Những “bất thường” từ việc hoãn phiên tòa
Pháp luật - Bạn đọc 01/08/2023 09:19
TAND tỉnh Đồng Nai quyết định đưa vụ án hình sự ra xét xử sơ thẩm công khai vào lúc 8 giờ ngày 25/7/2023, đối với các bị cáo Nguyễn Thuận, Phùng Thanh Sơn và Đào Thị Thùy Trang, cùng thường trú tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Các bị cáo trên bị Viện KSND tỉnh Đồng Nai truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Địa điểm mở phiên tòa ghi rõ trong quyết định: Hội trường 1, trụ sở TAND tỉnh Đồng Nai, số 40 Cách mạng Tháng Tám, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa.
Các bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Phú Việt Tín. |
Đúng ngày giờ trên, phía bị hại có mặt, nhưng không thấy thư kí phiên tòa ở phòng xét xử. “Thư kí nói rằng, phiên tòa hôm nay hoãn, đã thông báo cho luật sư”, đại diện theo ủy quyền phía bị hại cho biết. Về nguyên tắc, phía bị hại phải nhận được quyết định hoãn phiên tòa. “Chúng tôi có mặt một cách chính thức theo giấy triệu tập để tham gia tố tụng. Theo đúng quy định của pháp luật, nếu hoãn phiên tòa, chúng tôi phải được nhận quyết định hoãn phiên xử. Chúng tôi không thấy Hội đồng xét xử. Đặc biệt hơn là chúng tôi cũng không thấy bóng dáng của các bị cáo tại thời điểm xét xử đã ấn định. Khi chúng tôi điện thoại hỏi, thư kí phiên tòa cho biết, ông đi công tác, không có mặt tại trụ sở Tòa án và sẽ gửi cái quyết định hoãn phiên tòa qua đường bưu điện(!?). Đây là điều khó hiểu! Trong khi, vụ án này đã bị hoãn nhiều lần trước đây. Đến bây giờ lại hoãn theo kiểu như thế này, chúng tôi thấy việc thực thi pháp luật đã không được tuân thủ”, đại diện phía bị hại bức xúc!
Về sự việc trên, luật sư Nguyễn Đình Anh Dũng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc hoãn phiên tòa là một hoạt động bình thường của Tòa án. Thế nhưng, điều đó phải được thực hiện có trình tự, đúng thủ tục của pháp luật, chứ không thể tùy tiện. Việc hoãn phiên tòa được quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ra quyết định”.
“Về nguyên tắc, việc hoãn phiên tòa phải được công bố tại phòng xét xử và quyết định hoãn phải được cung cấp ngay cho những người có mặt tại tòa. Các bên tham gia tố tụng và liên quan đã được triệu tập thì phải có mặt và nếu thẩm phán vắng mặt, chánh án phải kí quyết định hoãn phiên toà, chứ không thể là không thấy hội đồng xét xử đâu, không thấy các bị cáo đâu, không thấy kiểm sát viên và thậm chí thư kí tòa thì khi gọi điện mới cho biết đang đi công tác, mà chỉ có bị hại có mặt(!?). Đây là một điều không bình thường tại một phiên tòa hình sự, có dấu hiệu trái quy định của Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự. Từ đó có thể thấy, quyền lợi của bị hại đã không được tôn trọng”, luật sư Dũng khẳng định.
Khoản 2, Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa”. Tuy nhiên, các bị cáo không được có mặt tại tòa để nhận quyết định hoãn phiên tòa. Trong khi, các bị cáo đang bị truy tố theo khung hình phạt cao nhất của Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, có thể phạt tù đến chung thân. Sự thật trên khiến dư luận người dân tham dư đặt nghi vấn liệu có sự “bất thường” nào từ việc hoãn phiên tòa của vụ án này?
Được biết, Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín có gửi đơn kiến nghị tới Viện KSND tỉnh Đồng Nai, TAND tỉnh Đồng Nai đề nghị làm rõ thêm về 175 bản hợp đồng mà các bị cáo có hành vi thể hiện dấu hiệu làm giả để tham ô số tiền 5.940.473.500 đồng của Công ty Phú Việt Tín. Trong Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai kết luận chỉ có 10/175 hợp đồng được thực hiện sau ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, đối chiếu với các hợp đồng có thật mà khách hàng còn lưu giữ và theo lời khai của bị cáo Sơn, bị cáo Trang, thể hiện gần như toàn bộ số hợp đồng này đều được thực hiện trong năm 2018.
Lời khai của bị cáo Sơn tại Biên bản hỏi cung ngày 25/11/2020 (Bút lục 000797): “Khoảng tháng 4/2018, anh Thuận chỉ đạo làm lại hợp đồng, làm lại phiếu thu đối với những nền bán giá cao hơn với giá ban đầu anh Thuận lập đưa xuống cho tôi…”.
Lời khai của bị cáo Trang tại Biên bản ghi lời khai ngày 28/5/2020 (Bút lục 000904): “Khoảng tháng 4/2018, anh Sơn có đưa cho tôi 1 xấp các phiếu thu tiền có chữ kí anh Sơn, chưa có chữ kí khách hàng, có chữ kí anh Thuận nhưng chưa đóng dấu và yêu cầu tôi kí tên trên các phiếu thu này với lí do kí lại, tôi lưỡng lự không kí trên các phiếu thu do anh Sơn đưa vì đó là phiếu thu làm lại và việc làm lại phiếu thu là đúng hay sai. Khi đó, tôi không kí để trên bàn thì trong ngày hôm đó anh Thuận xuống phòng làm việc của tôi và đề nghị tôi kí”.
Ngoài ra, phía bị hại cũng gửi yêu cầu đề nghị TAND tỉnh Đồng Nai làm rõ tính pháp lí của toàn bộ 583 hợp đồng mua bán nền đất mà bị cáo Thuận đã kí với khách hàng trong giai đoạn 3 của dự án A1- C1.Các bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Phú Việt Tín.
KIẾN NGHỊ THAY ĐỔI TỘI DANH BỊ CÁO Trong đơn kiến nghị, Công ty Phú Việt Tín cho rằng: Từ thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2018, khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, thì việc cáo trạng nêu các bị cáo có hành vi làm lại 10/175 hợp đồng đặt cọc để chiếm đoạt hơn 297 triệu đồng của Công ty là mâu thuẫn với nội dung trong cáo trạng: Nguyễn Thuận và đồng phạm làm lại 34 hợp đồng đặt cọc để chiếm đoạt số tiền của Công ty Phú Việt Tín hơn 1 tỉ đồng. Mặt khác, cáo trạng cũng không nêu ngày, tháng, năm về 21 hồ sơ thể hiện dấu hiệu Nguyễn Thuận đã lập để chiếm đoạt 500 triệu đồng của Công ty Phú Việt Tín. Với số tiền chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng trong năm 2018, hành vi của các bị cáo có dấu hiệu cấu thành tội “Tham ô tài sản” quy định tại Khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhóm hành vi của các bị cáo xảy ra sau 0 giờ ngày 1/1/2018 có dấu hiệu cấu thành tội “Tham ô tài sản”, bởi lẽ các bị cáo chiếm đoạt tiền của Công ty Phú Việt Tín, là tài sản mà các bị cáo có trách nhiệm quản lí. Ngoài ra, nhóm hành vi làm giả các hồ sơ để chiếm đoạt tiền của Công ty Phú Việt Tín xảy ra trước 0 giờ ngày 1/1/2018 không cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, mà cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999. |