Những bất thường trong việc bồi thường đất lâm nghiệp ở xã Quảng Nghĩa (Bài 2)
Pháp luật - Bạn đọc 25/05/2022 13:15
Bài 2: “Sáng tác” chữ kí, tài liệu khi lập hồ sơ bồi thường, hộ trợ
Từ dấu hiệu giả chữ kí…
Trước hết cần nói rõ, không phải chỉ khi người dân đòi hủy giấy bán rừng, thì chữ kí của họ mới bị giả. Việc giả mạo đã được thực hiện từ đầu tháng 3/2019, tức là trước khi có thông báo thu hồi đất đến 5 tháng. Đó là, kí giả chữ kí của hàng chục hộ trên giấy ủy quyền (nội dung, thay mặt dân “thiết lập hồ sơ giải phóng mặt bằng và nhận tiền”). Đáng lưu ý, việc ủy quyền lại được UBND xã Quảng Nghĩa chứng thực. Chính vì thế, ngày 22/4/2021, lãnh đạo xã Quảng Nghĩa phải ra quyết định hủy bỏ những chữ kí giả nói trên.
Việc mạo chữ kí tiếp theo được thực hiện trên Biên bản kiểm đếm đất và tài sản trên đất cũng như Biên bản bàn giao mặt bằng (năm 2019)… Tuy nhiên, điều bất thường là người được ủy quyền làm hồ sơ bồi thường thì việc gì phải giả chữ kí bà con, vì chỉ cần 1 chữ kí là đủ. Do đó, câu hỏi đặt ra: Có phải những chữ kí tạo dựng được thực hiện năm 2021, nhằm hợp thức hồ sơ “0 đồng? Thế nên, cán bộ Trung tâm PTQĐ TP Móng Cái có vô can!
31 giấy ủy quyền đã bị UBND xã Quảng Nghĩa hủy bỏ. Thế nhưng, Trung tâm PTQĐ TPMóng Cái vẫn sử dụng những tài liệu vô giá trị để bồi thường bà con “0 đồng” |
Phản ánh với phóng viên, ông Phạm Văn Sáng bất bình: “Từ khi bán đất rừng, tôi không kí bất cứ chữ kí nào. Vậy mà trên các biên bản kiểm đếm, bàn giao… có chữ kí của tôi. Đã thế, bên trên chữ kí lại có dấu vân tay (đã kí rồi còn điểm chỉ làm chi). Ngón tay ấy là của ai?”. Tiếp lời ông Sáng, ông Đặng Văn Hường cho biết thêm: “Họ giả mạo mà không biết có những người mù chữ thì làm sao kí? Rõ là giấu đầu hở đuôi!”.
Việc giả chữ kí gây thiệt hại rất lớn cho bà con trong việc bồi thường về tài sản, nhất là lượng cây trồng xen trong rừng. Đơn cử, ông Hường trồng 1.200 cây quế, 470 cây sấu và chăm sóc bảo vệ rất tốt. Thế nhưng, tại biên bản kiểm đếm, (có chữ kí mạo chữ kí ông Hường) lại chỉ vẻn vẹn 7 cây sấu, không cây quế nào(!?).
… Đến việc giả biên bản làm việc?!
Chiều 8/6/2021, ông Phạm Đức Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa mời các hộ có rừng bị ảnh hưởng bởi dự án mỏ đất đến UBND xã “để làm rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, sử dụng rừng”. Tại buổi họp, tất cả những người đại diện cho 22 hộ dân đều khẳng định, kể từ ngày nhận rừng tự nhiên theo Dự án Việt - Đức (năm 2003) họ luôn chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ, làm giàu rừng, còn nếu bỏ mặc thì rừng không thể xanh tốt, không còn khoảnh trống (như xã thừa nhận bằng văn bản). Vậy mà, trong hồ sơ bồi thường “0 đồng” lại xuất hiện 1 biên bản cuộc họp, cũng vào ngày 8/6/2021, nhưng nội dung hoàn toàn trái ngược (bà con phản lại chính mình): “Từ 2012 đến 2018 gia đình không có điều kiện khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ nên 1 số cây sấu đã chết” hoặc “sau năm 2012 gia đình không bảo vệ, trông coi, không quản lí, tác động vào đất”). “Buổi họp đó, chúng tôi không kí gì. Vậy, biên bản đánh máy và những chữ kí photo này ở đâu ra?” - ông Hường phản ứng gay gắt!
