Nhiều bất thường trong việc giao đất
Pháp luật - Bạn đọc 10/10/2023 16:59
Trình bày tại Tòa, các nguyên đơn cho rằng,hồ sơ còn thể hiện việc UBND tỉnh Bình Dương cấp GCNQSDĐ cho Công ty Hưng Thịnh có dấu hiệu khuất tất.
Về quy trình thủ tục lập hồ sơ, thẩm tra, kí phê duyệt dự án của Công ty Hưng Thịnh, thể hiện không phù hợp về mặt thời gian và hiện trạng thực tế sử dụng đất. Ngày 5/9/2000, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương lập Tờ trình số: 665/TT.XD. Theo dấu công văn đến, ngày 6/9/2000, UBND tỉnh Bình Dương nhậnTờ trình này. Ngày 7/9/2000, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số: 2851/QĐ- UB phê duyệt dự án theo Tờ trình.
Mặt khác, ngày 1/9/2000, ông Huỳnh Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lí dự án xây dựng dân dụng - công nghiệp tỉnh Bình Dương đại diện kí hợp đồng dịch vụ, thu của Công ty Hưng Thịnh 10.000.000 đồng để lập dự án cho Công ty Hưng Thịnh. Ông Minh kí hồ sơ do chính mình làm ra, kí Tờ trình số 665/TT nói trên với tư cách Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương. Câu hỏi đặt ra, việc ông Minh lập hồ sơ rồi kí duyệt hồ sơ và Tờ trình liệu có phù hợp với quy định của pháp luật?
Đơn xin giao đất |
Trong đơn xin giao đất của Công ty Hưng Thịnh gửi Sở Địa chính tỉnh Bình Dương ghi ngày 19/5/2000, nhưng ở mục thứ 6 của đơn lại viện dẫn: Mục đích xây dựng theo Quyết định số: 2851/QĐ-UB ngày 7/9/2000 của UBND tỉnh Bình Dương. Có thể thấy mâu thuẫn về thời gian: Viện dẫn Quyết định số: 2851/QĐ-UB ngày 7/9/2000, ban hành sau 4 tháng (?!).
Ngoài ra, trong Quyết định số: 2851/QĐ-UB ngày 7/9/2000 phê duyệt dự án cho Công ty Hưng Thịnh, không có nội dung về mục đích và thời hạn giao đất; chưa có Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất, hoặc bản đồ khu đất xác định ranh giới, diện tích khu đất do Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất nơi có đất xác nhận. Công ty Hưng Thịnh không lập phương án đền bù theo Tờ trình số: 336/TT.ĐC ngày 22/9/2000 của Sở Địa chính tỉnh Bình Dương xác định khu đất giao cho Công ty Hưng Thịnh là đất công nên giao Sở Địa chính, Cục Thuế, Sở Tài chính - Vật giá tính toán tiền đền bù và tiền sử dụng đất của Công ty Hưng Thịnh.
Về trình tự lập tờ trình, dự thảo quyết định giao đất trình Chủ tịch UBND tỉnh quy định tại Điều 5, Điều 7 Thông tư số: 293/TT-ĐC ngày 14/3/1997 của Tổng cục Địa chính. Theo đó, đối với trình tự lập tờ trình, dự thảo quyết định giao đất trình Chủ tịch UBND tỉnh quy định tại Điều 5. Khi nhận đủ hồ sơ, trong thời hạn 20 ngày Sở Địa chính hoàn thành các công việc sau:
Thẩm tra hồ sơ và xác minh tại thực địa, lập biên bản thẩm tra hồ sơ đất đai (mẫu số 3); lập tờ trình, dự thảo quyết định giao đất, cho thuê đất trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh (đối với trường hợp thuộc cấp tỉnh quyết định), hoặc dự thảo tờ trình của UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Theo Thông tư trên, thủ tục trình UBND cấp tỉnh kí cấp GCNQSDĐ quy định tại Điều 7: Sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền, Sở Địa chính tiến hành các công việc: Thông báo cho tổ chức được giao đất, thuê đất tiến hành đền bù thiệt hại về đất, tài sản có trên đất; bàn giao đất ngoài thực địa; phải nộp đủ tiền sử dụng đất một lần trước khi được cấp GCNQSDĐ quy định tại Điều 12 Nghị định số: 38/2000/NĐ-CP ngày 23/8/2000 của Chính phủ; trình UBND cấp tỉnh kí cấp GCNQSDĐ cho tổ chức sử dụng đất và hướng dẫn tổ chức đó đăng kí đất tại UBND cấp xã sở tại.
Trong vụ việc trên, UBND tỉnh Bình Dương gộp chung việc kí quyết định giao đất, đồng thời kí cấp GCNQSDĐ cho Công ty Hưng Thịnh; không có phương án đền bù cho các hộ dân.
Mặt khác, theo quy định hồ sơ xin giao đất gồm: Đơn xin giao đất, quyết định phê duyệt dự án của cơ quan có thẩm quyền, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, trích lục bản đồ địa chính, v.v. Trong khi đó, hồ sơ dự án của Công ty Hưng Thịnh chỉ có đơn xin giao đất.
Từ những nội dung trên, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các gia đình có đất bị thu hồi, đề nghị Tòa án cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.