Về sai phạm ở Dự án Khu đô thị Hoàng Long, TP Nha Trang: Cần có cái nhìn toàn diện về các vụ việc (kì 3)
Pháp luật - Bạn đọc 09/03/2020 09:27
Bài III: Phải xác định lại thiệt hại, có biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp và người dân
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, chúng tôi được biết, ông Võ Mỹ sẽ có đơn kháng cáo. Tương tự, Công ty UPGC cũng có đơn kháng cáo. Ông Mỹ cho rằng, việc cơ cấu đối tượng cán bộ như ông vào Tổ công tác, nhằm bảo đảm thêm tính khách quan, nhưng thực tế chỉ là hình thức. Là chuyên viên Phòng Quản lí đô thị, công việc hằng ngày đã hết sức bận rộn, quá trình kê khai đăng kí, xác minh, kiểm đếm nguồn gốc, số lượng tài sản về đất đai, nhà cửa, tình trạng cư trú của các hộ dân, đối với thành viên tổ công tác như ông trở nên vô thưởng, nhưng lại có phạt. Tại phiên tòa, khi chủ tọa và vị đại diện VKS thẩm vấn, cho rằng ông không giám sát, sao vẫn kí vào hồ sơ? Ông thừa nhận việc làm đó của mình là thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông cũng cho biết: Khi đi đo vẽ, kiểm đếm, tổ công tác không báo. Khi đưa hồ sơ đề nghị kí, thấy các thành phần từ Tổ trưởng dân phố, cán bộ địa chính - đô thị, cảnh sát khu vực và Chủ tịch UBND phường ký rồi, thì ông làm sao không ký được!? “Bây giờ bị buộc tội thì phải chịu, chứ tôi không phạm tội” - ông Mỹ quả quyết. Ông Lương Như Giáp cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Chúng tôi thấy lí lẽ của ông Võ Mỹ là có căn cứ. Qua đây một lần nữa chứng minh vai trò của cán bộ địa chính đô thị - cảnh sát khu vực - Tổ trưởng dân phố và Chủ tịch UBND phường quan trọng đến như thế nào.
Tất cả 4 vụ án xảy ra tại Khu đô thị Hoàng Long, phường Phước Long. TP Nha Trang Cơ quan CSĐT không chứng minh được tội tham nhũng. Đây cũng là tình trạng chung hiện nay của án tham nhũng. Chẳng ai thấy được “ma ăn cỗ”, nhưng “nhìn màu da thì sẽ nhận ra xác chết”. Từ ông cán bộ. đảng viên đến người dân bình thường, không ai cho rằng chưa có tham nhũng xảy ra như các bị cáo khai báo tại phiên tòa. Thực tế có tham nhũng hay không, thì các bị cáo là người nhận ra hơn ai hết. 71 hồ sơ không đủ điều kiện, nếu được thực hiện êm xuôi, thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, luật pháp không cho phép suy diễn. Bị cáo Đỗ Thế Vinh, cán bộ Ban quản lí Dự án Hoàng Long, được cơ cấu là thành viên Hội đồng, được bổ nhiệm làm Tổ trưởng tổ công tác giúp việc Hội đồng, là để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp. Ăn cây nào rào cây đó. Ông Vinh đang ăn cơm, mặc áo của Công ty, nên chẳng dại gì làm việc không công cho người khác, nếu người đó không thật hẩu với mình. Bà Vũ Thị Mai Hương, ông Lê Huy Toàn từng được ăn học tử tế, đào tạo bài bản; giáo dục, rèn luyện qua thực tiễn nhiều năm để có cái ghế quyền lực, không dễ gì bỏ qua sơ suất nhỏ để trả giá lớn. Việc vì sao các cuộc họp Hội đồng, ông Toàn không mời các thành viên là những cán bộ trưởng, phó phòng nghiệp vụ của thành phố, mà chì mời cán bộ chuyên viên thuộc Tổ công tác, là có ý đồ sâu xa của ông. Tại tòa, ông đổ lỗi cho văn thư không gửi giấy mời, chẳng qua đó là phản ứng bất chợt. Nếu chủ tọa phiên tòa hỏi sâu hơn, thì ông sẽ không có đường lùi. Khi phát hiện dấu hiệu sai phạm, lãnh đạo Công ty UPGC làm văn bản gửi Hội đồng xem xét, nhưng ông Toàn lại hối thúc cứ thực hiện… Tất cả đủ biết “sự công minh, chính đại” của Hội đồng này như thế nào rồi.
