Đôi điều về dạy thêm, học thêm
Nghiên cứu - Trao đổi 03/12/2024 15:05
Để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có dự thảo văn bản sửa đổi Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, quy định về việc “dạy thêm, học thêm”. Nội dung dự thảo là không cấm giáo viên công lập được tổ chức dạy thêm. Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng kí, được tổ chuyên môn đề nghị, tổ trưởng bộ môn kí, trình hiệu trưởng duyệt. Nội dung dự thảo cũng giống như nhiều sự việc khác, không quản được thì cấm, không cấm được thì tháo khoán. Nếu dự thảo sửa đổi Thông tư số 17/2012, được áp dụng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”. Giáo viên trong tổ chuyên môn sẽ có nhiều người viết đơn đăng kí, vì tiền lương giáo viên công lập do Nhà nước trả, dạy thêm kiếm bộn tiền, chẳng ai từ chối. Nhưng phải được tổ trưởng chuyên môn kí đề nghị, Hiệu trưởng xét duyệt, rất đúng quy trình, nhưng sẽ phát sinh cơ chế xin-cho. Tổ trưởng chuyên môn và Hiệu trưởng sẽ được hưởng lợi từ chữ kí của mình. Nếu học phí thời dạy “chui” 50.000 đồng/buổi, thì nay tăng lên để “cảm ơn” người cho. Học sinh, phụ huynh là người chịu sự đổi mới của quy định.
Ảnh minh họa |
Dự thảo cũng quy định, giáo viên không được ép học sinh phải học thêm do lớp mình làm chủ nhiệm. Học sinh và phụ huynh phải có đơn tự nguyện. Quy định là vậy, nhưng thực tế thì khác. Bằng nhiều cách buộc học sinh và phụ huynh phải “tự nguyện”. Thường thì từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm phát cho học sinh một tờ đơn “tự nguyện” xin học thêm, phụ huynh chỉ việc điền vào các nội dung in sẵn rồi kí tên. Nếu học sinh không tự nguyện học thêm, giáo viên sẽ nhắn tin cho phụ huynh thông báo, kiến thức của học sinh bị rỗng, không tiếp thu được bài giảng trên lớp, đề phụ huynh dành thời gian kèm cặp, Vậy là phụ huynh hiểu phải cho con đi học thêm. Cách vừa tế nhị vừa “ép” là giáo viên nhờ một số học sinh đang học thêm “rủ” học sinh không học thêm phải đi học thêm. Dự thảo cũng quy định rất chặt chẽ, giáo viên không được bỏ chương trình chính khoá để dành cho dạy thêm, thực tế lại khác, tiết giảng chính khoá không ít giáo viên chỉ giảng hời hợt, phần chủ yếu, quan trọng để “dành” giảng ở buổi học thêm. Học sinh nào không học thêm sẽ không nắm được kiến thức, buộc phải đi học thêm. Hình thức khá phổ biến là, ngày mai có tiết kiểm tra, thì buổi học thêm hôm trước giáo viên ra đề y trang, hôm sau kiểm tra học sinh chỉ việc bê vào bài kiểm tra và đạt điểm cao. Phụ huynh phấn khởi, nhưng đây là nạn “giỏi ảo”.
Dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn nhiều năm nay. Nhằm hạn chế tiêu cực, Bộ GD&ĐT dự thảo quy định sửa đổi Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, nếu dự thảo được thực hiện, vấn nạn dạy thêm, học thêm có thể càng trầm kha, gây nhiều hệ lụy.
Thời của chúng tôi, những lớp người sinh từ năm 1980 trở về trước, không có khái niệm “dạy thêm, học thêm”, không có hội phụ huynh, không có quỹ lớp, quỹ trường. Còn bây giờ học sinh từ tiểu học trở lên, ngoài học chính khoá, còn phải học thêm 3 môn: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ (Anh văn), mỗi tuần 3 buổi/môn. Thời gian học từ 6h30’ đến 21h 30’ (có môn tới 20h 30’), dẫn đến hằng ngày , học sinh chỉ có học và học, ăn vội để còn kịp đến lớp học thêm. Không có thời gian đọc sách tham khảo, càng không có thời gian vui chơi. Thầy giáo Anh Phạm, dạy Toán ở Trường THPT Bắc Ninh, người dạy thêm nhiều ca mỗi ngày cũng phải thốt lên: “Học sinh đang ở tuổi ăn, tuổi lớn được quyền vui chơi giải trí, ép học suốt ngày là cướp đi tuổi thơ của các em”.
