Khắc sâu nỗi đau 12 ngày đêm tháng Chạp 1972
Nghiên cứu - Trao đổi 26/12/2024 10:14
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, nhưng cứ mỗi lần nhắc đến Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Yên Viên, Gia Lâm, Bệnh viện Bạch Mai... lại gợi lên nỗi đau khôn tả. Vào đêm 18 rạng sáng 19/12/1972, trời Hà Nội rét ngọt, quân và dân Thủ đô đã nổ súng mở màn cho trận “Điện Biên Phủ trên không”. Người Hà Nội bình tĩnh, tự tin bước vào chiến đấu với tư thế hiên ngang ngẩng cao đầu “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu từ 18 đến 29/12/1972, Hà Nội bắn rơi 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 chiếc B52 và 2 F111, diệt và bắt sống hàng chục tên giặc lái.
Trong 12 ngày đêm ấy, kẻ thù đã trút hơn 4 vạn tấn bom phá hủy nhiều khu phố, khu dân cư, trường học, bệnh viện như: Khu vực xã Uy Nỗ, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Bệnh viện Bạch Mai, Đài Phát thanh Mễ Trì,... Cả dãy phố Khâm Thiên (Đống Đa) bị san phẳng... Khu tập thể công nhân lao động An Dương, phường Yên Phụ (Tây Hồ), bị bom B52 rải thảm suốt từ khu dân cư số 1 phường Tứ Liên cho tới chợ An Dương dài hơn 1km. Gần 100 điểm ở Hà Nội bị bom B52, sập hơn 2.000 nóc nhà, đền chùa, trường học, bệnh xá... Hàng nghìn người dân, trong đó có các cụ già, em nhỏ, phụ nữ bị bom Mỹ sát hại hoặc bị thương. Một số nơi bị đánh đi đánh lại nhiều lần: Cầu Long Biên 14 lần, cầu Đuống 29 lần, khu vực thị trấn Yên Viên 14 lần, Nhà máy điện Yên Phụ 7 lần, xã Uy Nỗ (Đông Anh) 13 lần.
Người dân Hà Nội đi sơ tán năm 1972. |
Cho đến nay, nhiều người trong cuộc vẫn nhớ như in những khuôn mặt đau thương và căm thù của người dân An Dương lúc đó. Một gia đình 7 người bỗng chốc bị bom Mỹ giết hại không còn ai. Có nhiều hầm bị trúng bom, người chết không tìm thấy xác. Ông Nguyễn Quang, có gia đình ở An Dương kể: “Nghe tin An Dương trong đó có nhà tôi bị bom Mỹ, tôi xin phép đơn vị trở về nhà, thì không còn một ai. Trước mắt tôi là những đống gạch ngói ngổn ngang, cây cối xơ xác. Ngôi nhà, cùng căn hầm nhà tôi và gốc nhãn bên cạnh không còn vết tích, lửa cháy và mùi thịt người khét lẹt. Tôi cùng mọi người gào thét, gọi tên, đào bới để cố tìm ra một người thân nhưng rồi hết đêm, trời hửng sáng mà vô vọng”. Sau cái đêm vội vã về tìm vợ con không còn, ông Quang lại khoác ba lô trở lại đơn vị xin đi chiến đấu. Còn bà Nguyễn Thị An, ở quận Tây Hồ, vẫn quặn đau khi kể về 5 người thân yêu nhất của mình bị bom Mỹ sát hại trong đêm ấy.
Hơn nửa thế kỉ qua, vừa đủ để một thế hệ trưởng thành. Người dân Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ,... vẫn hàng ngày đến đài tưởng niệm thắp hương cho những người đã chết vì bom B52 của Mỹ vào 12 ngày đêm tháng Chạp ấy. Trong khói hương nghi ngút, hương hồn của những người bị sát hại chắc sẽ thanh thản nơi chín suối. Hôm nay, ai là người Khâm Thiên, An Dương và Hà Nội, đang ở lứa tuổi ngoại ngũ tuần trở lên, không thể quên 12 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng ấy. Hãy làm gì cho lớp trẻ biết đến và ghi nhớ tới chiến công oanh liệt của các bậc ông cha để giành lại tự do, độc lập cho đất nước hôm nay.
Đã 52 năm, mỗi lần gần đến ngày kỉ niệm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, được tiếp xúc và nghe kể chuyện của những nạn nhân trong trận ném bom hủy diệt của giặc Mỹ 12 ngày đêm cuối năm 1972, chúng ta không khỏi khâm phục những con người đã biết kìm nén đau thương để góp sức mình xây dựng Thủ đô ngày nay ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thực hiện lời Bác Hồ: “Đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”