TAND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận kháng nghị của Viện KSND huyện Thạch Thành
Pháp luật - Bạn đọc 29/07/2024 09:35
Tại phiên tòa, bà Hoàng Thị Minh, 77 tuổi vắng mặt, có người trợ giúp pháp lí đại diện. Trong phần thủ tục kiểm tra giấy tờ Thẩm phán chủ toạ không chấp nhận Giấy uỷ quyền của ông Tụ và bà Hoàng Thị Minh (là mẹ đẻ ông Tụ) cũng được coi là Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan lí do không có dấu xác nhận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên ông Tụ cho rằng, quá trình đi xin xác nhận tại UBND xã, ông không được xã làm thủ tục công chứng theo quy định nên giấy không hợp lệ. Ông cũng trình bày những khó khăn khác với Chủ tọa phiên tòa.
Quang cảnh phiên toà phúc thẩm tại TAND tỉnh Thanh Hoá. |
Bà Nguyễn Thanh Tâm, đại diện Viện KSND tỉnh Thanh Hóa trình bày kháng nghị của Viện KSND huyện Thạch Thành. Kháng nghị được phía nguyên đơn đồng ý, còn phía bị đơn là ông Tụ không đồng ý vì lí do Bản án của TAND huyện Thạch Thành chia tài sản chưa đúng, không xác nhận bà Hoàng Thị Minh là vợ của ông Lê Công Lĩnh dù rằng cả hai người có đăng kí hộ khẩu vợ chồng cùng nhau.
Theo trình bày của đại diện Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, nội dung vụ việc như sau: Ông Lê Công Lĩnh có thửa đất rộng 3.899m2 thuộc thôn Tiên Hương, xã Thành Tân. Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) năm 2004. Ông Lê Công Lĩnh có bà vợ đầu là bà Lường Thị Quần, chung sống với nhau từ giữa những năm 60 của thế kỉ XX. Ông Lĩnh và bà Quần có với nhau 4 người con (1 trai và 3 gái).
Đến năm 1972, người con trai duy nhất của vợ chồng ông bà lúc bấy giờ đi bộ đội và hi sinh. Để có người “nối dõi”, năm 1976, ông Lĩnh tiếp tục lấy bà Hoàng Thị Minh. Bà Minh và ông Lĩnh có 5 người con (3 trai, 2 gái).
Do mâu thuẫn gia đình, năm 1978, ông Lĩnh đã đưa mẹ con bà Minh ra sống tại thôn Phù Bản, xã Thành Tân để tiện chăm sóc và nuôi dạy các con. Cùng thời gian này, 2 người con gái của bà Quần đã lập gia đình và ra ở riêng. Trên mảnh đất của gia đình chỉ còn bà Quần và một người con bị bệnh thiểu năng sinh sống. Đến năm 1987, bà Quần và con gái đã chuyển đi sinh sống tại nơi khác.
Ông Lĩnh và bà Quần bỏ nhau, ông Lĩnh đi lấy vợ mới là bà Minh. Hai ông bà khi đó cùng có hộ khẩu gia đình. Và sổ đỏ thửa đất được cấp vào năm 2004 mang tên hộ ông Lê Công Lĩnh.
Đến năm 2010, ông Lĩnh qua đời, không để lại di chúc. Hai năm sau, bà Quần đang sinh sống ở nơi khác cũng đã mất. Cuộc sống của bà Minh và các con tại thửa đất trên vẫn diễn ra bình thường, cho đến khi con gái của bà Quần và ông Lĩnh đã làm Đơn khởi kiện ra TAND huyện Thạch Thành, đòi phân chia di sản thừa kế mà thửa đất được cấp sổ đỏ cho hộ ông Lĩnh.
Trước đó, Bản án của TAND huyện Thạch Thành xác định, mảnh đất trên là di sản thừa kế của ông Lê Công Lĩnh và bà Lường Thị Quần. Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên, chia mảnh đất gia đình bà Minh đang sinh sống làm 2 phần theo tỉ lệ: Ông Lê Công Lĩnh 50%, bà Lường Thị Quần 50% mà không có phần của bà Minh. Phần di sản của ông Lĩnh chia đều cho 9 người con, phần di sản của bà Quần chia đều cho các con của bà Quần.
