Vì sao chỉ đạo của UBND TP không được UBND quận Cầu Giấy thực hiện?
Pháp luật - Bạn đọc 06/07/2022 08:49
Năm 1953, cụ Đỗ Ngạn viết di chúc, để lại tài sản gồm: Gian nhà mái ngói 5 gian, nhà có sân, ngõ đi lại và ao cá rộng 2 sào 12 thước bằng 965m2 cho ông Đỗ Cát Căn, có ranh giới rõ ràng là phía Tây giáp đường vào xóm Sở, phía Bắc giáp Quốc lộ 32, sổ Địa bộ xác nhận số 159, năm 1940 từ thời Pháp thuộc (có giấy chứng nhận gốc).
Năm 1965, ông Căn cho Hợp tác xã (HTX) mượn mặt nước ao để thả cá. Lúc đó do bà Tạ Thị Lê, ở xóm Đồng Xa làm Chủ nhiệm (hiện bà Tạ vẫn còn sống), ông Nguyễn Đức Hòa làm Phó Chủ nhiệm, ông Đỗ Văn Hanh làm Đội trưởng đội sản xuất và các nhân chứng là ông Đỗ Văn Hồi ở xóm Giữa, ông Nguyễn Văn Vì và ông Đỗ Trần Thường ở xóm Đồng Xa. Tất cả những người trên đều xác nhận việc ông Đỗ Cát Căn chỉ cho HTX mượn mặt nước để thả cá và hằng năm tổ cá trả cho gia đình 8-10kg cá, chứ không hiến ao cho HTX. Sự việc đều có giấy tờ và chữ kí của các nhân chứng.
Năm 1980, gia đình tiến hành san lấp ao, làm nhà ở. Ngày 15/5/1999, ông Căn mất, để lại quyền thừa kế cho ông Đỗ Văn Tuấn và 5 anh chị em là Đỗ Cát Hoàn, Đỗ Đức Hảo, Đỗ Thị Ngọc Anh, Đỗ Thị Hoa và Đỗ Thị Tuyết Mai.
Khu đất của gia đình ông Tuấn trước đây bị cưỡng chế, nay xây cửa hàng cho thuê. |
Bất ngờ, ngày 15/10/1999, UBND xã Mai Dịch tiến hành cưỡng chế phá dỡ nhà ông Tuấn xây dựng năm 1980. Cụ thể, ngày 15/10/1999, Đội Quản lí trật tự xây dựng quận Cầu Giấy, do ông Trần Ngọc Đức, Đội trưởng chỉ huy phá dỡ nhà cửa, cây cối của gia đình theo Quyết định số 967/QĐ-CTUB ngày 4/10/1999 của UBND quận Cầu Giấy. Từ đó, gia đình ông Tuấn gửi đơn nhiều lần đến UBND phường Mai Dịch và UBND quận Cầu Giấy để khiếu nại. Hơn một năm sau, gia đình mới nhận được Quyết định trả lời số 179/QĐ-CTUB ngày 4/10/2000, do ông Nguyễn Quang Thuận, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy trả lời với nội dung: Quyết định số 967/QĐ-CTUB ngày 4/10/1999 của UBND quận Cầu Giấy cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng không phép của gia đình trên đất ao quản lí của HTX.
Cùng thời điểm đó, có nhiều gia đình khác cũng cho Tổ cá mượn mặt nước để thả cá giống như gia đình ông Tuấn như: Gia đình ông Duyên, bà Việt, ông Tụng, bà Lý ở cùng xóm Giữa; ông Đạt, ông Thường, ông Đắc, bà Vân, ông Đoan ở xóm Đồng Xa; ông Dung, ông La ở xóm Thị và riêng ông Thạch có 2 cái ao… Năm 1991, do Tổ cá làm ăn thua lỗ, gia đình ông Tuấn và các gia đình khác làm đơn đòi lại. Tới năm 1992, UBND phường Mai Dịch đều trả lại cho các hộ dân nói trên, riêng chỉ có ao của hộ ông Tuấn không được trả lại, mà UBND phường Mai Dịch trả lời: “Phường không có chủ trương trả lại ao cho cá nhân”.