Theo kinh nghiệm của các cựu học sinh, khoảng 40%-50% kiến thức là tiếp thu được trên lớp, còn 50%-60% là ôn và làm bài tập tại nhà, đọc sách tham khảo. Người xưa đã tổng kết “văn ôn, võ luyện”, còn bây giờ các cháu chỉ có nghe giảng, phòng học là nhà riêng. Có phụ huynh than phiền, con cái càng học càng dốt. Văn không ôn, võ không luyện thì không thể giỏi được.
Kinh phí học thêm là một vấn đề khiến nhiều người quan tâm. Mỗi môn học bình quân 50.000-70.000đồng/buổi. Kinh phí học thêm cho một học sinh/ tháng là một số tiền không nhỏ, nhất là với những gia đình không dư giả (thứ 7, Chủ nhật: 2 buổi). Nếu không có ông (bà) đưa đón phải thuê xe ôm, gia đình có 3 con đi học thêm thì kinh tế gia đình cực kì khó khăn. Chưa kể các khoản đóng góp, các loại quỹ phải nộp. Để có kinh phí cho con học thêm buộc phụ huynh phải làm thêm, từ chạy xe ôm, rửa bát thuê và tiết kiệm tối đa các chi phí, chất lượng mức sống gia đình bị giảm sút. Nơi học thêm của các con khác nhau, khoảng cách từ 2km đến 5-6km, khiến gia đình luôn quay vòng đưa đón con đi học, sức khoẻ không bảo đảm cho công việc ở cơ quan, doanh nghiệp.
Nhiều phụ huynh đề nghị Bộ GD&ĐT nên cấm, cấm tuyệt đối việc dạy thêm, học thêm, trả thầy cô giáo về với nghề cao quý được cả xã hội tôn vinh-Nghề trồng người. Ở hầu hết cac trường học đều có khẩu hiệu: “Tiên học Lễ - Hậu học Văn”; “Thi đua dạy tốt, học tốt”; “Trường học thân thiện, học sinh hạnh phúc”. Cùng với việc “cấm” thì ban hành cơ chế khen thưởng. Giáo viên dạy giỏi, học sinh học giỏi được khen thưởng thoả đáng. Như vậy sẽ có sự công bằng giữa giáo viên dạy các môn trọng tâm với những giáo viên dạy các môn phụ.
Giáo viên, học sinh có nhu cầu dạy và học thêm đến các trung tâm. Người viết bài này tuổi đã U80, khi còn công tác có gần 10 năm làm quản lí đào tạo, dạy nghề ở một trung tâm lớn. Ngày đó, trung tâm mở các lớp dạy thêm, học thêm vào các buổi từ 17-19 giờ và từ 19-21 giờ trong ngày. Thứ 7, chủ nhật học cả ngày. Giáo viên là các thầy, cô giáo có chuyên môn vững, có năng lực từ các trường trên địa bàn. Học sinh là những người có nhu cầu học. Ở trung tâm là dậy thật, học thật. Giáo viên không đạt yêu cầu trung tâm không thuê, giáo viên không có thêm thu nhập. Học sinh cần gì học nấy. Không có tình trạng dạy giả vờ, học sinh không bị “ép học” thêm.
Trong dự thảo Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo về lương của giáo viên sẽ được xếp ở bậc cao nhất so với bậc lương của nhân viên hành chính sự nghiệp. Như vậy đời sống của giáo viên sẽ được cải thiện, không cần phải “ép” học sinh “tự nguyện” học thêm tràn lan như hiện nay.