Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Nghiên cứu - Trao đổi 16/08/2024 08:33
Hào khí của Cách mạng Tháng Tám
Ngày 13/8/1945, nhận được tin phát xít Nhật bại trận và sắp đầu hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Đến 23 giờ đêm 13/8/1945, Uỷ ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Quân lệnh viết: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”.
Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang). Sau khi phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan, Hội nghị nhận định “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam tước khí giới quân đội Nhật. Hội nghị còn đề ra các công tác đối nội, đối ngoại cần được thi hành sau khi giành được chính quyền thắng lợi.
Ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc, các đại biểu khẩn trương trở về các địa phương, mang theo chủ trương của Đảng, kịp thời phát động và lãnh đạo Nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045 |
Ngay sau khi nước Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 15/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào trong 2 ngày 16 và 17/8/1945 đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng. Quốc dân Đại hội cũng thông qua 10 chính sách của Việt Minh, việc thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc kì là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa và Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.
Ngày 18/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa viết: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” . Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chỉ trong chưa đầy nửa tháng các địa phương trong cả nước đã giành thắng lợi.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đó là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến”. Người cũng nhận định: “Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội” . Do đó, Người khẳng định: “Đó là một cuộc thay đổi cực kì to lớn trong lịch sử của nước ta” .
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Mục đích Cách mạng Tháng Tám là gì? Là giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9, nước ta tuyên bố độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tổng tuyển cử tự do được tổ chức, Nhân dân toàn quốc ta đã bầu ra Quốc hội. Quốc hội thông qua Hiến pháp và bầu ra Chính phủ Trung ương. Chính quyền địa phương từ xã đến tỉnh đều do Nhân dân cử ra. Thế là lúc đó chúng ta đã bắt đầu thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ”.
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mục đích kháng chiến là để giữ lấy và phát triển những thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, tức là hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ” .
Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội VI của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Công cuộc đổi mới có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kì mới, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Đảng đã vận dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1991 và năm 2011 (bổ sung và phát triển) về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm.
Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã nêu rõ những đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và Nhân dân ta trong những thập kỉ tới.
Đại hội XIII (2021) của Đảng đã đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2045).