Xin nói thêm, thời điểm ông Lê Huy Toàn làm Chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và cấp đất tái định cư (BTHT&TĐC) Dự án Hoàng Long, ông còn làm Chú tịch Hội đồng BTHT&TĐC nhiều dự án khác. Đơn cử như Dự án Khu biệt thự Quốc Anh, ở thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng. Nguồn gốc đất ở dự án này là đất trồng rừng, tương tự như Dự án Hoàng Long là đất nuôi tôm. Có một khu đất nguồn gốc của 6 hộ, trong một thời gian ngắn, khi dự án triển khai đã thành hàng chục hộ. Nhưng ở dự án này có khác, là Chủ tịch UBND xã không kí xác nhận vào hồ sơ, mà hồ sơ giả mạo chữ kí Chủ tịch UBND xã. Cơ quan Kĩ thuật hình sự Công an Khánh Hòa đã giám định và kết luận. Tuy nhiên, điều trớ trêu là ở một vài sổ đỏ của dân xin tách thửa, đã được ông Lê Huy Toàn kí. Dự án Khu giết mổ tập trung tại 2 thôn: Phước Thượng và Phước Sơn, xã Phước Đồng, do ông Lê Huy Toàn làm Chủ tịch Hội đồng BTHT&TĐC, cũng tương tự. Hội đồng vừa thông báo chủ trương, đã có không ít người xông vào các nhà dân có đất trong dự án để mua gom. Sau khi mua xong, họ triển khai san ủi, mua tôn, gỗ… phế liệu, cấp tốc dựng lán trại, lập hồ sơ... “phục vụ” cho công tác kê khai, bồi thường, hỗ trợ. Chúng tôi đã từng chứng kiến việc làm của các đối tượng này, diễn ra song song với việc kê khai, kiểm đếm, xác minh của người dân và Tổ công tác giúp việc Hội đồng BTHT&TĐC.
Một số hộ dân tranh thủ đổ đất tôn nền, đặt ống nước làm việc đã rồi |
Chúng tôi phân tích và chứng minh như trên, không có ý buộc tội cho ai và cũng không có nghĩa là dùng công luận và dư luận, để áp đặt các cơ quan tố tụng tỉnh Khánh Hòa và TP Nha Trang một hình thức buộc tội nặng hơn, đối với các bị cáo trong “đường dây chạy đất dự án ở Khu đô thị Hoàng Long”. Án tại hồ sơ và theo quy định của pháp luật. Nhung quá trình điều tra, truy tố và xét xử phải thực thi một cách nghiêm túc quy định của pháp luật. Giọt nước tràn li. Ở các tội danh nói trên, nếu số tiền thiệt hại chỉ từ 299 triệu đồng trở xuống, thì việc các bị cáo phải chịu mức phạt như Tòa tuyên đã là điều gây bất bình dư luận. Nhưng, con số gây thiệt hại, ít nhất đã là trên 600 triệu đồng, thì mức án không thể nằm ở Khoản 1 nữa. Đó là chưa nói đến các tình tiết khác.
Đơn kháng cáo của của Công ty UPGC có nội dung: Công ty là bị hại, nhưng không được thông báo tham gia phiên tòa, là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Bên cạnh đó, việc Cơ quan điều tra giảm số lượng thiệt hại vật chất từ trên 600 triệu đồng xuống dưới 280 triệu đồng, để hạ khung khởi tố, truy tố từ Khoản 2 xuống Khoản 1, Điều 230 và 360 của 2 tội danh để áp dụng cho tất cả các bị cáo, là trái với quy định của pháp luật. Cần xác định số tiền thiệt hại mà Công ty UPGC đã chi trả lãi ngân hàng, tiền lương công nhân, đất đai bị chiếm dụng xây nhà trái phép, cho thuê mở cửa hàng, làm bãi đỗ xe… do hành vi trái pháp luật của các bị cáo gây ra suốt 3 năm qua, để buộc phải bồi thường là điều cần thiết và đúng đắn. Đó là thiệt hại hiện hữu. Còn thiệt hại vô hình về uy tín, danh dự của Công ty; về sự mất lòng tin của Nhân dân đối vói Đảng và Nhà nước; về thiệt hại của những người dân chân chính trong vùng ảnh hưởng của dự án, thì theo chúng tôi cũng không nên đặt ra, vì nó sẽ thêm phức tạp cho vụ án. Ngoài ra, ở vụ án này còn có dấu hiệu để lọt tội phạm. Do đó, theo chúng tôi, việc TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận đơn kháng cáo của Công ty UPGC là điều không thể khác.
Những bãi đất của dự án đã bị chiếm dụng làm nơi cho thuê đỗ xe |
Với tư cách là nhà báo và cơ quan báo chí, tác giả Nguyễn Xuân và Báo Người cao tuổi đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo của Công ty UPGC.
Nội dung cuối cùng và theo chúng tôi, quan trọng nhất phải tính sau vụ án này, các cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng tháo gỡ mọi vướng mắc, để doanh nghiệp trở lại hoạt động. Đề nghị TP Nha Trang thành lập Hội đồng BTHT&TĐC mới, để rà soát lại 71 hồ sơ tạm dừng, nhanh chóng xem xét khoảng 70 hộ dân đủ điêu kiện BTHT&TĐC đang sống vật vã trong dự án được BTHT&TĐC, để họ sớm ổn định cuộc sống. Xem xét và xử lí các hộ đân lấn chiếm trong thời gian dự án dừng hoạt động; những tổ chức, cá nhân, hộ gia đình lâu nay không hợp tác để giữ vững kỉ cương phép nước.