Những “bánh xe” động lực phát triển của đất nước
Nghiên cứu - Trao đổi 11/12/2024 09:36
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta đề cao và phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại hội XIII của Đảng (2021) đã nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại” nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỉ XXI.
Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 43) về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết 43 khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu và là đường lối, chiến lược xuyên suốt của Đảng, đây là nguồn sức mạnh to lớn và nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện mà đất nước đạt được đã khẳng định việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Ảnh minh họa |
Tinh thần cần, kiệm, liêm, chính
Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”. Người xem việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính là nhiệm vụ của toàn dân. Kết quả của việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính như Người đã chỉ ra là “Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”, “Kết quả cần cộng với kết quả kiệm là… nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới”, “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”, “Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn… đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định được nhiều hạnh phúc”.
Ngày 27/7/1963, phát biểu tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ba xây, ba chống”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng” .
Hiện nay, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta chủ trương xây dựng hệ giá trị con người mới xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đã khẳng định: “Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
Ý chí tự lực, tự cường
Tự lực có nghĩa là dựa vào sức mình. Tự cường có nghĩa là tự làm cho mình ngày một mạnh lên, không chịu thua kém người. Tự cường chính là sự nâng cao của tự lực ở mức độ cao hơn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta không chỉ cần tự lực, tự cường trong công cuộc kháng chiến, giành độc lập mà còn phải tự lực, tự cường cả trong việc xây dựng nước nhà. Khi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người yêu cầu: “Trước đây, Nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, trường kì kháng chiến, thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà”.
Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”.
Phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, kỉ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỉ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thu hút và trọng dụng nhân tài
Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, mang lại ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân.
Ngày 31/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kí Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiến lược có mục tiêu là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.