Rời phố về quê
Cùng suy ngẫm 14/07/2019 09:20
Ông Chiến, bà Phượng đều sinh sống ở làng quê xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc, họ yêu nhau từ ở làng quê rồi cùng nhau lên đường nhập ngũ năm 1973. Ông Chiến là lái xe Trường Sơn, còn bà Phương là y tá ở binh trạm hậu cần.
Chiến tranh kết thúc, ông Chiến và bà Phượng ra quân họ trở về quê hương làm lễ cưới trong hạnh phúc giản đơn ở ngôi nhà tre lợp lá mía 4 gian của bố mẹ ông Chiến ở xã Tân Phong. Rồi ông Chiến trở thành lái xe khách của công ty Hồng Hà, bà Phượng sau khi ra quân đi học trường 10+3 trở thành giáo viên cấp 1 dạy ở trường làng. Sau mấy năm làm lái xe tích cóp được chút ít vốn, ông Chiến mua được gian nhà cấp 4 của công ty thanh lý, đón bà Phượng về Hà Nội sinh sống. Vài năm sau vợ chồng có chút vốn và vay mượn họ hàng, xây được ngôi nhà 4 tầng trên diện tích 35m2 mặt bằng phố La Thành, họ dành tầng 1 mặt phố cho thuê, con gia đình ở tầng hầm và 2 tầng trên cao. Tuy ngôi nhà của ông Chiến không bề thế như những ngôi nhà cùng phố, nhưng cũng là niềm tự hào hãnh diện của vợ chồng người lính trở về, tự lực vươn lên sau chiến tranh, cũng là niềm hãnh diện của những người sinh ra ở nhà quê bây giờ ở phố. Từ ngôi nhà ở phố, 3 đứa con của ông bà lần lượt ra đời là công dân Thủ đô.
Hồi trẻ ở làng quê, ông Chiến và bà Phương đều không được học đại học, nhưng bây giờ thì cả 3 người con của họ đã học hết đại học, người thì làm việc ở ngân hàng, người thì làm ông chủ có mấy xe ô tô chuyên chạy đường xa, người thì làm ở cửa hàng thẩm mỹ. Chuyện con cái ăn nên làm ra, cũng là chuyện mừng của cha mẹ. Ngôi nhà 4 tầng ở phố La Thành năm nào rộng rãi, nay trở nên chật chội, bởi đông con, đông cháu. Chuyện con dâu mẹ chồng, con rể, con gái, ở chung một nhà, đôi khi cũng không tránh khỏi lời qua tiếng lại, kinh tế còn khó khăn nên cả nhà đành ở chung ở đụng.
Năm tháng qua đi, các con ông Chiến bà Phượng đã trưởng thành, làm ăn dư dật. Ông Chiến và bà Phượng cũng là người đổi mới trong cách nghĩ, nên ủng hộ các con khi mua căn hộ ra ở riêng. Giờ thì ngôi nhà 4 tầng chỉ còn ông Chiến bà Phượng ở.
Những tưởng lúc này cuộc sống của ông Chiến, bà Phượng đã được an nhàn, có nhiều thời gian thăm thú với bạn bè, về quê thăm chốn cũ, nhưng xem ra ông Thắng và bà Phượng vẫn tất bận với việc gia đình giúp con, giúp cháu.
Cũng nhờ ăn nên làm ra, nên sau khi nghỉ hưu ông Chiến về quê ở xã Tân Phong, xây lại nhà mới trên vườn cũ của mẹ cha để lại. Lúc đầu ông cũng chỉ định xây 2 tầng trên diện tích 60 m2 một sàn. Tầng 1 là khu vực nhà thờ và gian nhà bếp, nhà ăn. Tầng 2 có 2 buồng ngủ, khi con cháu về chơi nghỉ lại. Thế nhưng các con ông Chiến lại góp ý xây thêm tầng 3 mới đủ phòng nghỉ cho con cháu về quê. Các con ông Chiến nói “bố mẹ cứ xây đi, chúng con sẽ giúp bố mẹ tiền”. Rồi ngôi nhà 3 tầng khang trang trên mảnh vườn của gia đình ông Chiến cũng hoàn thành, nội thất đầy đủ như nhà ông ở phố. Lúc đầu thì mọi người đều hào hứng tháng về quê một lần vào thứ bảy, chủ nhật, nhưng sau đó thì thưa dần, chỉ có ông Chiến và bà Phương thì năng về quê hơn. Mảnh vườn hoang giờ đây đã xanh bóng cây trồng. Về quê ông, bà, đi lại thăm nom mọi người trong làng vui vẻ thoải mái, sức khỏe của ông bà khá hơn rất nhiều so với khi ở phố.
Nhà ở làng quê |
Thế nhưng có một nỗi buồn mà cả hai ông bà đều phân vân khó nghĩ về khoản nợ hơn 1 tỷ đồng khi xây nhà mới, dù các con đã cho bố mẹ thêm 300 triệu đồng nhưng không đủ tiền xây thêm một tầng và sắm trang thiết bị. Bây giờ ông bà đã già rồi số nợ kia biết lấy gì để trả chả nhẽ lại xin các con, chúng nó cũng còn khó khăn. Ông Chiến bàn với vợ “Tôi với bà về quê ở, nhà mình ở quê cũng không xa Hà Nội, chỉ hơn tiếng đồng hồ là con cháu có thể về thăm. Còn nhà mình ở phố đã cho thuê tầng 1 rồi, tôi tính cho thuê cả nhà để lấy tiền trả nợ.Mà tôi thấy bà về quê sống thoải mái lại khỏe người ra. Ý bà thế nào?”
Bà Phượng cũng đồng ý với chồng, nhưng khi mang ý kiến này ra hỏi con cái thì các con bà không đồng ý, lý do ông bà về quê ở thì ai đưa các cháu đi học và đón các cháu về giúp chúng con.
Lý do của các con cũng chính đáng, không thể không suy nghĩ, nhưng rồi ông Chiến cũng đưa ra quyết định dứt khoát.
Ông nói với các con: Bố mẹ sẽ về quê ở, vì điều kiện ở quê phù hợp với tuổi già. Ở quê cũng còn các chú các cô, họ hàng gần gũi, các con không lo không có người giúp đỡ bố mẹ. Còn chuyện không có người đưa đón các cháu đi học, bố mẹ tính rồi, ngôi nhà này cho thuê mỗi tháng cũng được 30 triệu đồng, bố mẹ có một phần trả nợ và lo toan cuộc sống. Đối với các cháu bố mẹ vẫn có trách nhiệm, sẽ giúp cho 3 anh em con, mỗi nhà 4 triệu đồng/tháng, để thuê người giúp việc hoặc thuê người đón đưa các cháu đi học, như vậy có được không?
Thế là sau gần 40 năm trở thành người phố, bây giờ họ lại từ phố về quê, không phải ai cũng có quyết định như vợ chồng ông Chiến, bà Phượng.