Về khu đất “vàng”ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh: Kết luận sai, tham mưu thu hồi đất trái quy định; khiến doanh nghiệp lao đao
Pháp luật - Bạn đọc 16/08/2018 09:41
Kỳ 1: Việc làm "trái khoáy", rõ như ban ngày
Những văn bản bất thường
Ngày 1/3/2001, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 285/CV/UB-NL2, gửi Sở Địa chính và Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh: “Đồng ý chủ trương cho Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh được chuyển nhượng lô đất tại phường Tân Giang, thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh) và lô đất tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, do Hội đồng giải thể Công ty Kinh doanh tổng hợp – Đầu tư sản xuất và Xuất nhập khẩu Hà Tĩnh bàn giao; Giao Sở Địa chính hướng dẫn Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh làm đầy đủ thủ tục theo quy định, để thực hiện chuyển nhượng”.
Ngày 15/8/2001, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Xây dựng, Sở Thương mại và Du lịch, UBND huyện Hương Sơn và UBND thị trấn Phố Châu phê duyệt quy hoạch mặt bằng sử dụng trên khu đất tại thị trấn Phố Châu bao gồm: Nhà bán hàng và dịch vụ cao tầng; khách sạn cao tầng; kho bán buôn, gia công tái chế hàng hóa và sân để xe ô tô, xe gắn máy với tổng diện tích 2.075m2.
Ngày 4/6/2002, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1221/QĐ/UB-NL3, cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, có nội dung: “Đồng ý cho Công ty Thương mại và Dịch vụ xuất nhập khẩu Hương Sơn nhận quyền sử dụng đất, do Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh chuyển quyền sử dụng 2.120m2. Loại đất chuyên dùng. Vị trí: Khối 3, thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, nằm trong thửa đất số 98, tờ bản đồ số 05, bản đồ địa chính thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, tỉ lệ 1/500. Ranh giới: Bắc giáp đất vùng kho Công ty Lương thực 81,60m; Nam giáp hành lang đường 8A dài 67,20m; Đông giáp khối phố và 2 hộ dân dài 65,80m; Tây giáp đường nội thị và Công ty Phát hành sách 28,27m. Thời hạn sử dụng lâu dài. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số S 880169 cho Công ty Thương mại và Dịch vụ XNK Hương Sơn…”.
Biên bản bàn giao ngày 28/11/2003
Ngày 10/10/2002, ông Trần Minh Quế, Giám đốc Công ty Hương Sơn tổ chức họp với 13 hộ và thống nhất: “Công ty không có vốn tham gia đầu tư xây dựng kinh doanh thì cá nhân góp thêm vốn, tự thành lập Ban quản lí dự án, tự quản lí điều hành, mở sổ kế toán hạch toán riêng … Trong thời gian xây dựng, đề nghị Công ty Thương mại và Dịch vụ du lịch XNK làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất sang cho Công ty CP Xây dựng nhà đất Hương Sơn theo hợp đồng đã kí”. Ông Trần Minh Quế còn kí Hợp đồng xây dựng khách sạn với ông Nguyễn Ứng Trung, ngụ tại thị trấn Phố Châu để hưởng lợi, tại Điều 1 nêu rõ: “Bên A nhất trí chuyển nhượng 400m2 nhà kho, 800m2 đất, kèm theo nhà ở khối 2, thị trấn Phố Châu để cải tạo, xây dựng thành khách sạn. Nhận thầu thi công hoàn thành khách sạn cho bên B theo hồ sơ thiết kế, dự toán được thẩm định và B nhất trí trước khi thi công, đồng thời làm tư cách pháp nhân về kinh doanh khách sạn cho bên B… Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, hai bên tiến hành kí hợp đồng kinh tế cụ thể, với nguyên tắc các chi phí phục vụ kinh doanh, kể cả thuế phải được khấu trừ, bên A được hưởng 20% của tổng lợi nhuận…”.
Nhà nghỉ, nhà dân được xây dựng trái quy hoạch trên khu đất “vàng” ở ngã 3 thị trấn Phố Châu
Ngày 31/10/2003, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2543/QĐ-UBND, sáp nhập Công ty Hương Sơn vào Công ty Thương mại và du lịch Bắc Hà Tĩnh, tại Điều 2 nêu: “Giao Sở Thương mại và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Thường trực Ban Đổi mới quản lí doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo thực hiện sáp nhập 2 đơn vị, theo hướng dẫn tại Thông tư số 130/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính; Đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lí các vấn đề phát sinh về tài chính, tài sản và công nợ của Công ty theo chế độ hiện hành…”. Vậy mà, ngày 5/11/2003, Công ty Hương Sơn vẫn ra Văn bản số 65 VP/CT gửi Sở Thương mại và Du lịch, UBND huyện Hương Sơn, Sở Tài chính nêu rõ: “Công ty Hương Sơn lập phương án quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch huy động vốn được các cấp chấp nhận. Công ty đã thành lập Ban quản lí dự án đầu tư xây dựng kinh doanh tại lô đất, bằng 100% nguồn vốn huy động của những người thỏa thuận tham gia góp vốn kinh doanh. Lợi nhuận kinh doanh được phân phối theo quy định của Công ty… Đề nghị cho làm thủ tục chuyển nhượng lô đất mua của Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh cho Công ty CP Xây dựng nhà đất Hương Sơn theo luật pháp hiện hành”.
