Quốc Tử Giám với việc đào tạo nhân tài cả nước dưới triều Nguyễn
Nghiên cứu - Trao đổi 20/11/2024 09:34
Cơ quan quản lí giáo dục triều Nguyễn
Tháng 8/1803, Hoàng đế Gia Long thành lập Đốc Học Đường tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách Kinh thành Huế chừng 5km về phía Tây. Sau khi xây xong Đốc Học Đường, Hoàng đế Gia Long chọn Phan Ưng Đăng làm Đốc học chính đường, Nguyễn Viết Ưng làm Đốc học Giáp phó đường, Trương Chi Lý làm Đốc học Ất phó đường.
Nhu cầu đào tạo nhân tài ngày càng tăng nên tháng 3/1820, Hoàng đế Minh Mạng đổi tên trường thành Quốc Tử Giám. Hoàng đế Minh Mạng đã nói về việc này như sau: “Trường học là nơi các hiền tài ganh đua, nước nhà phần nhiều lấy nhân tài từ nơi ấy. Ngày xưa Tiên đế lập nên Trường Quốc Tử Giám, đặt ra các học quan, định ra phép tắc, muốn gây nên nhân tài để nước nhà dùng. Trẫm noi theo chí lớn của Tiên đế muốn ra lệnh dựng nên nhà học, tăng thêm học viên, lập nhiều học bổng, mở rộng chương trình khiến học trò đều được thông tài để đợi khi lấy dụng”.
Quốc Tử Giám ở Huế. |
Đến năm 1821, Hoàng đế Minh Mạng đổi chánh phó Đốc học thành 1 Tế tửu và 2 Tư nghiệp. Tế tửu giữ học chính, đào tạo nhân tài để giúp chính trị, văn hóa còn tư nghiệp có nhiệm vụ giúp đỡ học chính.
Để công việc quản lí Quốc Tử Giám chặt chẽ hơn, năm 1838, Hoàng đế Minh Mạng đặc cử các đại thần kiêm lãnh thêm công việc của trường: “Cho Hiệp biện đại học sĩ Lê Văn Đức, Trương Đăng Quế kiêm lãnh công việc Quốc Tử Giám, hai người này thay phiên nhau làm. Tháng chẵn do Lê Văn Đức kiêm lãnh. Tháng lẻ do Trương Đăng Quế kiêm lãnh”.
Vào thời Hoàng đế Duy Tân, nhận thấy Trường Quốc Tử Giám ở quá xa Kinh thành, có nhiều điểm bất tiện nên năm 1908 đã cho dời trường về phía Đông Nam của Hoàng thành.
Trường Quốc Tử Giám mới chiếm một vùng đất khá rộng lớn bên trong Kinh thành. Quy mô của trường lúc ấy gồm có: Chính giữa là Di Luân Đường; hai bên là hai dãy phòng học; trước mặt là hai dãy cư xá của người học; phía sau trường, ở giữa là tòa Tân Thơ Viện, hai bên là nhà ở của quan Tế tửu, Tư nghiệp và các viên chức khác của trường.
Trường Quốc Tử Giám Huế được thành lập năm 1803 dưới thời vua Gia Long |
“Cái nôi” của nhân tài triều Nguyễn
Lúc đầu Trường Quốc Tử Giám chỉ tuyển chọn học sinh từ con em tôn thất, con quan đại thần trong triều. Tôn nhân phủ chọn trong họ tôn thất (từ ba đời trở xuống) lấy 60 người đã đến 28 tuổi mà thông minh đĩnh ngộ cho dự tuyển vào trường. Nếu vuợt qua cuộc sát hạch những người này sẽ trở thành các tôn sinh của trường. Còn con của quan tứ phẩm trở lên và con truởng của quan ngũ phẩm (tuổi đã được 15) thì được giới thiệu vào học tại trường. Đó gọi là các ấm sinh.
