Nhớ người thảo kế hoạch nghi binh cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên
Nghiên cứu - Trao đổi 26/11/2024 09:01
Chiều tối ngày 23/11/2014, đột nhiên nhận được tin dữ: Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, công dân Thủ đô ưu tú Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Cục trưởng Cục quân lực, nguyên Hiệu trưởng Trường sĩ quan lục quân 1 đã từ trần. Vậy là ông mất ở tuổi 94, sau gần 80 năm theo cách mạng, 75 năm làm “Bộ đội Cụ Hồ” và hơn 72 năm tuổi Đảng.
Tôi ngồi trầm ngâm hình dung lại cả hành trình cống hiến của người anh hùng từng nhiều lần vào sinh ra tử luôn nặng lòng với anh em đồng đội đã hi sinh hay để lại phần xương máu nơi chiến trận, lâu nay vẫn trong sáng, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống. Nếu viết được cả về ông thì quá nhiều sự kiện, rất nhiều điều đáng kính, nhiều dấu ấn đáng trọng xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và giúp bạn Campuchia, bảo vệ Tổ quốc phía Bắc. Nhưng lúc này chỉ xin chọn ghi lại vài sự kiện để bạn đọc, đồng đội, người thân cùng tưởng nhớ về ông.
Ảnh tư liệu |
Chỉ huy đánh bại lữ đoàn dù quân Ngụy, bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ
Trong chiến dịch phản công cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của liên quân Mỹ và Việt Nam cộng hòa đầu năm 1971, trên chiến trường đường 9 - Nam Lào, Trung đoàn 64 của sư đoàn 320 cùng các đơn vị bạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bẻ gãy cuộc hành quân có quy mô lớn của địch với 55.000 quân gồm 15 tiểu đoàn bộ binh, 21 tiểu đoàn pháo binh và 1.000 máy bay. Ông Khuất Duy Tiến khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 đã cùng Ban chỉ huy và Đảng ủy Trung đoàn có nhiều quyết định táo bạo, kịp thời để giành thắng lợi giòn giã. Ngày 13/2, Tiểu đoàn 9 được ông chỉ đạo sâu sát đã đánh tan tiểu đoàn 6 của địch nhảy dù xuống căn cứ 30 (điểm cao 535 - đồi Không Tên) nhằm khống chế quân ta và án ngữ, bảo vệ cho căn cứ 31 (điểm cao 543), nơi Ban Chỉ huy và lực lượng chính Lữ đoàn dù số 3 chiếm đóng. Trong trận này đồng chí Phùng Quang Thanh, Trung đội trưởng Trung đội 2, đại đội 9, đã gan dạ, chỉ huy trung đội lập công xuất sắc cùng đại đội và tiểu đoàn đánh tan quân địch đông hơn và mạnh hơn về hỏa lực yểm trợ. Những ngày sau, ông chỉ huy Trung đoàn 64 có xe tăng phối thuộc tấn công căn cứ 31. Qua 4 ngày chiến đấu đầy cam go, quyết liệt mà chưa dứt điểm được, ngày 24/2, ông đã đề xuất thay đổi kế hoạch tác chiến và dám chịu trách nhiệm trước cấp trên, quyết định đổi hướng tiến công để tạo đòn đánh bất ngờ cho địch.
Kết cục là chiều 25/2/1971, Trung đoàn đã đột phá thành công làm chủ hoàn toàn căn cứ 31, bắt sống hầu hết Tiểu đoàn 3 và Ban chỉ huy Lữ đoàn dù số 3 của Việt Nam cộng hòa. Mặc dù bọn sĩ quan Ngụy rất ngoan cố lẩn trốn xuống các ngách hầm, gọi pháo kích bắn trùm lên trận địa, nhiều tên ranh mãnh bôi máu lên cơ thể giả chết; nhưng ông đã kiên trì chỉ đạo cấp dưới truy tìm kĩ càng, đến khoảng 8 giờ tối thì bắt được đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng. Ông yêu cầu cấp dưới ngay trong đêm dẫn giải Nguyễn Văn Thọ về Ban chỉ huy trung đoàn 64 hỏi cung ban đầu, sau đó bàn giao cơ quan địch vận và cấp trên khai thác, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch. Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào thắng lợi, ông cùng chỉ huy và Đảng ủy Trung đoàn 64 đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng cho đồng chí Phùng Quang Thanh (tháng 9/1971). Cá nhân ông dù có nhiều thành tích, nhưng luôn khiêm tốn, nghĩ về người khác nên tận tháng 10/2013, ông mới nhận danh hiệu vinh quang này, khi đã hơn 82 tuổi.