Đã kí rồi, việc gì “tay ải, tay ai” còn điểm chỉ? |
Cầm tập biên bản đánh máy dày đến 10 trang, sau mỗi ý kiến đều chừa 2 dòng rộng cho dân kí, chúng tôi dám chắc văn bản này là không thật. Bởi, ngoài thông tin bà con cung cấp thì chính biên bản đã thể hiện sự vô lí. Đó là, cuộc họp diễn ra 8 giờ sáng, kết thúc lúc 9 giờ 30’, thử hỏi, trong hơn 1 tiếng đồng hồ có ghi nổi hàng chục ý kiến phát biểu (mỗi ý kiến dài đến gần nửa trang)? Chưa hết, sự giả dối còn “phát lộ” khi biên bản mâu thuẫn với Giấy mời đi họp. Giấy mời ghi, “thời gian: 14 giờ phút ngày 8/6/2021” thế mà biên bản lại đề “Hôm nay, vào lúc 8 giờ 00 phút ngày 8/6/2021” thì quả là liều lĩnh!
Những dòng chữ “thay thế cho…” chứng tỏ đã có 1 phiên bản trước đó, có nội dung hoàn toàn khác! |
Không chỉ chữ kí và biên bản được “sáng tác”, ngay cả phiếu lấy ý kiến khu dân cư cũng có dấu hiệu “lỡm”. Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Đức Ngạnh, 1 trong 4 người thôn 5 được lấy ý kiến về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của bà con, quả quyết: “Tôi nào biết rừng của các hộ dân thôn 3 ở đâu mà xác nhận họ bỏ hoang rừng, không quản lí”? Cũng theo ông Ngạnh, thực tế ông Lương Xuân Tiềm, Trưởng thôn có mời ông cùng mấy người lên hội trường thôn để xác nhận… có người mua rừng của bà con thôn 3(!). Chúng tôi tin lời ông Ngạnh là sự thật và phỏng đoán buổi mời ông Ngạnh lên xác nhận “người mua rừng” chỉ là động tác giả, nhằm có được chữ kí của ông để “in” lên phiếu lấy ý kiến khu dân cư, nhằm bồi thường “0 đồng” cho bà con.
Thời gian trên giấy mời 1 đằng, trên biên bản 1 nẻo |
Cần nói thêm, việc “làm liều” còn hiển hiện tại dòng chữ, “phiếu này thay thế phiếu lấy ý kiến dân cư ngày 3/9/2019”, in bên dưới. Và thậm chí, sự thay thế có cả trong bản chứng nhận nhà đất, tài sản cho dân của ông Thành!
Và, lãnh đạo Trung tâm PTQĐ nói gì?
Để làm rõ những vấn đề liên quan đến sự việc người dân phản ánh chúng tôi điện thoại cho người mua đất rừng của bà con, nhưng không bắt máy. Còn ông Vũ Tuấn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm PTQĐ TP Móng Cái cho biết: Lí do cùng 1 hiện trạng rừng nhưng khi lập phương án bồi hoàn cho người mua đất rừng thì tiền tỉ, còn lập cho bà con “chính chủ” lại không đồng là theo kết luận của Thanh tra tỉnh. “Thanh tra kết luận thế nào?” - phóng viên hỏi. “Cái này thì tôi không đủ thẩm quyền để trao đổi... Anh liên hệ với thành phố để được cụ thể hơn” - ông Cường đáp. “Anh lí giải thế nào khi rừng của ông Phạm Văn Việt (bố ông Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa) được đền bù khi tình trạng rừng cũng như nhau?”. “Rừng của ông Việt thuộc dự án khác, số 11 và cũng là mỏ đất”… Về câu hỏi, 31 chữ kí ủy quyền bị hủy thì đương nhiên các biên bản kiểm đếm, bàn giao giải phóng mặt bằng… không còn giá trị, vậy tại sao những tài liệu ấy vẫn được sử dụng để lập phương án bồi hoàn cho bà con? Ông Cường “né”: “Thanh tra tỉnh cũng nói lí do này như anh hỏi…” mà không có trả lời câu cụ thể.
Không bồi thường, hỗ trợ một xu nhưng mời bà con lặn lội hàng chục cây số để… nhận tiền. Thật không hiểu nổi! |
Theo chúng tôi, việc 1 cánh rừng - 2 phương án bồi hoàn khác biệt, cũng như việc giả mạo chữ kí, tài liệu không chỉ xâm hại đến quyền lợi chính đáng của công dân mà còn là hành vi phạm luật hết sức nghiêm trọng, rất cần Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an vào cuộc (bởi, Thanh tra tỉnh đã “ra tay”, nhưng dân vẫn khiếu kiện gay gắt)!
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin!