Tỉnh Lâm Đồng: 5 điểm “bất thường” trong quyết định xử phạt của UBND huyện Di Linh!?
Pháp luật - Bạn đọc 24/02/2022 09:23
Trao đổi với phóng viên, ông Anh cho hay: Cách đây hơn 30 năm, ông Nguyễn Trung Thành mua 2 thửa đất (số 82 và 85, tờ bản đồ 54B), tại thôn Đông Lạc và được cấp sổ đỏ. Điều đáng nói, trên sổ đỏ cấp lần đầu năm 1996 (cấp lại năm 2004) cũng như tài liệu tách thửa năm 2013, đều không thể hiện dọc 2 thửa 82 và 85 có đường đi. Năm 2016, ông Anh mua lại của ông Thành, thửa 85. Khi mua, trên đất (vị trí giáp thửa 82) từ đường nhựa liên thôn có 1 lối mòn rộng khoảng 1,5m dành cho 3 hộ phía sau. Thế nhưng, khi bà Võ Thị Kim Liên mua đất ở cuối lối mòn này có máy cày nên đã lấn, mở rộng thành đường 3m". Do lối mòn bà Liên mở rộng lấn vào đất của ông Anh, nên ông Anh đã kéo lưới B40 rào lại 1 phần chiều rộng của đường...
Lực lượng chức năng và máy móc cưỡng chế phá dỡ hàng rào |
Quyết định xử phạt "lắm vấn đề"
Cuối tháng 12/2021, UBND huyện Di Linh ra Quyết định số 4.317, phạt ông Anh 15 triệu đồng do hành vi lấn đất. Không đồng ý với quyết định này, ông Anh khởi kiện và được TAND tỉnh Lâm Đồng thụ lí ngày 19/1/2022. Trong đơn kiện, ông Anh nêu rõ, Quyết định số 4.317 là sai. Thứ nhất, chính quyền huyện quy kết ông chiếm 52m2 "đất phi nông nghiệp do xã Đinh Lạc quản lí" là không có cơ sở. Vì thực tế, ngay tại ranh thửa 82 và 85 chỉ có 1 lối mòn nhỏ (không thể hiện trên sổ đỏ) và theo ông Thành (người bán đất cho ông), lối đi này không phải đường công cộng mà chỉ cho 2-3 hộ phía sau đi nhờ. Việc lối đi không phải đường công cộng còn được chứng minh: Khi ông mua đất, mọi người còn đi dưới tán cà phê trồng lâu năm. Năm 2019, ông mượn đất bà Thủy (bà Thủy mua lại 1 phần thửa 82 của ông Thành, tiếp giáp thửa 85, đã tách thành thửa 1.124, được cấp sổ đỏ. Trên sổ cũng không thể hiện đường đi) để trồng dâu rồi rào tạm lại. Khi rào, ông Thái (có nhà phía sau) xin gỡ ra để cho xe tải vào và hứa bồi thường (những cây dâu bị thiệt hại) rồi rào lại sau. Thứ hai, nói xã Đinh Lạc quản lí diện tích đất phi nông nghiệp ông Anh lấn chiếm thì căn cứ đâu, văn bản, quyết định và bản đồ nào giao đất? Trong khi, theo Luật Đất đai năm 2013, UBND chỉ được quản lí đất công ích, bãi bồi ven sông và đất chưa sử dụng. Thứ ba, tất cả các tài liệu có trước thời điểm UBND huyện ra quyết định xử phạt đều thể hiện các thửa 82 và 85 thuộc tờ bản đồ 54b. Thế mà, Quyết định 4.317 (cũng như Quyết định số 139 cưỡng chế sau đó) lại ghi: Lấn chiếm 52 m2 "tại tờ bản đồ 21". Vậy, tờ bản đồ 21 "ở đâu ra", thay đổi năm nào? Thứ tư, như đã nói, sổ đỏ cấp cho ông Thành đều không thể hiện đường đi và theo ông Trần Nhật Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện: Việc cấp các sổ đỏ đều "thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai". Song, cũng chính ông Phi, lại là người kí Quyết định số 4.317 xử phạt. Và như thế, có khác nào ông tự phản bác mình!? Thứ năm, thửa 1.124 của bà Thủy (tách từ thửa 82 của ông Thành) có chiều ngang 15m. Tuy nhiên, đối chiếu kết quả đo hiện trạng ngày 30/6/2020 thì chỉ còn hơn 14m. Vậy, khi đất chưa được cơ quan có thẩm quyền (Văn phòng Đăng kí đất đai) chỉnh lí diện tích, cắm mốc thì căn cứ vào đâu nói ông Anh lấn 52 m2 (ông Anh còn cho rằng, việc UBND xã Đinh Lạc tổ chức cắm mốc con đường rộng 3m vào ngày 6/5/2021, "theo văn bản trả lời đơn bà Liên", là sai trái)!?
