Làng văn hóa kiểu mẫu Quảng Cư - góc nhìn từ du lịch
Văn hóa - Thể thao 09/10/2024 15:10
Thôn Quảng Cư và LVHKM Quảng Cư
Quang Sơn là xã miền núi xa trung tâm huyện lị, trong đó có thôn Quảng Cư là “biên giới” của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp giáp với 2 xã Sơn Nam và Ninh Lai của huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Đặc trưng này thu hút sự khám phá, tìm hiểu.
Hiện tại, thôn Quảng Cư có gần 240 gia đình với gần 1.000 khẩu, trong đó 2/3 là dân tộc Sán Dìu đã sinh sống lâu đời. Kinh tế nơi đây cơ bản là nông nghiệp, đồi rừng. Nay có gần 50 hộ dân của thôn ven quốc lộ 2C kinh doanh, buôn bán sầm uất cùng với hàng trăm lao động ở các doanh nghiệp, hơn chục gia đình đổi mới mô hình sản xuất, do vậy, trên 85% số hộ trong thôn có mức sống khá giả.
Cổng vào thôn Quảng Cư. |
Từ đầu năm 2023, khi được chọn xây dựng LVHKM, Chi bộ cùng các đoàn thể và Nhân dân trong thôn háo hức đón nhận và phấn chấn triển khai. Với tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Lấy sức dân mà lo cho dân”, cùng với sự đầu tư của tỉnh, huyện; cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thôn hiến kế, hiến công, hiến đất, đóng góp thêm kinh phí để xây dựng Khu thiết chế văn hóa, thể thao LVHKM Quảng Cư.
Riêng hiến đất để đủ diện tích xây dựng Khu thiết chế là một “kì tích”. Trên 50 hộ đã hiến gần 1ha đất, tiêu biểu là gia đình các ông Lưu Văn Bế, Diệp Văn Sáu, Lưu Văn Sinh, Lưu Thái Hòa… đều hiến từ 500 đến 600m2 đất.
Sau mấy tháng thi công, ngày 29/10/2023, huyện Lập Thạch tổ chức khánh thành Khu thiết chế văn hóa, thể thao LVHKM Quảng Cư. Đây là “mốc son” làm thay đổi diện mạo và nhận thức của thôn miền núi xa xôi nhất nhì tỉnh.
Quần thể Khu thiết chế bề thế với các hạng mục như Nhà văn hóa rộng 365m2; nhà trưng bày sản phẩm rộng 346m2; thư viện; bãi đỗ xe; 3 chòi vọng cảnh; vườn cây, đường dạo xung quanh, hệ thống sân chơi và các sân thể thao, dụng cụ thể thao, vườn hoa công viên, khu vệ sinh… Cùng đó là hơn 1km đường trục chính của thôn được mở rộng 6-7m, trải nhựạ.
Nhà văn hóa trong Khu thiết chế văn hóa - thể thao thôn Quảng Cư |
Nhân dân thôn Quảng Cư cùng nhau gìn giữ Khu thiết chế sạch, đẹp; có quy chế vận hành; đóng góp kinh phí mua hàng trăm bộ bàn ghế, sắm loa đài tại nhà văn hóa; trồng hoa cảnh; hội họp, sinh hoạt cộng đồng; văn nghệ, thể thao; chào đón du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng…
Góc nhìn về Du lịch ở LVHKM Quảng Cư
Ngay từ khi chọn thôn Quảng Cư để xây dựng LVHKM, tỉnh và huyện kì vọng nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch làng quê hấp dẫn. Tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch mong muốn xã Quang Sơn cùng người dân thôn Quảng Cư tiếp tục đồng lòng, nâng cao tinh thần trách nhiệm thực hiện 14 tiêu chí gắn với 16 chính sách xây dựng LVHKM đồng bộ, hiệu quả. Mỗi người dân cần chủ động trong việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập, tạo ra các sản phẩm, vùng sản xuất đặc trưng cùng các khu, điểm du lịch mang bản sắc, sự khác biệt riêng của địa phương…
Mô hình trồng cây dược liệu ba kích ở thôn Quảng Cư |
Đã qua một năm, ông Lưu Văn Bế, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Quảng Cư bộc bạch: Những gì đạt được từ sau Lễ khánh thành thì vẫn y nguyên như thế khi mà tiềm lực của thôn chẳng có mảy may. Đường trục chính của thôn dài khoảng 2,5km mới được tỉnh đầu tư mở rộng, trải nhựa 1/2 chiều dài, còn 1/2 nữa thì vẫn gồ ghề, lồi lõm, khổ sở cho 1/3 số hộ dân trong thôn đi lại hằng ngày, ngại ngần khi phải đến nhà văn hóa hội họp, giao lưu thì nói chi đến khách du lịch! Kinh tế hộ gia đình phát triển chưa mạnh; cùng với ngành nghề truyền thống thì mới có mươi hộ được tỉnh hỗ trợ cây giống, kĩ thuật, vay vốn đầu tư trồng trám đen, trồng dược liệu ba kích, nuôi dúi… nên chưa thể có sản phẩm đặc trưng, OCOP.
