Trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng ở đâu?
Pháp luật - Bạn đọc 26/07/2022 12:30
Bà Đào Mai Phương bức xúc vì bị một số người chiếm đất, xây dựng trái phép, quyền lợi hợp pháp của bà bị xâm hại |
Cụ thể, năm 1991, bà Phương mua mảnh đất tại địa chỉ nêu trên của bà Lưu. Thửa đất này là phần còn lại của lô đất 587, có tổng diện tích 321m2, sau khi tách 97,75m2 (phần đất bà Lưu cho ông Nguyễn Văn Tư (em trai bà Lưu) từ năm 1989). Bà Lưu là chủ duy nhất và có toàn quyền định đoạt đối với tài sản trên. Việc mua bán giữa bà Phương và bà Lưu là hoàn toàn tự nguyện, hợp pháp, không có tranh chấp hay khiếu kiện giữa các bên và được UBND phường Thụy Khuê xác nhận. Sau khi việc mua bán được hoàn tất, bà Phương đã đóng đầy đủ lệ phí mua bán nhà đất và thuế nhà đất theo quy định của pháp luật.
Ngày 24/8/1991, bà Lưu làm giấy nhượng đất đai nhà cửa cho bà Phương, diện tích khoảng 150m2 cùng căn nhà cấp 4 lợp lá cọ, với giá 160. 000 đồng/m2, tại trích lục bản đồ Sở Quản lí nhà đất số 600, số thửa 587. Cùng với đó là đơn xin xác nhận nguồn gốc đất, đơn xin bán nhà đất từ bà Lưu cho bà Phương và đã được UBND phường Thụy Khuê xác nhận. Sau khi hoàn tất việc mua bán, vì bà Lưu độc thân nên bà Phương đã cho bà Lưu ở lại một phần đất nhỏ (có nhà cấp 4 lợp lá cọ) và thoả thuận cho ở đến khi bà Lưu chết.
Giấy tờ mua bán đất của bà Đào Mai Phương được UBND phường Thuỵ Khuê xác nhận và bà Phương liên tục đóng thuế qua các năm. |
Tuy nhiên, trong thời gian bà Lưu ở nhờ, một số người là con của em trai bà Lưu đã đến ở với bà Lưu, xây nhà trên đất của bà Phương; sau này tạo dựng hồ sơ để lấy đất, hưởng đền bù khi Nhà nước thu hồi đất; cố tình ngăn cản bà Phương sử dụng tài sản hợp pháp của mình.
Phát hiện sự việc, bà Phương đã nhiều lần làm đơn đề nghị UBND phường và thanh tra xây dựng đến kiểm tra và buộc dừng thi công các công trình xây dựng trái phép trên thửa đất của bà. Thế nhưng không hiểu bằng cách nào, nhóm người này vẫn có thể xây được 5 ngôi nhà kiên cố và chiếm trọn đất bà Phương đã mua (!?).
Liên quan đến vụ việc, UBND phường Thụy Khuê đã gửi văn bản trả lời tới Công an quận Tây Hồ. Trong Văn bản số 272/UBND-ĐCXD về việc cung cấp thông tin liên quan đến nhà, đất số 6 ngách 105/16 Thụy Khuê (số cũ 8B, ngõ 105 Thụy Khuê) của UBND phường Thụy Khuê, theo hồ sơ lưu trữ tại phường, trích lục thửa đất từng thửa năm 1952, thể hiện nhà đất đứng tên bà Nguyễn Thị Lưu tại thửa đất số 587, tờ số 2 diện tích 321m2 đất ở.
Theo văn bản này, ngày 18/6/1989, bà Lưu viết giấy cho ông Nguyễn Văn Tư (em trai bà Lưu) một phần đất trên, với diện tích 97,75m2, giấy có xác nhận chữ kí của UBND phường Thụy Khuê. Phần diện tích còn lại gồm diện tích để ở và lối đi chung, bà Lưu tiếp tục sử dụng. Sau đó, ông Tư chuyển nhượng và bán lại cho nhiều người. Theo bản đồ 1999: Tờ bản đồ số 8G-IV-37 gồm 2 thửa 216 và 218, với tổng diện tích 123,16m2.
UBND phường Thuỵ Khuê báo cáo bằng văn bản gửi Công an quận Tây Hồ về vụ việc |
Cũng theo văn bản của UBND phường Thụy Khuê, ngày 24/8/1991, bà Lưu đã lập giấy chuyển nhượng đất đai, nhà cửa cho bà Đào Mai Phương diện tích ước lượng khoảng 150m2 (giấy tờ viết tay). Đến ngày 5/9/1991, bà Lưu làm đơn và bán toàn bộ phần còn lại của thửa số 587 cho bà Phương (giấy tờ mua bán có xác nhận của UBND phường, có sơ họa thửa đất kèm theo). Ngày 1/10/1991, bà Phương đã nộp lệ phí mua bán phần nhà 8b, ngõ 105, tại Sở Nhà đất Hà Nội (không ghi rõ diện tích).