Tại thời điểm UBND quận Cầu Giấy cưỡng chế, phá dỡ nhà của gia đình ông Tuấn, ngày 15/10/1999, còn có 3 gia đình khác cũng nhận được giấy thông báo cưỡng chế, phá dỡ là ông Nguyễn Văn Thuộc, ông Nguyễn Văn Luyện và bà Đỗ Thị Hoài cùng với lí do làm nhà lấn ao nhà ông Tuấn. Nhưng họ không bị cưỡng chế và phá dỡ mà chỉ gia đình ông Tuấn bị cưỡng chế phá dỡ.
Sau đó, ông Tuấn có làm đơn gửi UBND phường Mai Dịch, được UBND phường trả lời bằng Văn bản số 77/KL-UB ngày 29/6/2000, do ông Hoàng Hòa Bình, Chủ tịch UBND phường kí thừa nhận việc 3 gia đình đó làm nhà và lấn ao của gia đình ông Tuấn là có thật, sau đó phường triển khai hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo quận Cầu Giấy.
Nhiều năm kiên trì gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng từ phường đến TP Hà Nội, ngày 9/2/2001, TAND quận Cầu Giấy đã nhận đơn và thu tiền tạm ứng án phí của gia đình, nhưng cho tới nay gia đình vẫn không nhận được trả lời hay thông tin gì từ TAND quận Cầu Giấy.
Ngày 26/12/2019, tại Phòng Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Cầu Giấy đã tổ chức họp nhằm: Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 11101/VP-ĐT ngày 18/11/2019 của Văn phòng UBND TP Hà Nội và Văn bản số 2090/UBND-ĐT ngày 5/5/2017 của UBND TP Hà Nội. UBND quận Cầu Giấy giao cho Phòng TN&MT làm việc với ông Đỗ Đức Hảo (anh trai ông Tuấn) để thống nhất lựa chọn vị trí đất để lập hồ sơ đề nghị giao đất có thu tiền sử dụng đất cho ông Đỗ Đức Hảo (đại diện gia đình). Tại buổi làm việc, Phòng TN&MT quận Cầu Giấy thông tin tới gia đình có 2 vị trí đất để lựa chọn được UBND quận Cầu Giấy, Sở TN&MT đề xuất UBND TP Hà Nội giao đất có thu tiền sử dụng đất cho gia đình và được UBND TP Hà Nội chấp thuận, cụ thể: Thửa đất số 01, tờ bản đồ số 38, bản đồ lập năm 1994, khu vực ao xóm Thị, phường Mai Dịch (tức là thửa đất của gia đình đã bị cưỡng chế trước kia); Thửa đất số 02, tại ngõ 114 phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy thuộc thửa đất số 330 (1p), tờ bản đồ số 6.
Đại diện gia đình đã đề nghị lựa chọn thửa đất số 01, tờ bản đồ số 38, bản đồ lập năm 1994, khu vực ao xóm Thị, phường Mai Dịch. Phòng TN&MT đã đồng ý tiếp thu ghi nhận ý kiến và báo cáo, đề xuất UBND quận Cầu Giấy thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Nhưng từ đó đến nay, UBND quận Cầu Giấy vẫn không giải quyết cho gia đình. Điều đáng nói, trong suốt thời gian qua, rất nhiều lần sự việc có sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, nhưng khi tới UBND quận Cầu Giấy thì lại bị ách lại (!?)
Để làm rõ sự việc trên, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND quận Cầu Giấy, nhưng nhiều tháng qua, UBND quận Cầu Giấy không phản hồi. Còn ông Đặng Thìn Chín, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch cho rằng: Tất cả hồ sơ hiện phường không còn giữ, bản đồ qua các thời kì thì cán bộ địa chính giữ. Nhưng do cán bộ cũ đi, cán bộ mới thì đang nhận bàn giao, nên sẽ thông tin lại sau. Nhiều lần phóng viên liên hệ lại đề nghị làm việc tiếp và cung hồ sơ, nhưng không được phường cung cấp (!)
Căn cứ Luật Đất đai, hồ sơ, thửa đất trên là của gia đình ông Tuấn, gia đình không bán cũng như không hiến đất cho HTX, nên UBND phường Mai Dịch, UBND quận Cầu giấy có dấu hiệu vi phạm về việc quản lí đất đai khi thực hiện cưỡng chế phần đất của gia đình ông Tuấn để xây dựng cửa hàng cho người khác thuê kinh doanh. Tạp chí Người cao tuổi đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông Tuấn.