Trách nhiệm của tổ chức Hội NCT trong phòng, chống hành vi bạo lực với người cao tuổi
Cán bộ Hội cần biết 10/03/2023 10:14
Căn cứ vào các văn bản pháp lí hiện hành, xin được trả lời như sau:
Về các hành vi bị cấm, Điều 9 Luật NCT năm 2009 quy định, gồm:
- Lăng mạ, ngược đãi, xúc phạm, hành hạ, phân biệt đối xử đối với NCT.
- Xâm phạm, cản trở NCT thực hiện quyền về hôn nhân, quyền về sở hữu tài sản và các quyền hợp pháp khác.
- Không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng NCT.
- Lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng NCT để vụ lợi.
- Ép buộc NCT lao động hoặc làm những việc trái với quy định của pháp luật.
- Ép buộc, kích động, xúi giục, giúp người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với NCT.
- Trả thù, đe doạ người giúp đỡ NCT, người phát hiện, báo tin ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với NCT.
Về trách nhiệm của tổ chức Hội NCT đối với NCT, Khoản 1, Điều 25, Luật NCT năm 2009 quy định: Hội NCT Việt Nam là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của NCT Việt Nam. Khoản 3, Điều 27, Luật này cũng quy định rõ nhiệm vụ của Hội là “Bảo vệ quyền và lợi ích của NCT”.
Về quyền của hội viên Hội NCT, Điều 11, Điều lệ Hội NCT Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) được Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 972/QĐ-BNV ngày 24/3/2017 quy định:
1. Được Hội hướng dẫn, tạo điều kiện để hưởng mọi quyền lợi theo quy định của Luật NCT và các văn bản quy phạm pháp luật khác về chế độ, chính sách đối với NCT.
2. Thực hiện quyền dân chủ, bình đẳng trong sinh hoạt, hoạt động xây dựng Hội, trong việc phê bình, chất vấn, giám sát các cơ quan lãnh đạo hoặc cá nhân lãnh đạo của Hội về những vấn đề liên quan đến NCT và Hội NCT.
3. Thảo luận và biểu quyết các chủ trương công tác của Hội, ứng cử, đề cử và bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Hội theo quy định của Điều lệ Hội.
4. Được Hội tạo điều kiện để chăm sóc và phát huy khả năng của mình; được bảo vệ khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; được giúp đỡ khi gặp khó khăn, hoạn nạn; được thăm hỏi khi ốm đau; được chúc thọ, mừng thọ khi đến tuổi quy định; được phúng viếng, tiễn đưa khi qua đời.
Như vậy, các cấp Hội NCT có quyền và trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và NCT trước hành vi bạo lực NCT (bao gồm các hành vi bị cấm theo Điều 9, Luật NCT).
Các hành vi bạo lực NCT thường diễn ra đa dạng từ bạo lực tinh thần đến thể chất, có thể đột xuất hoặc kéo dài với các biểu hiện công khai hoặc âm thầm ở nhiều mức độ khác nhau. Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi này, các cấp Hội, nhất là cấp chi hội, tổ hội cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền cho hội viên và NCT nắm được các quy định pháp luật liên quan đến NCT, chủ động tố giác các hành vi bạo lực NCT với chính quyền và tổ chức Hội NCT để tự bảo vệ mình.
Các cấp Hội nắm chắc tình hình hội viên và NCT, khi phát hiện các trường hợp bạo lực NCT tại địa bàn, cần chủ động gặp gỡ các đối tượng liên quan, tham gia góp ý, làm rõ đúng sai, hòa giải hoặc báo cáo với chính quyền, cơ quan Công an xử lí theo quy định của pháp luật.
Tổ chức các cuộc sinh hoạt Hội, đưa vấn đề bạo lực NCT ra trao đổi, tọa đàm, vừa trang bị kiến thức, vừa tạo dư luận và áp lực quần chúng trong phòng ngừa, đấu tranh với các biểu hiện bạo lực NCT.
Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp trong công tác tuyên truyền, vận động và giải quyết các vấn đề liên quan đến phòng chống bạo lực NCT trên địa bàn.