Nguyện vọng của người cao tuổi gửi đến TAND Cấp cao tại Hà Nội
Pháp luật - Bạn đọc 30/05/2024 11:42
Như Tạp chí Người cao tuổi đã thông tin, cụ Nguyễn Văn Đắc (mất năm 1994) và cụ Nguyễn Thị Tẹo (mất năm 2008), sinh được 5 người con, gồm: Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Hương. Năm 1993, hộ gia đình cụ Đắc, Tẹo được chia đất theo Nghị định số: 64/CP của Chính phủ. Tại thời điểm chia đất, gia đình có 8 người, được chia 7 suất đất nông nghiệp gồm cụ Nguyễn Thị Tẹo, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Hương, Phạm Duy Trường (con bà Hương), Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Hồng Thái (con ông Hướng), Khiếu Thị Khánh (vợ ông Hướng) và Nguyễn Diệu Linh (con ông Nguyễn Văn Hưởng). Tổng cộng, gia đình được giao 2.081m2 đất nông nghiệp. Năm 2003, UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) toàn bộ diện tích nông nghiệp mang tên cụ Nguyễn Thị Tẹo, đến năm 2008, cụ Tẹo mất, không để lại di chúc.
Ngày 21/7/2020, bà Hương có đơn khởi kiện ông Hướng ra TAND quận Long Biên tranh chấp chia thừa kế và tài sản chung. Đến ngày 24/5 và 1/6/2022, TAND quận Long Biên đưa vụ án ra xét xử công khai. Theo đó, TAND quận Long Biên chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung và chia tài sản thừa kế của bà Hương; Xác định bà Hương có 223,4m2 đất là tài sản chung trong giấy GCNQSDĐ Q733284; Xác định di sản của cụ Tẹo trong vụ án này là 262,6m2 là tài sản chung nằm trong GCNQSDĐ Q733284; xác định hàng thừa kế của cụ Tẹo gồm: Bà Bình, ông Hiếu, ông Hưởng, ông Hướng và bà Hương.
Khu nhà, đất nông nghiệp hộ ông Vũ Văn Nhi và Nguyễn Thị Kim Hương mua và xây dựng trước thời điểm vụ án được thụ lí. |
Bà Hương, bà Bình và ông Trường được sử dụng thửa đất số 6 (24) diện tích 995m2 thuộc tờ bản đồ số 20 tại thôn Tư Đình, xã Long Biên (nay phường Long Biên); Trong đó bà Hương có 328,44m2; bà Bình có 315,12m2 và ông Trường có 300,1m2 nằm trong GCNQSDĐ Q733284.
Ông Hướng, bà Khánh và ông Thái được quyền sử dụng 96,1m2 tại thửa 419 tờ bản đồ số 29 và thửa số 103 (101) diện tích 708m2 tờ bản đồ số 21, tất cả đều tại thôn Tư Đình, xã Long Biên (nay phường Long Biên). Trong đó, ông Hướng có 353,8m2; bà Khánh có 150,2m2 và anh Thái có 300,1m2 nằm trong GCNQSDĐ Q733284…
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện độc lập của bà Nguyễn Thị Kim Hương và ông Vũ Văn Nhi, bà Hương ông Nhi được quyền sử dụng 151,7m2 đất tại thửa 419 tờ bản đồ số 29 tại thôn Tư Đình, xã Long Biên (phường Long Biên) nằm trong GCNQSDĐ Q733284 mang tên hộ cụ Tẹo.
Phần đất 151,7m2 vợ chồng bà Hương, ông Nhi mua của bà Hương đã xây dựng các công trình trên phần đất đã mua thì được quyền sử dụng (trong đó đất trên là đất nông nghiệp, ông Nhi nguyên là cán bộ địa chính phường Long Biên).
Ông Hướng đã có đơn kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 63/2022/DSST ngày 1/6/2022 của TAND quận Long Biên.
