Tỉnh Bắc Giang: Lấy báo cáo giải quyết đơn của công dân để hủy một phần Quyết định 1633-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc (cũ)
Pháp luật - Bạn đọc 19/11/2019 09:13
“Những ki ốt vàng” sinh lắm “mưu ma chước quỷ”
Khiếu kiện của 12 hộ dân kéo dài đã hơn 5 năm, bị UBND tỉnh Bắc Giang hủy một phần QĐ 1633 giao đất giãn dân tại khu vực chợ Tân Quang từ năm 1996, được các cấp ở Trung ương chuyển đơn thư về tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh lại giao cho UBND huyện Lạng Giang giải quyết. Tại cuộc đối thoại ngày 5/8/2019, giữa 12 hộ dân được giao đất giãn dân khu vực chợ Tân Quang với ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, một số uẩn khúc về việc cấp chồng 12 ki ốt của các hộ dân với 12 ki ốt của chợ Tân Quang được sáng tỏ, những “mưu ma chước quỷ” được lộ ra.
Chợ Tân Quang xây mới năm 2018, ngày thường bỏ không, phiên chợ mới có người. |
Nguồn gốc đất của 12 ki ốt ngoài phố chợ Tân Quang, bắt đầu từ năm 1995, UBND xã Đào Mỹ xây dựng không phép 12 ki ốt diện tích 42m2/ki ốt ngoài mặt phố chợ Tân Quang để bán thu tiền. Để tránh cho cán bộ xã Đào Mỹ không bị kỉ luật, vì việc lấn chiếm đất công và tự ý xây dựng ki ốt, UBND xã đã hợp thức hóa đưa diện tích này vào danh sách xin đất giãn dân trình UBND huyện Lạng Giang tại Tờ trình số 01 ngày 18/12/1995. Căn cứ Tờ trình của UBND xã Đào Mỹ, ngày 21/12/1995 UBND huyện Lạng Giang có Tờ trình số 14/UB-TT gửi UBND tỉnh và Sở Địa chính; căn cứ tờ trình của UBND huyện Lạng Giang, ngày 28/11/1996, Sở Địa chính có Tờ trình số 408/ĐC-KHTC trình UBND tỉnh Hà Bắc. Xét đề nghị của UBND huyện Lạng Giang và Sở Địa chính, ngày 5/12/1996, UBND tỉnh Hà Bắc có QĐ 1633 về việc giao đất ở cho 51 hộ dân, ở 5 khu vực xã Đào Mỹ. Trong số 9.229m2 đất chuyển đổi làm đất dãn dân chỉ có 1.197m2 đất hạng 1 khu chợ Tân Quang , theo đó 12 hộ dân được giao đất ở khu vực này chỉ được 68m2/hộ, trong khi các khu vực khác các hộ dân được từ 120 - 200m2. Điều này đủ cơ sở khẳng định đây là vị trí “đất vàng” nằm ở mặt đường chợ Tân Quang, trung tâm thương mại của xã; người được giao đất còn phải trả cả tiền xây dựng là 20 triệu đồng/ki ốt. Ki ốt xây trên “đất vàng”, không phải ai cũng mua được, chỉ có cán bộ chủ chốt của huyện và xã như ông Dương Quang Y, Chỉ huy trưởng Quân sự huyện Lạng Giang; ông Đặng Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ huyện, cán bộ xã, được mua... Sau khi mua ki ốt, một số hộ nhượng bán cho các hộ khác và hiện nay là 12 hộ dân mua lại và đang sinh sống tại ki ốt. Đó là chuyện lần đầu “đất vàng” đem lại lợi nhuận lớn cho những người xây và chuyển nhượng ki ốt. Gia đình ông Dương Nguyên Thái, đại tá, cựu chiến binh, đã bán 2 sào đất vườn có cả nhà ở mái bằng trong làng, mới đủ tiền mua lại ki ốt của gia đình ông Đặng Văn Vượng. Cũng như gia đình ông Thái, các hộ dân mua ki ốt khu chợ Tân Quang, nhờ vị trí “đất vàng” nay giá thị trường mỗi ki ốt đã lên tới tiền tỉ, dù kinh doanh nhỏ các hộ dân đều kiếm được nguồn sống dư dật hơn người làm nông trong xã. Mảnh “đất vàng” vì thế có nhiều người nhòm ngó và nhiều “mưu ma” chiếm đất cũng nảy sinh từ đây. Đó cũng là nguyên cớ của những báo cáo sai sự thật, nhằm “mưu đồ” hất 12 hộ dân mua ki ốt giãn dân khu chợ Tân Quang ra khỏi vị trí này để xây dựng mới chợ năm 2018. Chính quyền xã và huyện luôn cho rằng đã “ưu ái” cho các hộ từ 68m2 khu vực chợ Tân Quang, nay di dân ra khu Hoa Dê được nhận 90m2 đất. Nhưng tại sao dân lại không cảm ơn sự quan tâm “ưu ái” này, mà khiếu kiện kéo dài?
...Những chứng cứ báo cáo sai sự thật của chính quyền...
