Tỉnh Bắc Giang: Lấy báo cáo giải quyết đơn của công dân để hủy một phần Quyết định 1633-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc (cũ) (Tiếp theo kì trước)
Pháp luật - Bạn đọc 20/11/2019 09:29
Nội dung Báo cáo số 294/BC của Sở TN&MT giải quyết đơn của bà Phạm Thị Sang được UBND tỉnh lấy làm căn cứ để ban hành Quyết định 469, không có căn cứ nào chỉ rõ việc hủy một phần Quyết định 1633 vì lí do gì?
Không tìm ra tờ trình của UBND xã Đào Mỹ và huyện Lạng Giang đề nghị hủy một phần Quyết định 1633?
Quyết định 1633/CT ngày 5/12/1996 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc (gọi tắt là QĐ1633), giao đất giãn dân cho 51 hộ dân của xã Đào Mỹ, tuân thủ theo các quy định của Luật Đất đai năm 1993 và đề nghị của huyện Lạng Giang, Sở Địa chính theo các Tờ trình số 14/TT ngày 21/12/1995 và số 408 ngày 28/11/1996. Thế nhưng Quyết định 469/QĐ-UBND ngày 25/3/2015, (sau 19 năm) việc hủy một phần QĐ 1633, lại không thấy các cơ sở pháp lí tuân thủ Luật Đất đai năm 2013 và đề nghị theo nội dung tờ trình của UBND huyện Lạng Giang và Sở TN&MT.
Theo hồ sơ do Thanh tra Sở TN&MT Bắc Giang cung cấp cho PV Báo Người cao tuổi ngày 8/11/2019, có 2 tờ trình của UBND xã Đào Mỹ số 06 và 07 ngày 25 và 26/3/1999, chỉ có nội dung thay đổi thiết kế quy hoạch giảm từ 68m2 đất giao cho các hộ khu chợ Tân Quang (mua ki ốt do xã xây dựng trong diện tích đất giãn dân theo QĐ 1633) xuống còn 44m2/hộ, vì không đủ diện tích do vướng chợ phía sau. Không có nội dung nào chỉ ra do trùng vị trí giữa 12 ki ốt giãn dân trùng với vị trí của 12 ki ốt trong chợ Tân Quang. Đến nay chưa có tờ trình của UBND huyện Lạng Giang, gửi Sở TN&MT để sở này có tờ trình UBND tỉnh, phê duyệt cho thay đổi quy hoạch giảm diện tích của các hộ dân từ 68m2 theo QĐ 1633, xuống còn 44m2/hộ.
Khu tái đinh cư Hoa Dê là khu đất trũng. |
Sự việc bắt đầu từ Văn bản số 1630 /TNMT-TTS ngày 28/11/2013, Sở TN&MT giải quyết đơn của ông Nguyễn Đình Tuyết, công dân xã Đào Mỹ, gửi Chủ tịch UBND tỉnh, tại trang 3 nêu:“Theo báo cáo của UBND xã Đào Mỹ”, nhưng lại không chỉ ra được theo báo cáo số bao nhiêu ngày tháng năm nào, do đó nội dung đề cập:“Quyết định số 1633 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc quy hoạch giao đất cho 12 hộ dân trùng với vị trí 12 ki ốt tại chợ Tân Quang được UBND huyện Lạng Giang phê duyệt năm 1995” là không có cơ sở.
“Cháy nhà ra mặt chuột” không trùng vị trí 12 ki ốt giãn dân với 12 ki ốt trong chợ Tân Quang
PV Báo Người cao tuổi thu thập được 6 văn bản của Sở TN&MT, UBND tỉnh và UBND huyện Lạng Giang, giải quyết đơn tố cáo của công dân và trả lời Báo Người cao tuổi và báo cáo tiến độ giải quyết đơn liên quan đến 12 ki ốt chợ Tân Quang. Cả 6 văn bản này đều đề cập đến “vị trí 12 ki ốt giao đất giãn dân theo QĐ 1633 của UBND tỉnh Hà Bắc năm 1996, trùng với vị trí 12 ki ốt chợ Tân Quang, đã được UBND huyện Lạng Giang phê duyệt, năm 1995”. Tuy nhiên chỉ có Văn bản số 1630 ngày 28/11/2013 của Sở TN&MT, giải quyết đơn của ông Tuyết là ban hành trước ngày UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 469, còn 5 văn khác ban hành sau khi đã có Quyết định số 469.
Có hay không việc trùng vị trí của 12 ki ốt chợ Tân Quang? PV Báo Người cao tuổi đã xuống hiện trường để xác minh. Năm 2018, UBND xã Đào Mỹ đã phá sạch 12 gian ki ốt trong 3 dãy nhà chợ để trả lại mặt bằng để xây chợ mới, nhưng 12 gian ki ốt giao đất giãn dân khu vực chợ Tân Quang theo QĐ 1633 vẫn còn nguyên, hiện một số gia đình vẫn đang sinh sống ổn định từ năm 1995. Lúc này “cháy nhà mới ra mặt chuột”, dù có bao nhiêu văn bản với nội dung “vị trí 12 ki ốt giao đất giãn dân trùng vị trí 12 ki ốt xây chợ Tân Quang” cũng không xoay ngược được sự thật, không thể đổi trắng thay đen sự hiển hiện của 12 ki ốt giao theo QĐ 1633, không trùng vị trí quy hoạch với 12 ki ốt trong chợ Tân Quang do huyện Lạng Giang phê duyệt năm 1995. Báo Người cao tuổi từ năm 2018 đến nay đã có nhiều bài nêu rõ không có việc trùng vị trí 12 ki ốt hộ giãn dân ngoài mặt phố với 12 ki ốt xây trong chợ Tân Quang. Tại buổi đối thoại với các hộ dân ngày 5/8/2019, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện khẳng định không có sự trùng vị trí ki ốt để không giao được đất giãn dân theo QĐ 1633, nhưng huyện không thể làm sổ đỏ cho các hộ dân được, vì Quyết định 469 của UBND tỉnh.