Mặc dù quyết định sáp nhập có hiệu lực từ ngày ban hành, nhưng 18 ngày sau (18/11/2003), ông Trần Minh Quế kí Quyết định số 93 QĐ/CT “Chỉ định cho Xí nghiệp Xây dựng Hồng Ngọc xây dựng công trình nhà Thương mại - Dịch vụ tổng hợp ngã tư thị trấn Phố Châu, với giá dự toán được phê duyệt…”.
Ngày 28/11/2003, Công ty Hương Sơn bàn giao sáp nhập vào Công ty Thương mại và du lịch Bắc Hà Tĩnh trước sự chứng kiến của đại diện Sở Tài chính, Sở Thương mại và Du lịch Hà Tĩnh. Tại mục 6, nội dung các mục bàn giao thể hiện: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số S 880169 của UBND tỉnh Hà Tĩnh kí ngày 24/6/2002 (bản phô-tô) còn bản gốc, ông Quế còn giữ”. Vậy mà, ngày 8/12/2003, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn vẫn kí Công văn số 399/CV/UB gửi Sở Thương mại và Du lịch và Sở Tài chính: “Đồng ý cho Công ty Hương Sơn làm thủ tục chuyển nhượng lô đất thuộc thửa số 98, tờ bản đồ số 05, diện tích 2.120m2 tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn cho Công ty CP Xây dựng nhà đất Hương Sơn theo Luật Đất đai hiện hành”.
Trước việc làm “bất thường” của Công ty Hương Sơn và Chủ tịch UBND huyện, ngày 4/2/2004, ông Nguyễn Trọng Tịnh, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Bắc Hà Tĩnh có Công văn số 02/CV-CT gửi Sở Tài chính, phản ánh một số việc làm “mờ ám”, đề nghị kiểm tra xử lí 2.075 m2 đất đã được cấp sổ đỏ số 880169 và tài sản trên lô đất này, buộc Công ty Hương Sơn đưa vào quyết toán bàn giao, để Công ty Thương mại và Du lịch Bắc Hà Tĩnh quản lí, sử dụng đúng mục đích theo phương án đã được phê duyệt.
Ngày 9/2/2004, Công ty Thương mại và Du lịch Bắc Hà Tĩnh tiếp tục có Công văn số 03/CV-CT gửi Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở Thương mại - Du lịch, Sở Tài chính, phản ánh tài sản trên đất thửa số 98 không đưa vào sổ sách, sử dụng sai mục đích, trái với phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hội đồng kiểm kê lập biên bản bàn giao ngày 28/11/2003, yêu cầu Công ty Hương Sơn bàn giao hồ sơ, sổ đỏ lô đất trên, nhưng Công ty Hương Sơn chưa thực hiện. Đề nghị các cơ quan liên quan kiểm tra, chỉ đạo giải quyết đất và tài sản trên đất, đã được cấp sổ đỏ số S 880169, đồng thời xử lí thế chấp đất (Văn phòng, cây xăng dầu, lô đất ở Nầm) do Công ty Hương Sơn vay 700 triệu đồng tại ngân hàng chưa được thanh toán.
Ngày 8/3/2004, Công ty Thương mại và Du lịch Bắc Hà Tĩnh tiếp tục có Công văn số 22/CV-CT gửi Sở Địa chính, Phòng Địa chính huyện Hương Sơn, đề nghị không làm thủ tục chuyển nhượng lô đất đã được cấp sổ đỏ số 880169 cho Công ty CP Xây dựng nhà đất Hương Sơn. Vậy nhưng, không biết Công ty Hương Sơn làm cách nào, mà 10 ngày sau (17/3/2004), UBND tỉnh ban hành Quyết định số 419, chuyển quyền, thu sổ đỏ số 880169 để cấp sổ đỏ số 00006 cho Công ty CP Xây dựng nhà đất Hương Sơn, do ông Trần Minh Quế làm Giám đốc!?
Trích “nguyên tắc xử lí tài chính khi sáp nhập” tại trang 2 Thông tư số 130/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính
Nhóm PVPL