Sát hại mẹ già, nghi phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt nào?
Pháp luật - Bạn đọc 16/12/2023 10:30
Theo đó, khoảng 23 giờ ngày 27/11/2023, người dân xung quanh nghe thấy Hoàng Thế Dũng, 43 tuổi, trú tại số 11/30/42/152 đường Lê Lai, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng to tiếng với mẹ mình là bà Đỗ Thị H, 77 tuổi, trú cùng địa chỉ. Sau đó, Dũng đã dùng búa đập vào đầu, khiến bà H tử vong.
Nhận được tin báo, Công an quận Ngô Quyền, Công an phường Máy Chai đã có mặt tại hiện trường, tiến hành bắt giữ Dũng, lấy lời khai nhân chứng, mở rộng điều tra vụ việc. Dũng từng có 2 tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” và là đối tượng nghiện rượu.
Trước khi xảy ra vụ án mạng, bà H ở với Dũng và một người con gái. Bà H dù tuổi đã cao nhưng vẫn phải đi nhặt ve chai, đồng nát để mưu sinh. Tối 27/11/2023, con gái bà H không có nhà, chỉ có Dũng và bà H.
Dưới góc độ pháp lí, TS, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi giết mẹ đẻ là rất tàn nhẫn, mất tính người và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Theo quy định của pháp luật và theo chuẩn mực đạo đức, con cái có nghĩa vụ kính trọng, phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi về già.
Tuy nhiên, đối tượng này vì nghiện ngập mà vô trách nhiệm đối với mẹ đẻ của mình, không những không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc mà còn thường xuyên có hành vi bạo hành người cao tuổi. Điều nghiêm trọng hơn là đối tượng thường xuyên có ý thức coi thường mẹ đẻ và đỉnh điểm là dùng hung khí sát hại mẹ của mình.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: “Theo quy định của pháp luật, người say rượu bia, chất kích thích hoặc sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến ảo giác mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra sẽ tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp và làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng, đồng thời xác định hậu quả xảy ra để xử lí theo quy định pháp luật.
Quá trình xác minh điều tra vụ án này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ khả năng nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng.
Nếu trường hợp đối tượng có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội, sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần.
Trường hợp đối tượng bị mất khả năng nhận thức hoặc hạn chế khả năng nhận thức do sử dụng trái phép rượu bia, chất kích thích, các chất cấm, đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo quy định tại Khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, với hành vi giết người là mẹ đẻ, nếu bị chứng minh có tội, đối tượng có thể phải chịu nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm như: Hành vi có tính chất côn đồ, giết người mà người phạm tội có trách nhiệm phải nuôi dưỡng, chăm sóc…