Ngày 16/6/2022, Viện KSND quận Long Biên có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐ-VKS-DS gửi TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án Dân sự sơ thẩm số: 63/2022/DSS ngày 1/6/2022.
Đến ngày 8/6/2023, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án “Tranh chấp chia thừa kế, chia tài sản chung và công nhận hợp đồng chuyển nhường quyền sử dụng đất” và ban hành Bản án số: 263/2023/DSPT ngày 8/6/2023 của TAND TP Hà Nội; sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 63/2022/DSST ngày 1/6/2022 của TAND quận Long Biên.
Bản án dân sự sơ thẩm số 63/2022/DSST ngày 1/6/2022 của TAND quận Long Biên. |
Ông Hướng cho rằng: Thứ nhất, trong quá trình giải quyết vụ án, khi hoãn phiên tòa sơ thẩm ngày 24/5/2022 lần 1 đến ngày 1/6/2022, Tòa sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử, gia đình không nhận được giấy mời, nên không được tham gia xét xử với tư cách là bị đơn trong vụ án. Thứ hai, đối với thửa đất số 419, khi Nhà nước thu hồi 23,2m2 (sau đó bà Hương được Nhà nước cấp cho 1 lô đất tái định cư) và diện tích còn lại 247,8m2, về nguyên tắc 7 người sẽ có quyền và nghĩa vụ theo tỉ lệ được giao theo Nghị định 64. Tuy nhiên, tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét lại công nhận cho bà Hương và bà Bình có quyền tự định đoạt 151,7m2 bán cho ông Vũ Văn Nhi và bà Nguyễn Thị Kim Hương khi chưa được sự đồng ý của 5 người thừa kế còn lại. Thứ ba, việc bà Hương và Bình tự định đoạt 151,7m2 khi chưa có sự đồng ý của 5 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nên hợp đồng chuyển nhượng (mua bán trước thời điểm khởi kiện) với ông Nhi và bà Kim Hương là vô hiệu.
“Việc gia đình ông Nhi lấn đất, Tòa xử bồi thường mà không trả đất là thiếu khách quan. Phần đất nông nghiệp thửa 6 (24) diện tích 995m2 thuộc tờ bản đồ số 20, vợ chồng tôi trồng cây nhiều năm nhưng tòa giao cho bà Hương, Bình, Trường sử dụng trong khi thửa đất nông nghiệp khác lại giao cho vợ chồng tôi là điều bất hợp lí”, ông Hướng cho biết.
Nguyện vọng của ông Hướng và gia đình là Viện KSND Cấp cao và TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm để bảo đảm quyền và lợi ích của gia đình ông theo quy định pháp luật.
Luật sư Đỗ Thành Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo hồ sơ và tài liệu vụ án thì thửa đất trên có nguồn gốc là đất nông nghiệp, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tẹo được Nhà nước chia đất theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. Năm 2008, cụ Tẹo mất không để lại di chúc, nên việc chia thừa kế theo đúng quy định của pháp luật. Cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm chưa xem xét việc 23,2m2 đất nhà nước thu hồi và bồi thường cùng với 1 lô đất tái định cư bà Hương được hưởng, nhưng lại không được xem xét chia cho các đồng thừa kế. Ngoài ra, việc bà Hương và bà Bình bán đất nông nghiệp cho ông Vũ Văn Nhi (công chức) và vợ Nguyễn Thị Kim Hương để ông Nhi và bà Hương xây dựng nhà cửa trước thời điểm vụ án được thụ lí và xét xử là chưa đúng theo quy định tại Khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, quy định về trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa như sau: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Ngoài ra, tại điểm b, Khoản 2; điểm b, Khoản 3 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, quy định về căn cứ để xác định cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp: “Điều 3. Việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp… Các căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp: a)… b) Không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội; Căn cứ xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp: a) …b) Có ít nhất một thành viên của hộ gia đình không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội”.
Có thể thấy, cán bộ, công chức là những đối tượng được hưởng lương thường xuyên, do đó, thuộc vào đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên sẽ không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.