Xưa nay trong giao dịch dân sự mua bán nhà đất, chỉ có cá nhân mới lật kèo nhau, nay ở xã Đào Mỹ lại có chuyện chính quyền lật kèo với dân. Bắt đầu của sự lật kèo thể hiện ở những báo cáo lấy con dấu đỏ của chính quyền để che đậy nội dung sai sự thật. QĐ 1633 đã giao cho 12 hộ dân ở khu vực chợ Tân Quang là 68/m2 /hộ, có sơ đồ giao đất theo tỉ lệ 1/500, theo đó mỗi lô có chiều dài 16m rộng 4,25m. Thế nhưng hơn 2 năm sau, liên tiếp trong 2 ngày 25 và 26/3/1999, ông Ninh Đắc Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đào Mỹ kí Tờ trình 06 và 07 gửi UBND huyện Lạng Giang, xin thay đổi quy hoạch dân cư vì: “Tại khu vực chợ Tân Quang theo hồ sơ thiết kế là 12 hộ, diện tích 68m2/hộ. Song thực tế nếu cấp theo quy hoạch này sẽ ảnh hưởng đến khu nhà chợ đã xây dựng, hoặc hành lang giao thông ... Vậy xã lập tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền thay đổi lại kế hoạch quy hoạch, diện tích của mỗi hộ chỉ còn 44/m2”.
Không cần có ý kiến phê chuẩn của huyện và của tỉnh, UBND xã Đào Mỹ lại tự cho mình quyền cắt diện tích đất của 12 hộ dân khu vực chợ Tân Quang từ 68m2 xuống còn 44m2/hộ, thông qua Biên bản làm việc ngày 8/4/1999.
Cũng như 39 hộ ở khu Đồi Gai, khu Thủy Nông, khu Thổ Kỳ 1 và Thổ Kỳ, 12 hộ dân khu chợ Tân Quang đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất theo giấy nộp tiền ngày 2/5/1997 của UBND xã Đào Mỹ, nộp tiền sử dụng đất theo QĐ 1633, số tiền 67.138.000 đồng. Chính UBND xã Đào Mỹ đã xác nhận tại Công văn số 150/CV-UBND ngày 31/10/2013:“Năm 1995, UBND xã Đào Mỹ làm thủ tục bán ki ốt chợ Tân Quang đã thu tiền của các hộ nộp vào ngân sách và giao nhà ki ốt cho các hộ dân theo biên bản ngày 23/6/1995”. Như vậy, đủ căn cứ khẳng định 12 hộ dân được giao 68m2/hộ khu vực chợ Tân Quang chính là khu đất xã Đào Mỹ đã xây ki ốt 44m2 năm 1995, còn lại 24m2 đất được giao theo sơ đồ thiết kế giao đất tỉ lệ 1/500, do ông Nguyễn Hữu Hồng, cán bộ địa chính xã lập; ông Ninh Đắc Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đào Mỹ kí và đóng dấu. Tiền sử dụng đất các hộ đã nộp 24 năm, nhưng đất thì mới chỉ được giao 44m2, vì UBND xã Đào Mỹ “lật kèo” lấn chiếm 24m2 đất của mỗi hộ dân trái với QĐ 1633.
Trớ trêu ở chỗ, UBND xã Đào Mỹ không xử lí việc chợ Tân Quang lấn chiếm đất của các hộ dân được giao đúng pháp luật, đã hoàn thành việc đóng nghĩa vụ thuế đất và mua tài sản là ki ốt xây trên đất, mà lại ra các văn bản ngang nhiên lấy đất của dân.
Cho đến nay chưa có văn bản nào của UBND Lạng Giang cũng như Sở TN&MT phê duyệt 2 tờ trình trên và chưa có tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt nội dung Tờ trình 06; 07 của UBND xã Đào Mỹ.
Tiếp sau Tờ trình 06 và 07; ngày 31/10/2013, UBND xã Đào Mỹ có Công văn số 150/CV-UBND trả lời công dân và Báo cáo UBND huyện Lạng Giang tại trang 4 dòng 11-13 từ trên xuống có nội dung:“Trên thực tế các lô đất dãy ki ốt chợ Tân Quang đã được UBND tỉnh Hà Bắc kí ngày 5/12/1996 vẫn đang còn hiệu lực”.
Ngày 28/11/2013, Sở TN&MT có Văn bản số 1630 giải quyết đơn của ông Nguyễn Đình Tuyết (không phải là hộ mua 12 ki ốt chợ Tân Quang) tại trang 3 văn bản này có nêu: “Theo báo cáo của UBND xã Đào Mỹ, kết hợp với kiểm tra sơ đồ phân lô kèm theo Quyết định số 1633/CT, thấy việc quy hoạch giao đất ở cho 12 hộ trùng với 12 ki ốt tại chợ Tân Quang được UBND huyện Lạng Giang phê duyệt năm 1995 (trùng vị trí quy hoạch nhưng khác về phân lô, nên không tổ chức giao đất cho các hộ dân được”. Nội dung này chính là mấu chốt và cơ sở để Sở TN&MT khẳng định 12 ki ốt giao cho 12 hộ dân theo QĐ 1633 trùng vị trí với 12 ki ốt trong chợ Tân Quang được UBND huyện Lạng Giang phê duyệt năm 1995.
Có hay không việc trùng vị trí quy hoạch như Văn bản số 1630 của Sở TN&MT viện dẫn? Khi nhận được đơn kêu cứu của các hộ dân mua ki ốt theo đất giãn dân QĐ 1633 khu vực chợ Tân Quang, phóng viên Báo Người cao tuổi đã nhiều lần về chợ Tân Quang, gặp các hộ dân, làm việc với UBND xã Đào Mỹ, UBND huyện Lạng Giang và Sở TN&MT, đã phát hiện ra những góc khuất trong vụ việc này. (Còn nữa)