Nỗi niềm của người cao tuổi khi con trai mắc vòng lao lí
Pháp luật - Bạn đọc 29/12/2023 10:45
Nội dung vụ việc
Đơn của ông Phạm Ngọc Bảo cho biết: Theo kế hoạch, trong các ngày từ 7 - 9/5/2023, Công ty Gia Minh tổ chức bán hàng trực tiếp tại Nhà hàng Bảo Sơn - Quốc lộ 38B để “tri ân khách hàng”. Đây là hình thức kinh doanh được Công ty Gia Minh (do Phạm Văn Đồng làm Giám đốc) giới thiệu các sản phẩm có nguồn gốc tới người dân địa phương, ai thấy hàng hóa đó phù hợp nhu cầu của mình, không thấy bất lợi ở vấn đề giá cả, thì đặt mua. Công ty bán hàng thu tiền công khai, minh bạch, tại chỗ. Người dân tham gia buổi bán hàng của Công ty Gia Minh hiểu rằng, đây là hoạt động thương mại mua - bán thuần tuý nhằm mục đích lợi nhuận. Bản chất của việc bán hàng là tạo cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng.
Tuy nhiên, ngày 8/5/2023, khi đang tổ chức bán hàng, Công ty Gia Minh bị Cơ quan chức năng thị xã Duy Tiên yêu cầu dừng “sự kiện” và “kê biên” toàn bộ số tiền và hàng tại đây. Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an thị xã Duy Tiên ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số: 44/ĐCSKT-MT ngày 17/5/2023 cùng các Quyết định khởi tố bị can số 85-99 ngày 17/5/2023; Quyết định khởi tố bị can số 129 ngày 3/6/2023 đối với: Vũ Văn Khởi, Vũ Đức Mạnh, Nguyễn Đình Phương, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thịnh, Nguyễn Văn Giang, Triệu Như Trình, Đoàn Minh Quyết, Lê Xuân Thanh, Lưu Văn Duy, Trần Trung Kiên, Trần Văn Tiệp, Đoàn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Văn Tùng và Ngô Văn Thắng, theo quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Nỗi niềm của người cao tuổi
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, ông Phạm Ngọc Bảo cho biết: Gia đình chúng tôi rất mong mỏi phía Cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, đưa ra những căn cứ xác thực chứng minh đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS năm 2015 đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án con tôi là Phạm Văn Đồng là bị can. Căn cứ để áp dụng Khoản 3, Điều 174 BLHS đối với Đồng? Ngoài ra, gia đình cũng mong muốn Cơ quan CSĐT xem xét việc, với hành vi bán hàng “thuận mua - vừa bán” của Đồng và các đồng nghiệp, lại không thể áp dụng chế tài hành chính để xử lí? Vì theo tôi, hành vi của Đồng có mức độ nguy hiểm cho xã hội chưa đáng kể. Tại sao phải dùng chế tài hình sự áp dụng đối với những hành vi vi phạm pháp luật mà mức độ nguy hiểm cho xã hội là không đáng kể?
Biên bản số: 64020076/BB-KT của Cơ quan Quản lí thị trường huyện Duy Tiên. 3, 4: Sao kê ngân hàng thể hiện Công ty Gia Minh hoàn trả tiền cho người dân. |
Dưới góc độ pháp lí, luật sư Bùi Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Xã hội và luật sư Sinh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo tài liệu và thông tin của gia đình cung cấp thì Phạm Văn Đồng không có dấu hiệu phản kháng hay bỏ trốn mà trực tiếp làm việc với cơ quan chức năng. Khi làm việc với cơ quan chức năng, Phạm Văn Đồng đã rất hợp tác, trình bày đầy đủ giấy tờ cấp phép hoạt động, hóa đơn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng cho các cơ quan chức năng như: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND, Cơ quan Quản lí thị trường của thị xã Duy Tiên. Cụ thể, tại Biên bản số: 64020076/BB-KT của Cơ quan Quản lí thị trường của thị xã Duy Tiên nêu: “Tại thời điểm kiểm tra, ông Phạm Văn Đồng đang thực hiện hoạt động quảng cáo, giới thiệu, tặng sản phẩm... có hóa đơn giá trị gia tăng kèm theo số 00000002 ngày 13/03/2022 của Công ty MOONHOUSE; hóa đơn số 00000006 ngày 20/05/2022 của Công ty BIGC CHÂU Á... Tổng giá trị hàng hóa thực tế theo giá hóa đơn tại địa điểm là 72 triệu đồng. Đối chiếu hóa đơn phù hợp với số lượng, hàng hóa”.
Từ đây có thể thấy, việc bán hàng tại sự kiện “tri ân khách hàng” của Công ty Gia Minh là “thuận mua - vừa bán”, vừa không có yếu tố bán hàng nhái, hàng giả, không sai sót trong hóa đơn chứng từ, không có dấu hiệu xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của khách hàng. Đồng và các đồng nghiệp cũng không có mục đích “chiếm đoạt” tài sản của ai; không cố ý chuyển dịch bất hợp pháp tài sản (tiền mua hàng) từ những người dân địa phương khi tham gia sự kiện thành tài sản của mình; bán hàng vì mục đích thương mại. Người dân tham dự và cảm thấy sản phẩm ưng ý thì mua, khi đó mới trả tiền.
“Trong quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan điều tra cần xem xét, giải quyết khách quan toàn diện theo quy định của pháp luật, tránh “hình sự hoá” các hành vi thương mại, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không gây oan sai nhưng nhất định không bỏ lọt tội phạm”, luật sư Bùi Thị Kim Liên nêu vấn đề.
Theo ông Phạm Ngọc Bảo, việc tự nguyện mua hàng của Công ty Gia Minh đã được nhiều người dân, trong đó có bà Dương Thị Tú (địa chỉ số 6, ngách 48 phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên), bà Lê Thị Liên (phố Ninh Lão, phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên) và nhiều người dân là người cao tuổi xác nhận. Người dân cho biết, họ không bị lừa. Họ có nhu cầu mua hàng thì Công ty Gia Minh bán hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Mặt khác, khi Cơ quan chức năng “niêm phong” số tiền 172.290.000 đồng (tiền hàng tại hiện trường), đại diện của Công ty Gia Minh đã lấy tiền Công ty để hoàn trả toàn bộ tiền mua hàng cho người dân. Việc hoàn trả tiền cho khách hàng thể hiện qua bảng sao kê tại Ngân hàng Công thương Việt Nam vào ngày 9/5/2023.
Ông Bảo kiến nghị: “Với những tình tiết nêu trên, gia đình tôi tha thiết đề nghị cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, khách quan, toàn diện vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được khởi tố theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số: 44/ĐCSKT-MT ngày 17/5/2023 của Cơ quan CSĐT, Công an thị xã Duy Tiên mà con trai tôi là bị can”.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Tạp chí Người cao tuổi chuyển nội dung đơn thư và nguyện vọng của người cao tuổi tới các cơ quan chức năng của thị xã Duy Tiên và tỉnh Hà Nam xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.