Tại phiên tòa, khi được hỏi về các giấy tờ Đăng kí kết hôn của ông Lĩnh với bà Quần, hay ông Lĩnh và bà Minh thì cả phía nguyên đơn và bị đơn không cung cấp được. Phía bị đơn là ông Lê Công Tụ thì cho rằng, mẹ đẻ ông là bà Hoàng Thị Minh và bố ông Lê Công Lĩnh có đăng kí hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên ông Tụ không trình giấy tờ lên Thẩm phán.
Phát biểu tại phiên tòa, đại diện pháp lí cho ông Lê Công Tụ là ông Nguyễn Ngọc Khang cho rằng, việc xác định nguồn gốc đất của ông Lĩnh và bà Quần là chưa đúng với quá trình diễn tiến lịch sử nên cần thiết phải xác nhận nguồn gốc đất thuộc về ông Lĩnh với bà Hoàng Thị Minh. Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng cần phải xem xét lại tư cách tham gia tố tụng, vì theo ông Khang, việc bà Lê Thị Xuân và bà Lê Thị Cúc (tại bút lục số 08) kí kết hợp đồng không đúng quy định, vi phạm tố tụng, vì bà Xuân vốn có bệnh án thần kinh.
Người đại diện pháp lí cho ông Tụ cũng nhấn mạnh, về thực tế hôn nhân của bà Quần và ông Lĩnh đã kết thúc từ khi ông Lĩnh và vợ thứ 2 là bà Minh ra ở riêng từ năm 1978. Hôn nhân này được dòng tộc cưới hỏi đàng hoàng, đồng thời tại phiên tòa cũng có những người làm chứng đã có văn bản chứng thực cho hôn nhân. Do đó việc đại diện Viện KSND đưa bà Quần xác định là hôn nhân hợp pháp dù hai người đã bỏ nhau rất lâu là không hợp lí. Đồng thời cũng cần xem xét lại việc công sức của bà Minh khi bỏ tiền của xây dựng nhà cửa trên đất mà mẹ chồng là cụ Kiến để lại, mà hiện nay ông Tụ đang quản lí sử dụng. Ngoài ra, việc ông Tụ mua thêm đất để sáp nhập cả vào diện tích đất cũ đứng tên ông Lê Công Lĩnh là di sản thừa kế cũng cần xem xét. Vì sổ đỏ của hộ ông Lê Công Lĩnh được cấp 2004 và thời điểm đó là ông Lĩnh và bà Minh cùng các con là hộ gia đình, có trong hộ khẩu. Từ những lí trên, ông Khang kiến nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án huyện Thạch Thành để xem xét lại quyền và lợi ích cho bị đơn và bà Minh.
Kết thúc phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh Thanh Hóa nhận định, việc kháng nghị của Viện KSND huyện Thạch Thành là phù hợp. Cần xem xét sửa lại một phần bản án, miễn án phí cho người cao tuổi và phần chia thừa kế của Bản án cấp sơ thẩm khi xác định bà Quần và ông Lĩnh là hôn nhân hợp pháp để chia thừa kế là hoàn toàn phù hợp.
Sau khi nghị án, Thẩm phán Chủ toạ phiên toà tuyên, chấp nhận kháng nghị của Viện KSND huyện Thạch Thành. Xác định ông Lê Công Lĩnh và bà Lường Thị Quần là hôn nhân hợp pháp theo quan điểm của đại diện Viện KSND tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, không xem xét kháng cáo của bị đơn ông Lê Công Tụ, vì trước đó không có kháng cáo gì với bản án sơ thẩm, và tại phiên tòa xét xử cũng không đưa ra được bằng chứng gì thêm. Những người tham gia tố tụng được quyền làm thủ tục Giám đốc thẩm nếu như không đồng ý với Bản án của TAND tỉnh Thanh Hóa.