Người cao tuổi mong chờ một bản án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật
Pháp luật - Bạn đọc 02/12/2023 15:10
Nội dung vụ kiện
Ngày 8/12/2022, Xí nghiệp VLXD Cầu Thiều, do ông Vũ Xuân Chiến làm đại diện đã gửi đơn khởi kiện Công ty Nam Vang ra TAND huyện Triệu Sơn, để giải quyết tranh chấp kinh tế, tài sản, quyền quản lí, sử dụng đất giữa 2 bên từ việc kí kết Hợp đồng kinh tế ngày 6/8/2005 (hợp đồng không số).
Về hình thức, Hợp đồng kinh tế “không số” do ông Nguyên Hữu Chương, Giám đốc Công ty Nam Vang, địa chỉ số 652 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP Hà Nội đại diện (bên A). Tuy nhiên, cuối Hợp đồng có chữ kí tắt của ông Đỗ Hữu Thăng, Chủ tịch HĐTV Công ty Nam Vang trước; sau đó ông Nguyễn Hữu Chương mới kí tên, đóng dấu. Trong khi đó, Hợp đồng “không số” mà đại diện của Công ty Nam Vang nộp cho TAND huyện Triệu Sơn lại không đúng với bản gốc ban đầu.
Vụ án được TAND huyện Triệu Sơn đưa ra xét xử ngày 29/11/2023. Hợp đồng kinh tế “không số” ngày 6/8/2005. |
Về mục đích Hợp đồng không số ngày 6/8/2005, là sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên nhằm tìm kiếm lợi nhuận, lãi cùng hưởng, lỗ chịu. Thế nhưng, do hợp đồng này trước đó bị cưỡng ép kí kết, nên hợp đồng không được công chứng theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, Hợp đồng “không số” gồm 14 điều, đến nay vẫn không thực hiện được vì có nhiều điều có dấu hiệu vi phạm pháp luật, biến tướng, biến hóa từ hợp đồng kinh tế sang các giao dịch mua bán doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, chuyển nhượng quyền sử dụng đất,...
Từ những nội dung trên, ông Vũ Xuân Chiến có đơn yêu cầu TAND huyện Triệu Sơn giải quyết vụ “Tranh chấp Hợp đồng kinh tế, thương mại” tuyên Hợp đồng kinh tế “không số” kí ngày 6/8/2005 vô hiệu, theo quy định của pháp luật dân sự.
Ý kiến của người cao tuổi
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/11/2023, luật sư Lê Trọng Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư số 36, Đoàn luật sư TP Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Vũ Xuân Chiến cho rằng:
Hợp đồng kinh tế “không số” ngày 6/8/2005, được kí kết giữa giám đốc Công ty Nam Vang Nguyễn Hữu Chương (bên A) và Giám đốc Xí nghiệp VLXD Cầu Thiều Vũ Xuân Chiến (bên B) là hợp đồng giả tạo, không tuân thủ quy định về hình thức, bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật đến nay vẫn không thể thực hiện được.
Tại điều 7 của Hợp đồng kinh tế không số ngày 6/8/2005, xác lập về chuyển quyền sử dụng đất là vi phạm pháp luật về đất đai, vì Xí nghiệp VLXD Cầu Thiều được Nhà nước cho thuê đến năm 2046; không được phép chuyển quyền sử dụng đất.
Điều 8 Hợp đồng không số có nội dung: “Sau khi mua bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác mà doanh nghiệp chưa thực hiện”. Theo nguyên đơn cho biết, ông Đỗ Hữu Thăng, Chủ tịch HĐTV Công ty Nam Vang thảo Hợp đồng kinh tế “không số” ngày 6/8/2005 có nội dung “mua bán doanh nghiệp”, để che giấu xác lập giao dịch mua bán doanh nghiệp sang xác lập giao dịch mua bán công nợ, thanh toán công nợ, chuyển các công nợ làm căn cứ tính giá trị bán doanh nghiệp để che giấu giao dịch mua bán doanh nghiệp, nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế.
Điều 11 của Hợp đồng cam kết “về nộp ngân sách nhà nước” có nội dung: Bên A (Công ty Nam Vang) có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách thay cho bên B, tổng giá trị chuyển nhượng tài sản của Xí nghiệp VLXD Cầu Thiều là vi phạm Luật về thuế giá trị gia tăng; vi phạm Thông tư số 120/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng.
Biên bản phụ lục số 01 ngày 6/9/2005, có nhiều nội dung giả mạo, chỉnh sửa như: Về giá trị tài sản trên đất là 13.431.164.597 thành 12.450.869.220 đồng, giảm 980.295.337 so với bản chính; chỉnh sửa nội dung thành thời gian thanh toán trong Biên bản số 01 ngày 6/9/2005 (không cùng phông chữ so với bản gốc của Xí nghiệp VLXD Cầu Thiều, do không có chữ kí của ông Trần Văn Đào, UBND huyện Triệu Sơn); đây là hành vi có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ “lừa” đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng khác theo Quyết định số: 244/QĐ-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa ngày 1/9/2010.
Hợp đồng kinh tế “không số” cũng không thể thực hiện được do không xác lập được tổng giá trị hợp đồng. Bởi lẽ, khi kí kết, các chủ thể không thỏa thuận được tổng giá trị hợp đồng, chỉ ghi giá trị hợp đồng tại các Điều 7 “chuyển quyền sử dụng đất”; Điều 8 “... Bán doanh nghiệp”; Điều 9 “Bên A thanh toán cho bên B”; Điều 10 “hình thức thanh toán và thời gian thanh toán và giá trị thanh toán” tại BL 04, 34, 42 được xác lập giá trị tài sản trên đất và nợ đầu tư phải trả và các phát sinh… Điều 11 “về việc nộp ngân sách Nhà nước” có nội dung trái pháp luật, đó là bên A có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế ngân sách thay cho bên B, sau khi bên B quyết toán với cơ quan thuế số tiền còn phải nộp (khoản tiền này không nằm trong giá trị tài sản của bên B bán cho bên A).
Phía cuối Hợp đồng kinh tế “không số” còn có nội dung ghi chú: “Hợp đồng kinh tế này có giá trị hiệu lực khi có số liệu giá trị tài sản chuyển nhượng do các bên thống nhất đưa vào hợp đồng này, lúc đó mới bảo đảm tính chất của hợp đồng kinh tế và các bên mới cùng nhau kí chính chức”. Từ đó có thể thấy, đến thời điểm TAND huyện Triệu Sơn đưa vụ án ra xét xử thì Hợp đồng kinh tế “không số” vẫn chưa thể thực hiện được.
Từ những phân tích trên của luật sư, ông Chiến đề nghị Hội đồng xét xử tuyên Hợp đồng kinh tế “không số” ngày 6/8/2005 vô hiệu, dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trái pháp luật của Công ty Nam Vang.
Do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp Hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng 4/12/2023.
“Hi vọng sắp tới đây, TAND huyện Triệu Sơn sẽ xem xét khách quan vụ việc và tuyên Hợp đồng kinh tế “không số” ngày 6/8/2005 vô hiệu theo quy định của pháp luật. Trường hợp, phải thực hiện hợp đồng đó thì phía Công ty Nam Vang cần kí kết hợp đồng mới thay thế hợp đồng “không số” và cam kết thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành”, người cao tuổi Vũ Xuân Chiến nêu nguyện vọng.