.
Cơ quan ANĐT quyết định chưng cầu giám định một số tài liệu đã thu thập và xác định: Chữ ký của ông Nguyễn Văn Hiền và Phạm Ngọc Luyến trên các chứng chỉ Tiếng Anh, chứng chỉ Tin học trình độ B (của một số trường hợp thu được của người được cấp chứng chỉ không học, không thi, không kiểm tra) so với chữ ký của ông Hiền, ông Luyến do Cơ quan ANĐT thu thập là do cùng một người ký ra.
Tại bút lục số 2414, ông Hiền và ông Luyến khai nhận: Đối với hoạt động của Trung tâm được giao cho Phó Hiệu trưởng phụ trách.
Chứng chỉ giả được cấp có chữ ký của Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc tuy nhiên nhân viên lại bị đi tù |
Tuy nhiên, tất cả các hoạt động liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra, thi cấp chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, bà Nguyệt đều cáo báo và trình ông Hiền, ông Luyến ký các văn bản liên quan. Đồng thời, ông Hiền, ông Luyến khai do điều lệ nhà trường quy định việc cấp bằng, chứng chỉ thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng.
Do vậy, khi bà Nguyệt báo cáo và đề xuất công tác liên quan đến vấn đề tuyển sinh, đào tạo cấp chứng chỉ thì ông Hiền, ông Luyến là người xem xét và ký duyệt các tài liệu.
Đối với các khóa thi, kiểm tra cấp chứng chỉ thì Hiệu trưởng giữ vai trò Chủ tịch hội đồng thi, trực tiếp ký duyệt các văn bản, tài liệu liên quan đến việc thành lập, tổ chức hội đồng thi. Ông Hiền, ông Luyến cũng là người trực tiếp ký, cấp chứng chỉ dựa trên cơ sở tài liệu như quyết định công nhận tốt nghiệp, danh sách học viên...
Quyết định Thành lập Hội đồng thi của việc cấp chứng chỉ giả trong vụ án |
Phản ánh thông tin tới báo chí, cả ba bị cáo Nguyệt, Thao, Thúy đều kêu oan. Đặc biệt, bị cáo Thao, Thúy đều cho rằng bản thân chỉ là nhân viên hợp đồng làm theo chỉ dẫn của lãnh đạo. Việc chỉ kết tội ba bị cáo mà không quy trách nhiệm của người đứng đầu trường CĐ nghề Vĩnh Phúc chưa thực sự công bằng, đúng người, đúng tội.
Bản án số 785/2019/HS-PT ngày 30/11/2019 của TAND Cấp cao tại Hà Nội nêu rõ, tại Cơ quan ANĐT, ông Hiền, ông Luyến đều thừa nhận buông lỏng quản lý, giám sát tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ nhưng tới nay tại sao vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng, Hội đồng thi trong vụ việc vẫn chưa được làm rõ?
Hiện nay người nhà các bị cáo cho rằng vụ án có nhiều dấu hiệu sai phạm như việc bỏ lọt tội phạm, thậm chí có dấu hiệu “mớm cung” của điều tra viên… Bị cáo Thao hiện tại ngoại do đang mang thai, bị cáo Nguyệt đang điều trị thần kinh tại Bệnh viện Thần kinh Vĩnh Phúc và bị cáo Thúy đang thi hành án.
Gia đình các bị cáo, người đại diện các bị cáo cho rằng, đây là vụ án có nhiều điều cần xem xét. Hiện người đại diện pháp luật cho các bị cáo đang kháng cáo Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị xem xét lại vụ việc.
Tạp chí Ngày mới sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!