Sức mạnh đoàn kết dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi 17/11/2020 09:39
Thực tiễn chứng minh, những thắng lợi của Nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và nay trong công cuộc đổi mới đất nước, có nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong những nguyên nhân có ý nghĩa quyết định, đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Tổ quốc (MTTQ); kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, vượt qua mọi thách thức, hiểm nguy, giành nhiều thắng lợi.
Nhưng trước thực tế này, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta; phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc trong MTTQ, bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn nhằm phủ nhận thành quả công cuộc đổi mới. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, MTTQ đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng ta cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau hướng tới tương lai. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị; nhưng sự lãnh đạo của Đảng giữ vai trò quyết định.
Đảng lãnh đạo MTTQ nhưng lại là thành viên của MTTQ. Vì vậy, Đảng đã tôn trọng nguyên tắc hoạt động của MTTQ; dùng phương pháp vận động, thuyết phục, nêu gương. Đảng thường xuyên củng cố quan hệ máu thịt với Nhân dân. Nhân dân một lòng tin theo Đảng.
Non một thế kỉ qua, MTTQ Việt Nam luôn vận động, đoàn kết mọi tầng lớp Nhân dân, đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống. Hơn nữa, Mặt trận luôn tăng cường, củng cố khối liên minh công - nông - trí và các đoàn thể Nhân dân, tạo điều kiện phát huy tinh thần đại đoàn kết trong thời kì mới.
Nhiều địa phương đã phát huy nội lực và tinh thần tự quản để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phòng chống các tệ nạn xã hội. Khu dân cư thôn Sín Chải, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, có 10 dân tộc cùng sinh sống. Bà con luôn luôn đoàn kết, giúp nhau sản xuất, xóa bỏ các tập tục lạc hậu: ốm đau chữa bệnh bằng thuốc và không sinh hoạt trái pháp luật. Khu dân cư thôn 7, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Ka, tỉnh Đắk Lắk, đóng góp 500 ngày công và hàng trăm triệu đồng làm đường, tu sửa mương thoát nước, xây dựng hội trường và thực hiện mỗi gia đình có bốn công trình vệ sinh (nhà tắm, giếng nước, cầu tiêu, hố rác).
Ngoài việc biểu dương thành tích của các khu dân cư, Ủy ban MTTQ Việt Nam còn ghi nhận nhiều gia đình xuất sắc trong cuộc vận động “Đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” vì tương lai đất nước. Gia đình công giáo Phan Minh Thuyết, ở xóm Khanh Hải, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình luôn vận động bà con đoàn kết lương giáo, đẩy mạnh sản xuất. Gia đình ông Thuyết làm kinh tế giỏi; thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm; còn giúp việc làm cho 10 lao động.
Ông Lầu Xây Phia, dân tộc Mông, bản Nậm Khiêm, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, sản xuất giỏi; cùng gia đình xóa bỏ trồng cây thuốc phiện; vận động dân bản không sống du canh, du cư, từ bỏ đạo Vàng Chứ, trở về làm ăn bình thường với bản làng.
Hòa thượng Thích Thiên Phụng, trụ trì chùa Niết Bàn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), như người cha tinh thần của mấy trăm em mồ côi. Từ mái ấm Niết Bàn, các em sống, học tập từ mẫu giáo đến đại học. Hơn 30 năm qua, hòa thượng đã nuôi dưỡng 200 em, trong đó có 100 em trưởng thành, sống tự lập; 60 em có trình độ đại học; 10 em là thạc sĩ.
Các khu dân cư, gia đình và cá nhân điển hình, thành viên của Mặt trận Tổ quốc là những “đóa hoa” tươi thắm trong “rừng hoa” đẹp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.