Chiêm ngưỡng nét đẹp rêu phong 32 tấm bia khắc tên 293 tiến sĩ triều Nguyễn |
Đến năm 1822, Hoàng đế Minh Mạng cho Quốc Tử Giám tuyển chọn trong các sĩ tử đậu cao lấy 100 người bổ dụng làm giám sinh. Cũng năm này, Hoàng đế Minh Mạng xuống chiếu trong cả nước cho phép một huyện được giới thiệu một người để vào học tại trường. Đó gọi là các cống sinh. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Hoàng đế còn cho phép không kể con em thổ quan hay con em nhà dân, cũng không cứ học đủ văn thí ba trường, hễ ai là người tuấn tú thông minh thì chọn ra để đưa về trường học tập.
Hằng năm cứ đầu Xuân, sau ngày khai Ấn một ngày thì Quốc Tử Giám khai giảng. Cuối năm sau ngày xếp Ấn một ngày thì nghỉ giảng. Thời khóa biểu: Ngày lẻ giảng kinh truyện, ngày chẵn giảng chính sử. Đầu tiên học sinh được học Trung kinh, Hiếu kinh, rồi sau đó học đến Ngũ kinh và Tứ truyện. Tiếp đó học đến sách Chu Tử và Chu sử. Về mặt văn bài, học sinh dần dần tập làm theo “thể tứ trường”, bắt đầu từ câu đối, thơ, phú lên kinh nghĩa, chiếu, biểu cuối cùng là sách văn (tức là các thể văn phải làm trong kì thi quốc gia: Hương, Hội, Đình). Ngoài ra các học sinh còn phải làm bài tập kiểm tra hằng tháng (4-6 lần/tháng), được kiểm tra hằng quý (mỗi quý một lần) và khảo hạch hằng năm.
Quốc Tử Giám có một chế độ học bổng và thưởng phạt rất công minh. Hoàng đế Minh Mạng đã từng nói rằng: “Quốc Tử Giám là nơi giáo dục nhân tài. Triều đình nuôi học trò, nên ưu đãi khiến cho nhân tài đều vui vẻ tu nghiệp tiến đức”. Học bổng của trường (tiền, gạo, dầu thắp) do đó được xét dựa trên kết quả khảo ngạch hằng quý: Tôn sinh mỗi người mỗi tháng tiền 2 quan, gạo 2 phương; cử nhân, cống sinh hạng ưu thì tiền 5 quan, gạo 3 phương, dầu ăn 5 cân, hạng bình thì tiền 3 quan, dầu 3 cân; ấm sinh hạng nhất thì thì tiền 1 quan 5, gạo 1 phương rưỡi, dầu 2 cân rưỡi, hạng thứ thì tiền 1 quan, gạo 1 phương, dầu 2 cân, nếu năm nào là năm nhuận thì theo tháng trước mà cấp. Về thưởng phạt thì học sinh nào: Khóa trước ưu khóa này lại ưu thì cấp lương theo hạng ưu, thì được thưởng thêm tiền 1 quan, gạo 1 phương. Trước ưu sau bình thì cấp theo loại bình. Trước thứ sau thứ thì chiếu theo thứ nhưng giảm 1 nửa.
Trường Quốc Tử Giám mang lối kiến trúc đặc biệt, đậm nét phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn |
Quốc Tử Giám là một minh chứng về tinh thần hiếu học và trọng dụng hiền tài của dân tộc. Với gần 150 năm tồn tại, trường đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo những nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này. Có thể kể đến hai nhân vật nổi bật là Đặng Huy Trứ (1825-1874) và Nguyễn Khuyến (1833-1909).
Tuy nhiên, đến năm 1909, khi khoa thi chữ Hán cuối cùng chấm dứt thì vai trò giáo dục của Quốc Tử Giám không còn nữa. Nó phải nhường chỗ cho trường Quốc Học, ngôi trường do thực dân Pháp xây dựng với nội dung giảng dạy theo lối Tây học phù hợp hơn với tình hình lúc đó.