Về kê biên tài sản và quy định xử lí của pháp luật trong “đại án” Vạn Thịnh Phát
Pháp luật - Bạn đọc 21/11/2023 10:13
Để bảo đảm khắc phục hậu quả vụ án, cơ quan chức năng đã phong tỏa 43 tài khoản của các bị can hoặc được đứng tên hộ. Tổng số tiền trong đó là 1.896 tỉ đồng và 8,4 triệu USD.
Công ty CP Kim Cương do bà Trương Mỹ Lan nắm 66% vốn cũng bị ngăn chặn giao dịch với số dư hơn 789 tỉ đồng trong tài khoản mở tại SCB.
Về bất động sản của bà Trương Mỹ Lan, cơ quan chức năng tạm giữ 1.266 bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), gồm cả các sổ đỏ nhận liên quan Công ty Quốc Cường Gia Lai. Ngoài ra, 143 sổ đỏ tại tái định cư Khu công nghiệp An Nhựt Tân (tỉnh Long An) cũng sẽ được dùng làm tài sản khắc phục hậu quả cho bà Trương Mỹ Lan.
Có 1.237 bất động sản liên quan đến bà Lan cũng bị kê biên như: Nhà đất số 19 - 21 - 23 - 25 phố Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh; nhà đất số 232 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP Hồ Chí Minh; số 66 Phó Đức Chính, quận 1, TP Hồ Chí Minh,…
Các tài sản khác liên quan của bà Trương Mỹ Lan bị kê biên là hơn 857 triệu cổ phần tại SCB; một du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô; một số sổ tiết kiệm…
Về việc bị can Nguyễn Cao Trí lừa đảo, chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng của bà Trương Mỹ Lan, kết luận điều tra thể hiện, ông Trí đã tác động gia đình nộp 640 tỉ đồng khắc phục hậu quả.
Cơ quan chức năng cũng kê biên của bị can Nguyễn Cao Trí 7 bất động sản trị giá 266 tỉ đồng; thu giữ hơn 93 tỉ đồng tiền mặt. Tổng số tiền ông Trí bị kê biên, tạm giữ đã vượt 1.000 tỉ đồng.
Với hành vi đưa nhận hối lộ 5,2 triệu USD liên quan cán bộ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan điều tra cho biết đã thu hồi hơn 5,3 triệu USD.
Dưới góc độ pháp lí, luật sư, TS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ án này liên quan đến nhiều bị can, nhiều tội danh, nhiều giao dịch và đặc biệt là số tiền được xác định là tham ô tài sản lớn nhất từ trước đến nay. Theo kết luận điều tra, các bị can cũng gây thiệt hại với số tiền đặc biệt lớn của hàng ngàn người.
Theo quy định của pháp luật, với những vụ án xâm phạm quyền sở hữu tài sản hoặc các vụ án về tham nhũng kinh tế gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội, cơ quan điều tra sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn như phong tỏa, kê biên tài sản để tránh tẩu tán tài sản để bảo đảm thi hành án.
Sau khi có kết luận điều tra, toàn bộ hồ sơ vụ án sẽ chuyển cho Viện Kiểm sát nghiên cứu để ban hành cáo trạng truy tố đối với các bị can. Sau khi có cáo trạng truy tố, toàn bộ hồ sơ vụ án sẽ chuyển cho tòa án để xem xét xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.
“Từ đó có thể thấy, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, làm cơ sở áp dụng hình phạt, tòa án cũng sẽ làm rõ các giao dịch, làm rõ những thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, đảm bảo quyền lợi của những người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trong trường hợp các bị can không tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, tòa án sẽ tuyên có thể phát mãi số tài sản đã kê biên để thi hành án”, luật sư Cường cho biết.