Quyết định xử phạt và đơn khởi kiện của ông Anh |
Vì sao lối đi phải rộng 3m?
Xin nhắc lại, sổ đỏ cấp cho ông Thành và tài liệu tách thửa 82 năm 2013, cùng những sổ đỏ của những thửa tách này đều không thể hiện có đường đi. Hơn thế, ông Vũ Dương Hải, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng khẳng định: Không chỉ sổ đỏ mà kết quả đo vẽ ranh giới, mốc giới thửa đất của Chi nhánh Văn phòng Đăng kí đất đai huyện Di Linh ngày 27/5/2013 "đã được UBND xã Đinh Lạc xác nhận" cũng không có đường đi. Đồng thời, kết quả đo vẽ này "được các hộ liền kề kí giáp ranh"!
Tuy nhiên, theo chính ông Thành, ông Anh và bà Thủy tại ranh thửa 82 và 85 có 1 lối đi, nhưng chỉ rộng khoảng 1,5m. Điều này xem ra phù hợp với lời ông Nguyễn Thành Lợi, cán bộ địa chính xã: Có "1 con đường nhỏ" dọc các thửa đất và "thông thường đường nhỏ hơn 2m sẽ không thể hiện trên bản đồ". Tương tự, theo tài liệu đo đạc hiện trạng, ngày 30/6/2020, do Chi nhánh Văn phòng Đăng kí Đất đai huyện thực hiện thì trên đất có đường đi 2m. Như vậy, có thể thấy, giữa thửa 85 (của ông Anh) và thửa 1.124 (tách ra từ thửa 82) có 1 đường đi, song không thể rộng 3m để UBND huyện lấy đó làm căn cứ quy ông Anh "lấn chiếm 52m2 đất phi nông nghiệp"!?.
Một cán bộ hưu trí cho phóng viên hay, nguồn cơn sâu xa của vụ xử phạt là do tranh chấp đường đi giữa ông Anh với bà Liên - người mới mua mảnh đất rộng 1,3ha khu vực cuối con đường. Theo bà Liên, con đường là lối đi chung từ đường nhựa liên thôn vào đến đất của bà... phải rộng 3m(!). Vì thế, khi ông Anh rào lại 1 phần bề ngang "con đường 3m" này thì bà Liên kiện. Cũng theo vị cán bộ hưu trí, vì sao con đường "nhất quyết" phải rộng 3m? Có phải, chỉ "to" thế mới bảo đảm hơn 1 mẫu đất nông nghiệp của bà, ở cuối đường, mới càng "đắc địa" khi tách thửa, phân lô (cho dù từ mảnh đất "bạc vàng" đó đã có 1 con đường khác đi ra đường nhựa liên thôn)?
Nhận định trên có lẽ càng được củng cố khi TAND tỉnh Lâm Đồng đã thụ lí đơn khởi kiện Quyết định xử phạt số 4.317. Thế nhưng ngày 20/1/2022, lãnh đạo huyện vẫn quyết huy động lực lượng, máy móc tiến hành tháo dỡ hàng rào B40, bất chấp đề nghị hoãn cưỡng chế, chờ Tòa giải quyết (và cả chấp nhận đường đi rộng 2m) của ông Anh.
Vậy, liệu điều gì "thúc hối" phía sau việc xử phạt, cũng như việc "hăng hái và quyết liệt" cưỡng chế vào ngày 18 tháng Chạp, thời gian cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, như thế?.