Người cao tuổi có đơn kiến nghị được xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 31/07/2024 15:00
Tuy nhiên, theo ông Tiến, trong phiên xét xử, cả 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều có những nhận định thiếu khách quan, chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai, đã bác đơn khởi kiện. Do đó, ông Tiến có đơn kiến nghị tới TAND Cấp cao xem xét lại vụ án hành chính theo trình tự giám đốc thẩm…
Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết: Cha mẹ ông là cụ Nguyễn Văn Khải (mất năm 1993) và cụ Vũ Thị Tuất (mất năm 2008). Gia đình có một cái ao và ngòi dẫn nước vào ao. Năm 1982, ông từ quân đội trở về địa phương, cha mẹ ông chia cho ông quản lí, sử dụng một phần diện tích ao và ngòi dẫn nước vào ao. Việc chia đất ao và ngòi dẫn nước chỉ được nói bằng miệng, không có giấy tờ. Con ngòi có diện tích khoảng 45m2, độc lập với diện tích đất ao của gia đình và có cạnh giáp đất ao của gia đình ông Hồi, nay là đất thuộc chùa Thạch Nham và một cạnh giáp đất gia đình ông Nguyễn Ngọc Quán. Từ khi nhận đất ao và ngòi nước do bố mẹ giao (năm 1982), gia đình ông sử dụng ổn định đến nay, không có tranh chấp. Sau này ông có cải tạo ngòi nước thành đất nền để trồng cây.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tiến chỉ cho phóng viên diện tích đất gia đình ông vẫn sử dụng ổn định, không tranh chấp. |
Ông Tiến và ông Quán là thông gia, nên năm 2003, ông cho các con diện tích đất ngòi nước để các con làm nhà ở. Khi ông đứng tên xây nhà cho các con thì UBND xã Mỹ Hưng đến cưỡng chế, đập bỏ toàn bộ tường nhà, chỉ móng nhà còn nguyên. Việc UBND xã cưỡng chế đập tường nhà ông không hề có thông báo hay quyết định gì. Khi ông đến làm việc với UBND xã Mỹ Hưng, mới biết diện tích đất của gia đình ông bị quy vào đất chùa Thạch Nham. Ông tiến cho biết thêm: “Khi làm việc với UBND xã tôi mới được biết, ngày 30/6/1998, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số 664/QĐ-UBND, về việc công nhận di tích lịch sử văn hóa, phê duyệt quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Thạch Nham, gồm thửa số 57, tờ bản đồ số 5 tỉ lệ 1/1000, diện tích 2.119m2, trong đó gộp cả đất của gia đình tôi vào đó”.
Vì vậy ông Tiến mới có đơn gửi UBND xã Mỹ Hưng và UBND huyện Thanh Oai, đề nghị xem xét phần diện tích đất của gia đình ông bị gộp vào đất di tích chùa Thạch Nham. Ngày 26/12/2012, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai ban hành Quyết định số: 1637/QĐ-UBND, về giải quyết đơn kiến nghị của ông Tiến và ông Quán, cho rằng việc ông Tiến, ông Quán kiến nghị đòi quyền sử dụng đất ao nằm trong khu di tích chùa Thạch Nham, là không đủ căn cứ để xem xét giải quyết. Không đồng ý với Quyết định số: 1637/QĐ-UBND, ông Tiến và ông Quán có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ngày 17/9/2013, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số: 5830/QĐ-UBND, giải quyết khiếu nại của ông Tiến, nhưng lại đồng ý với Quyết định số 1637/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai. Ông Tiến tiếp tục có đơn gửi các cơ quan Nhà nước. Ngày 1/7/2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số: 4457/UBND-BTCD, có nội dung không có ý kiến khác với các quyết định giải quyết khiếu nại trước đó. Ông Tiến khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án, yêu cầu tòa án tuyên hủy Quyết định số: 5830/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Quyết định số: 1637/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai và Văn bản số 4457/UBND-BTCD.
Ngày 27/9/2013, TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, tại Bản án sơ thẩm số 351/2023/HC-ST, phần nhận định của Tòa án thể hiện, Hội đồng xét xử (HĐXX) không xem xét tình tiết thực tế về sử dụng đất của gia đình ông Tiến, cũng như gia đình ông Quán, từ đó cho rằng đất gia đình ông Tiến và đất gia đình ông Quán nằm ngoài khuôn viên đất chùa Thạch Nham, từ đó xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Tiến. Ông Tiến kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, nhưng cấp phúc thẩm xét xử cũng không hơn, quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty luật TNHH Hòa Lợi, người bảo vệ lợi ích hợp pháp cho ông Tiến, cho biết: Các cấp tòa trong khi xét xử đã không xem xét đến thực tế là gia đình ông Tiến, cũng như gia đình ông Quán đã sử dụng diện tích đất này từ rất lâu đời, việc này có nhiều nhân chứng có xác nhận trình ra trước Tòa, nhưng HĐXX không xem xét. Đất ao gia đình ông Quán, UBND xã thừa nhận là có thật và cho rằng đã đưa vào HTX sau cải cách ruộng đất, nhưng không có tài liệu nào chứng minh, trong khi gia đình ông Quán vẫn sử dụng ổn định diện tích đất ao đó cho đến ngày nay. Năm 1967, thôn Thạch Nham còn lấy đất của gia đình ông Quán làm lối đi, nên đã đổi cho ông Quán 72m2 đất tại khu ruộng phần trăm thôn Thạch Nham. Khi lập bản đồ 299, UBND xã tự thực hiện, nên đưa cả diện tích con ngòi của gia đình ông Tiến vào thửa đất của gia đình ông Quán. Tuy nhiên thực tế, gia đình ông Tiến vẫn sử dụng diện tích ngòi dẫn nước này, đã san lấp thành nền đất để trồng cây. Ông Quán thừa nhận hai bên không hề có tranh chấp diện tích đất này.
Năm 1998, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số: 664/QĐ-UBND ngày 30/6/1998, là quyết định công nhận di tích và khoanh vùng bảo vệ di tích, không có nghĩa là quyết định giao đất bổ sung cho chùa Thạch Nham. Theo quy định của pháp luật, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành thu hồi đất, nếu trên đất đang có người sử dụng, để tiến hành bàn giao đất đó cho nhà chùa quản lí. Tuy nhiên, hồ sơ vụ việc thể hiện không có các trình tự thu hồi, giao đất như quy định của pháp luật. Trên thực tế, ông Tiến, ông Quán không hề biết có Quyết định số 664/QĐ-UBND này, mà chỉ đến khi ông Tiến làm việc với UBND xã thì ông mới biết. Trong các bản khai, sư trụ trì chùa Thạch Nham cũng thừa nhận nhà chùa không có tài liệu nào về xác định mốc giới và số đo của đất chùa.
Việc gia đình ông Tiến, gia đình ông Quán sử dụng đất lâu dài, ổn định, không tranh chấp, là phù hợp với các quy định: Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003; Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai các thời kì. Việc Tòa các cấp bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Tiến, là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai các thời kì.
Ngay sau khi kết thúc phiên toà phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Tiến đã có đơn kiến nghị xem xét lại vụ án hành chính theo trình tự giám đốc thẩm. Hi vọng vụ việc đòi quyền sử dụng đất của người cao tuổi là ông Nguyễn Văn Tiến và ông Nguyễn Ngọc Quán được xem xét giải quyết đúng thực tế, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các công dân cao tuổi.