Tuyên ngôn Độc lập đưa ra cơ sở vững chắc cho nền độc lập của nước ta
Nghiên cứu - Trao đổi 31/08/2024 08:35
Cơ sở pháp lí của nền độc lập của dân tộc Việt Nam
Nước ta vốn là một nước độc lập. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Năm 1885, Kinh đô Huế thất thủ, nước ta rơi vào tay thực dân Pháp. Thực dân Pháp đã buộc triều đình nhà Nguyễn kí các văn bản thừa nhận quyền “bảo hộ” của chúng trên đất nước ta.
Huênh hoang về sự “bảo hộ” nhưng thực dân Pháp đã bán nước ta 2 lần cho Nhật. Tuyên ngôn Độc lập chỉ rõ: “Mùa Thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật… Ngày 9/3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Do đó, Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) nêu rõ: “Sự thật là từ mùa Thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì Nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Bởi vậy, Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới rằng: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát li hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.
Quang cảnh ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh tư liệu lịch sử. |
Xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lí phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776) và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791), Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 đã suy rộng ra là “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
Cơ sở thực tiễn cho nền độc lập của Việt Nam
Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào. Đại hội đã thông qua 10 chính sách của Việt Minh. Điều đầu tiên trong Mười chính sách của Việt Minh là “Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Đại hội cũng đã thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Lãnh tụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch. Đại hội quy định Quốc kì là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa và Quốc ca là bài Tiến quân ca.
Sau khi Hà Nội và nhiều nơi khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về ngoại thành Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Uỷ ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam. Chiều 26/8/1945, Trung ương đón Người về ở căn gác 2 nhà số 48 phố Hàng Ngang. Người quyết định cần khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 2/9/1945.
Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc ngày 2/9/1945 là bản án xét xử chính thức của chế độ thực dân Pháp đã gây khổ đau cho dân tộc Việt Nam suốt hơn 80 năm. Tuyên ngôn Độc lập đã vạch mặt thực dân Pháp đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” và do đó hành động của chúng “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Nói về kết quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) tuyên bố: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) cũng tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Từ đó, Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.