Xây dựng gia đình văn hóa để tạo môi trường sống hạnh phúc
Nghiên cứu - Trao đổi 06/12/2024 14:45
Ở nước ta, GĐVH là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bởi GĐVH gắn với con người văn hóa. Thời gian qua, phong trào xây dựng GĐVH luôn được các cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về thực hiện chương trình xây dựng GĐVH, chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình... Trong các đợt truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), hay Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, các địa phương cũng đều tổ chức biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình, cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng đời sống văn hóa. Những gia đình được vinh danh là điển hình của tổ ấm hạnh phúc, là những đóa hoa tươi thắm, góp hương, góp sắc cho bức tranh gia đình Việt Nam. Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan ở các địa phương cũng thường xuyên phát động nhiều phong trào như: Hội NCT với phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”, Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào xây dựng "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", “Gia đình 5 không, 3 sạch", Hội Nông dân với phong trào "Xây dựng gia đình nông dân văn hóa", Hội Cựu chiến binh với phong trào "Gia đình hội viên gương mẫu",... Các phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân, khơi dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp, những chuẩn mực đạo đức quý báu vốn có trong gia đình Việt Nam, gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc, hạn chế được những tiêu cực, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Kết quả thiết thực của nó không chỉ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mỗi người, mỗi gia đình mà còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Tuy nhiên trong xã hội hiện đại ngày nay, công tác xây dựng GĐVH vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi những giá trị vật chất được đặt lên hàng đầu; lối sống thực dụng, đạo đức gia đình đang có biểu hiện suy giảm và bộc lộ ngày càng rõ nét. Tình trạng sống thử trước hôn nhân, li hôn, li thân, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập, tác động xấu vào các gia đình. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em, để lại hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Ở một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức việc chỉ đạo công tác xây dựng GĐVH và thực hiện đánh giá chưa nghiêm túc đối với danh hiệu này, còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích, làm hạn chế đến chất lượng GĐVH. GĐVH là danh hiệu quan trọng góp phần xây dựng thành công các danh hiệu văn hóa. Vì vậy, để danh hiệu này mang lại hiệu quả thiết thực, cần có những giải pháp đó là: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục từ cấp cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, các gia đình, cá nhân và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục với nhiều hình thức, cung cấp cho các cá nhân kiến thức về chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình. Nên lồng ghép thực hiện các tiêu chí xây dựng GĐVH với các chương trình, kế hoạch, đề án xây dựng gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc. Mỗi cá nhân, gia đình cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa và trách nhiệm của việc xây dựng GĐVH, thực hiện nếp sống văn minh trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động khác của các ngành, đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội NCT; đa dạng hóa các sinh hoạt văn hóa của gia đình trong cộng đồng. Có sự đầu tư thỏa đáng về nguồn lực, nhất là kinh phí cho công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng gia đình để đưa phong trào đi vào chiều sâu, khơi dậy niềm tin, thi đua sáng tạo trong Nhân dân.
Xây dựng GĐVH là việc làm mang tính lâu dài nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, chống lại các thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội để tạo ra môi trường sống an toàn và hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà. Vì vậy cần tránh xu hướng chạy theo thành tích, phản ánh không trung thực phong trào và chất lượng GĐVH làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp. Công tác bình xét danh hiệu GĐVH phải trên nguyên tắc khách quan, công bằng, chính xác, công khai, đáp ứng được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm, tạo được sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân sát với tình hình thực tế. Có như vậy danh hiệu GĐVH mới thực sự là một vinh dự lớn, làm cho phong trào có sức thuyết phục, bền vững, hiệu quả, thiết thực và không mang tính hình thức...