Khu thiết chế văn hóa, thể thao LVHKM Quảng Cư bề thế nếu được kết nối bài bản với chùa Quảng Cư (di tích cấp tỉnh) sẽ thật hấp dẫn. Rồi, cách Khu thiết chế khoảng 200 mét có hồ nước tự nhiên với diện tích gần 2 mẫu, nước trong soi bóng núi đồi, nếu hồ nước được đầu tư tôn tạo cũng sẽ trở thành điểm nhấn phong cảnh hữu tình. Thiên nhiên ban tặng cho thôn Quảng Cư 2,5km dòng sông Phó Đáy bao bọc từ lâu đời và Khu thiết chế tọa lạc ngay cạnh bờ sông Phó Đáy với những dãy tre gió vi vu cùng dòng chảy tạo âm thanh bất tận. Một sự thích thú là đoạn sông Phó Đáy liền sát Khu thiết chế văn hóa thể thao này có ba thác nước thơ mộng đều mang những ẩn tích kì diệu, đó là thác Cổng, thác Ngựa và thác Bến Thọ. Mùa nước cạn, Nhân đân hai bên bờ vẫn thăm thú, chiêm ngưỡng cảnh đẹp cùng sự kì lạ của ba thác nước. Thác Cổng có dòng chảy mạnh ồn ã; thác Ngựa chảy xuống 3 vụng, qua gành đá như tiếng hét, hí và tiếng vó ngựa phi; thác Bến Thọ, ngày xưa là bến giao lưu giữa thôn Quảng Cư với xã Yên Dương, huyện Tam Đảo. Đoạn sông kề cạnh với Khu thiết chế dài khoảng 200m nếu được thiết kế, tôn tạo theo hình mẫu bến - bờ sẽ tạo sự đa dạng, vui mắt, thơ mộng, hữu tình… và cũng là điểm nhấn đón du khách thưởng ngoạn.
Ở thôn Quảng Cư, từ lâu đời đồng bào dân tộc Sán Dìu có làn điệu hát Soọng Cô - một đặc sản tinh thần vô giá. Hiện tại CLB hát Soọng Cô của người Sán Dìu thôn Quảng Cư có gần 60 thành viên, được tỉnh công nhận và cấp kinh phí hoạt động hằng năm để du khách đến đây thưởng lãm, vui thích. Cùng đó, người Sán Dìu nơi đây cũng cần phải đầu tư để làm ra những món ăn đặc sản, những sản phẩm OCOP của dân tộc mình, cùng kiến tạo những nhà nghỉ tư nhân sạch đẹp, tiện ích và phải học cung cách làm du lịch cộng đồng… có như vậy mới thu hút, mời gọi được khách du lịch đến với Quảng Cư.
Nói thì dễ mà làm được mới khó. Khó ở đây là sự nhận thức, sự ham muốn, tự lực tự cường, quyết tâm, đột phá của chính con người thôn Quảng Cư với phát triển du lịch tại địa phương. Song, điều cốt lõi, cơ bản vẫn là sự quan tâm, đầu tư, hướng dẫn, đồng hành của huyện, của tỉnh. Và, việc cần làm ngay là “Cầm tay chỉ việc về du lịch” của ngành chức năng đối với Nhân dân thôn Quảng Cư nói riêng và cả mấy chục LVHKM của tỉnh Vĩnh Phúc đã đi vào hoạt động từ giữa năm 2023 để bản đồ du lịch tỉnh Vĩnh Phúc có thêm “địa chỉ đỏ” thu hút khách du lịch cộng đồng…