Tiếp đó, ngày 15/3/1992, bà Lưu có đơn đề nghị xác nhận việc bán lô đất số 587 cho bà Phương (toàn bộ diện tích còn lại sau khi đã cho ông Nguyễn Văn Tư), đơn có xác nhận của UBND phường Thụy Khuê. Sau đó bà Phương kê khai nộp thuế sử dụng đất vào các năm 1993, 1994, 2005, 2010.
Tuy nhiên, không rõ lí do sau khi đã chuyển nhượng và quá trình sử dụng đất, ngày 18/1/1998, lại xuất hiện một số tài liệu thể hiện việc bà Lưu lại nhượng lại đất cho cháu ruột là Nguyễn Ngọc Tùng diện tích 40m2 (giấy tờ viết tay, với lí do năm 1991 có nhượng lại cho bà Phương 120m2, đặt trước 12 chỉ vàng 98% cho đến nay vẫn chưa mua bán xong). Đồng thời, lại có thêm tài liệu thể hiện bà Lưu cho ông Tùng thêm một phần diện tích bên cạnh giáp mương Thụy Khuê, cho bằng lời, không có giấy tờ (theo trình bày của ông Nguyễn Ngọc Tùng, Nguyễn Văn Oánh, Nguyễn Tuấn Anh - đều là cháu của bà Lưu).
Sau khi bà Lưu chết, ông Nguyễn Văn Oánh (con trai ông Tư) trở thành người sử dụng toàn bộ diện tích đất mà trước đó bà Lưu đã bán cho bà Phương với đầy đủ thủ tục pháp lí. Không dừng lại ở đó, ngày 15/8/1997, ông Oánh chia nhà đất trên gồm 3 phần: Phần 1 diện tích 26,04m2 cho con trai lớn Nguyễn Thanh Tuấn, phần 2 cho con trai thứ 2 Nguyễn Tuấn Anh là 21,12m2, phần 3 diện tích 82,84m2 ông Oánh sử dụng (giấy tờ chia viết tay).
Theo bản đồ 1999: Tờ bản đồ số 8G-IV-37, diện tích trên cũng thuộc thửa đất số 214, diện tích 199m2.
Theo bà Phương, thửa đất của bà đang bị một số người cố ý làm sai, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Bởi theo quy định của pháp luật, việc mua bán giữa bà và bà Lưu được hoàn thành từ năm 1991, có chứng thực từ UBND phường Thụy Khuê. Về nguyên tắc quản lí hồ sơ địa chính, những hồ sơ này bắt buộc phải được ghi nhận, điều chỉnh biến động tại cấp phường, là cấp trực tiếp quản lí nhà nước về đất đai ở địa phương. Điều đó không chỉ bảo đảm công tác quản lí được nhất quán, đúng pháp luật mà còn nhằm mục đích hạn chế, ngăn chặn những giao dịch thiếu cơ sở sau này. Về mặt pháp lí, bất kì giao dịch nào phát sinh về sau mà không có sự tham gia của người thực tế đang có quyền sử dụng hợp pháp là bà Phương đều không có giá trị pháp lí.
Mặt khác, bà Phương bức xúc nhất là về nguyên tắc quản lí nhà nước về địa chính, bất kì biến động nào, bao gồm cả việc lập hồ sơ lên phương án thu hồi đất để thực hiện dự án dốc La Pho - Cống Đõ, đều phải căn cứ vào hồ sơ địa chính mà cấp phường đang trực tiếp quản lí để thực hiện. Theo đó, hồ sơ lưu trữ không thể không thể hiện biến động đất đai thông qua việc bà Lưu bán tài sản cho bà Phương mà UBND phường Thụy Khuê đã chứng nhận.
Bà Phương thắc mắc, tại sao lại có thể xảy ra việc các cháu của bà Lưu, những người lấn chiếm đất của bà Phương lại trở thành chủ thể bị thu hồi đất và được đứng tên trên phương án đền bù thu hồi đất? Không lẽ nào thủ tục thu hồi đất lạị không được thực hiện thông qua hồ sơ đất đai được phường Thụy Khuê quản lí và không cập nhật thông tin biến động tình hình đất đai? Mâu thuẫn tiếp theo là nếu cấp phường không xác nhận về nguồn gốc đất mà những người xây nhà trái phép nghiễm nhiên tồn tại trong hồ sơ thu hồi đất mà quyền sử dụng hợp pháp vẫn đang thuộc quyền của bà Phương? Những vô lí đó đã đẩy bà Phương vào cảnh kiện cáo, dù thửa đất trên bà Phương mua hợp pháp.
Có thể thấy, sau khi người dân hoàn thành việc mua bán, UBND phường Thụy Khuê có trách nhiệm điều chỉnh thông tin chủ mảnh đất, cập nhật bản đồ địa chính và lưu các hồ sơ. Bà Phương cho rằng, để xảy ra việc một số người vào chiếm đoạt đất, xây nhiều nhà trái phép, trước hết phải là trách nhiệm của cán bộ UBND phường Thụy Khuê qua các thời kì.