“Nút thắt” cuối cùng lộ ra “lợi ích nhóm”, đẩy các hộ dân ra khỏi “đất vàng”
Báo cáo số 294/BC-TN&MT ngày 28/11/2014, là căn cứ để UBND tỉnh lại xét ban hành Quyết định 496/QĐ-UBND. Nút thắt cuối cùng đã lộ ra, Văn bản 294 là báo cáo giải quyết đơn của bà Phạm Thị Sang (người không có quyền lợi gì liên quan đến 12 ki ốt giãn dân), cả 3 trang trong báo cáo này không có dòng chữ nào có nội dung đơn và tên bà Sang. Tại trang 3 Báo cáo nhận xét:“Năm 1996, UBND xã Đào Mỹ lập hồ sơ để giao 12 lô đất ở tại khu vực chợ Tân Quang là không đúng với thực tế sử dụng đất”. Nhận xét này là không có cơ sở và trái với QĐ 1663 đã đồng ý cho xã Đào Mỹ chuyển đổi 1.197m2 đất hạng 1 khu chợ Tân Quang sang làm đất ở cho 12 hộ dân, chính Sở Địa chính có tờ trình số 408, sao bây giờ Sở TN&MT lại quên?
Đề xuất của Sở TN&MT:“UBND tỉnh thu hồi, hủy bỏ phần nội dung chuyển mục đích sử dụng và giao đất ở tại khu chợ Tân Quang trong Quyết định số 1633 ngày 5/12/1996 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc cũ”, nhưng không nêu căn cứ gì đề xuất thu hồi theo Luật Đất đai năm 2013. Về pháp lí Sở TN&MT phải có tờ trình căn cứ tờ trình của UBND xã Đào Mỹ, UBND huyện Lạng Giang đề nghị thu hồi đất đã giao cho 12 hộ theo QĐ 1633, để UBND tỉnh lấy làm căn cứ ra Quyết định số 469? Không có quy định nào của pháp luật cho phép UBND tỉnh Bắc Giang lấy báo cáo giải quyết đơn thư làm căn cứ hủy một phần QĐ 1633?
Vì có Quyết định 469, nên xã Đào Mỹ sốt sắng ép các hộ được cấp đất giãn dân khu vực chợ Tân Quang phải ra khu tái định cư Hoa Dê. PV đã ra khu tái định cư đây là khu ruộng trũng địa phương vừa thu hồi của các hộ dân, không đủ hạ tầng cơ sở để người dân ra tái định cư. Việc phá chợ cũ xây dựng chợ Tân Quang mới, nhằm xóa đi dấu tích không xây 12 gian ki ốt trong chợ theo Quyết định 86/XDCB. Còn Quyết định số 724/QĐ-UBND ngày 15/10/2017 của UBND xã Đào Mỹ xây dựng cải tạo nâng cấp chợ Tân Quang, theo Quyết định 1615/QĐ-UBND huyện Lạng Giang ngày 30/12/2011, thì quyết định này lại không có hạng mục xây dựng chợ Tân Quang. Tổng dự toán xây dựng chợ Tân Quang năm 2018 là 2,52 tỉ đồng, nhưng đằng sau việc xây chợ là nơi gửi tiền ngân sách. Cụ thể theo Quyết định số 204/QĐ-UBND ngày 3/4/2018 và Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 15/6/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang, do ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh kí, thì xã Đào Mỹ được phân bổ 8,89 tỉ đồng vốn kế hoạch năm 2018, trong đó vốn Trung ương 3,391 tỉ đồng, vốn ngân sách của tỉnh 2,5 tỉ đồng, vốn ngân sách điều tiết cho xã Đào Mỹ 3 tỉ đồng, để xây dựng mới 1.500m2 chợ Tân Quang năm 2018.
Ngày 5/8/2019, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đào Mỹ, báo cáo với Chủ tịch UBND huyện, chợ Đào Mỹ xây dựng hết 1,9 tỉ đồng đã hoàn thành năm 2018 và xã đã nhận 2,5 tỉ đồng tiền thưởng về đích nông thôn mới năm 2018, trong khi đó chợ Tân Quang chưa xây dựng xong theo Báo cáo thẩm định số 61/KTHT-XD ngày 9/10/2017 của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lạng Giang.
Như vậy việc xây dựng mới chợ Tân Quang một mũi tên nhóm lợi ích trúng 3 mục tiêu: Đẩy các hộ dân ra khỏi vị trí đất vàng mặt phố chợ Tân Quang; chia nguồn vốn ngân sách đã giót về 8,89 tỉ đồng trong khi dự án xây dựng chợ phê duyệt chỉ 2,52 tỉ đồng; chợ Tân Quang chưa xây dựng xong xã đã được thưởng 2,5 tỉ đồng và nhiều tỉ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo khu tái định cư Hoa Dê chưa được công bố.
Báo Người cao tuổi đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang giám sát việc UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định 469 thiếu căn cứ pháp luật, để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân được cấp đất giãn dân khu vực chợ Tân Quang theo QĐ 1633 và thanh tra nguồn vốn xây dựng chợ Tân Quang năm 2018, để thu hồi nguồn vốn ngân sách đã cấp vượt cho công trình này.