Soạn thảo Kế hoạch nghi binh cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên
Từ cuối năm 1971, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 vào chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên - B3, góp công vào chiến thắng các điểm cao 1015, 1049 phía Tây sông Pôkô và Đăk Tô - Tân Cảnh cùng một số địa bàn khác ở Gia Lai. Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 về kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975- 1976), Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh thông qua phương án chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược trong năm 1975.
Với vai trò Trưởng phòng tác chiến của Mặt trận B3, ông là người trực tiếp thảo Kế hoạch nghi binh cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên với trận mở màn Buôn Ma Thuột. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Vũ Lăng và Chính ủy Đặng Vũ Hiệp, cùng lúc ta xây dựng nhiều kế hoạch cụ thể, trong đó có Kế hoạch nghi binh (tháng 10/1974). Vấn đề bí mật tuyệt đối phải đặt lên hàng đầu nên toàn bộ Kế hoạch được ông viết tay trên 10 trang giấy, bản gốc hiện lưu tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. May mắn là tôi được ông tặng một bản foto đầy đủ. Đọc bản Kế hoạch càng thấy sự tỉ mỉ, khoa học, nắm chắc thực tiễn chiến trường Tây Nguyên của ông. Nghệ thuật quân sự của Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo đã đúc kết: “Mưu cao nhất là mưu lừa địch, kế hay nhất là kế điều địch,…”. Là người học trò, là cán bộ tác chiến xuất sắc của thầy Thảo nên ông đã vận dụng sáng tạo, đúng khi cần thiết. Trong Kế hoạch này, việc nghi binh về thông tin vô tuyến, hữu tuyến là một điểm đặc biệt, đã lừa được hệ thống tai mắt điện tử hiện đại của cả Mỹ và Ngụy. Nghi binh trong điều chuyển lực lượng cả mấy sư đoàn với không gian rộng, thời gian gấp là một kì tích. Ta còn nghi binh toàn diện từ việc mở đường, đánh một số mục tiêu, tung tin giả,…làm cho đối phương không thể phán đoán được ý đồ của ta, chúng lúng túng hoang mang và bố trí phòng ngự bị động, gần như bị ta điều khiển đưa quân lên Kon Tum và Pleiku, để Buôn Ma Thuột thành điểm yếu chí tử cho ta ra đòn điểm huyệt quyết định.
Khó khăn và thắng lợi trên đất bạn
Trong thời gian giúp bạn ở Campuchia, có một quyết định thật khó khăn mà ông nhớ mãi, mỗi lần nhắc lại là xúc động trào dâng. Đó là khi một tiểu đoàn của ta chốt giữ Phum Sâm bị nhiều tiểu đoàn quân Pôn Pốt bu bám lâu ngày, gây cho ta nhiều tổn thất. Địch tràn lên chốt, đồng chí tiểu đoàn trưởng quả cảm xin lệnh Trung đoàn cho pháo Sư đoàn bắn trùm lên trận địa, chấp nhận hi sinh. Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến ứa nước mắt vài phút suy nghĩ về đồng đội trước khi đưa ra một quyết định thật khó khăn. Nhờ phối hợp tốt nên bộ đội xuống hầm đúng lúc, tránh được thương vong, giữ được chốt và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Sau đó là những ngày chỉ huy bộ đội Trung đoàn 64 chiến đấu vượt sông Mê Công đoạn thị xã Công Pông Chàm sáng sớm ngày 6/1, mở đường cho Sư đoàn 10 - lực lượng thọc sâu chiến dịch của Quân đoàn 3 cùng các đơn vị bạn vào giải phóng Phnôm Pênh ngày 7/1/1979.
Những ngày này, bao đồng đội nhớ về ông, nhiều người là thương- bệnh binh từ xa về Hà Nội dự lễ viếng, tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong sâu thẳm, tôi cùng một số anh em nhớ lại những câu thơ do Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến cảm xúc trên đường Trường Sơn đúng 53 năm trước, khi dẫn đơn vị vào Mặt trận Tây Nguyên: Vạn dặm Trường Sơn, vạn dặm đèo/ Chân đi từng bước, bước cheo leo/ Chênh vênh đường vắt ngang lưng núi/ Chót vót non cao dốc ngược đèo/ Sương phủ rừng xanh, rừng chắn lối/ Mưa dồn nước đổ, thác gầm reo/ Đường dài sá kể chi gian khó/ Tiếp bước anh hùng ta tiến theo.
Từ nay, chúng tôi không còn được thăm ông hay cùng ông đi thăm đồng đội, nhưng chúng tôi xin tiếp bước, học tập từng ngày, từng chút nho nhỏ từ tấm gương “Bộ đội Cụ Hồ” của ông. Bài viết vội này xin thay nén tâm nhang vĩnh biệt người thủ trưởng đáng kính, người anh hùng, công dân ưu tú của Thủ đô và cả nước.