Người cao tuổi cần biết: Cách phòng ngừa thoái hóa khớp
Sống khỏe 15/03/2023 18:00
Thoái hóa khớp thường xảy ra từ độ tuổi 40 - 60 tuổi. Đặc biệt sau 45 tuổi, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh thường cao gấp 1.5 - 2 lần so với nam giới. Tình trạng thoái hoá khớp rất hay gặp ở người cao tuổi, đặc biệt ở lứa tuổi trên 75 thì 90% dân số có tổn thương thoái hóa khớp.
Nguyên nhân thoái hoá khớp
Chia sẻ trên Báo Sức khoẻ đời sống, PGS.TS.BS Nguyễn Vĩnh Ngọc - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp, có thể kể đến như:
- Tuổi tác. Tuổi càng cao thì quá trình thoái hóa khớp xảy ra càng nhiều và càng mạnh.
- Di truyền. Do sự hư hỏng của các gen giúp quá trình hình thành sụn khớp. Cơ thể sản xuất ra các sụn, khớp yếu ớt làm cho quá trình thoái hóa khớp diễn ra sớm. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới thoái hóa khớp chính, thậm chí là ở người trẻ tuổi.
- Tình trạng thừa cân, béo phì. Điều này làm tăng tải trọng lên khớp, từ đó dẫn đến việc khớp bị hư hỏng sớm. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng các phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp cao gấp 4 lần phụ nữ bình thường. Nam giới béo phì có nguy cơ mắc thoái hóa khớp cao gấp 5 lần so với nam giới bình thường.
- Nguyên nhân chấn thương. Chấn thương từ tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, tai nạn lao động… gây hủy hoại sụn khớp trực tiếp. Một khi đã làm tổn thương một thành phần của khớp như dây chằng, sụn trên sẽ kéo theo sự hủy hoại của toàn bộ khớp. Điều này giống như hiệu ứng domino.
- Sử dụng khớp quá nhiều với tần suất cao. Những người làm công việc bốc vác nặng, mang vác vật nặng ở tư thế xấu, thợ thủ công, sử dụng máy công nghiệp nặng…
- Các bệnh cơ xương khớp khác như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, loãng xương… .Các bệnh xương khớp này sẽ làm hư hỏng khớp ở các mức độ khác nhau dẫn đến hậu quả là khớp bị yếu và thoái hóa sớm.
Cách phòng ngừa thoái hóa khớp |
Trên thực tế, thoái hóa khớp là tiến trình tự nhiên nên gần như khó tránh khỏi. Tuy nhiên nếu biết cách phòng ngừa thoái hóa khớp thì sẽ giúp làm chậm quá trình thoái hóa diễn ra. Dưới đây là 10 biện pháp được các chuyên gia, bác sĩ gợi ý:
Duy trì thể trạng cơ thể phù hợp
Người càng có cân nặng cao, áp lực đè lên các khớp càng lớn. Đặc biệt là vùng lưng, khớp háng, khớp gối và bàn chân. Do vậy biện pháp hàng đầu cần thực hiện để ngăn chặn thoái hoá khớp là giảm cân nếu cân nặng của bạn đang vượt chuẩn.
Tập luyện thể dục, thể thao vừa sức
Việc rèn luyện thể dục, thể thao ở mức độ phù hợp sẽ mang lại lợi ích cho người mắc chứng viêm khớp, ví dụ: Tăng độ dẻo dai cơ bắp, lưu thông máu huyết, tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp càng mạnh khỏe sẽ giảm bớt áp lực đè nén lên khớp xương trong quá trình vận động.
Tuy nhiên, việc tập gắng sức hoặc đốt cháy giai đoạn có thể vô tình ảnh hưởng đến các lớp sụn mới còn non yếu. Do vậy người bệnh chú ý nên chọn cường độ luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình, bắt đầu từ những động tác chậm rãi, nhẹ nhàng sau đó mới tăng dần lên tùy vào phản ứng của cơ thể.
Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng
Khi cơ thể ở tư thế thẳng, diện tích tiếp xúc giữa 2 mặt sụn khớp sẽ đạt mức tối đa và lực đè ép sẽ giảm xuống mức tối thiểu giúp bảo vệ các khớp khỏi sự đè ép không mong muốn.
Sử dụng các khớp lớn khi mang vác nặng
Khi mang vác hay xách đồ nặng, người bệnh nên khéo léo sử dụng nguyên tắc đòn bẩy ở những khớp lớn để hạn chế làm tổn thương các khớp nhỏ như cổ chân, cổ tay, bàn chân, bàn tay. Các khớp lớn ở tay có thể kể đến khớp vai, khớp khuỷu, ở chân là khớp gối, khớp háng.
Chế độ dinh dưỡng
Bên cạnh đó, để tái tạo sụn khớp, tăng độ dẻo dai và sức bền thì người bệnh cũng cần cung cấp cho cơ thể những dưỡng chất thiết yếu, tốt cho xương, sụn. Một số thói quen dinh dưỡng lành mạnh giúp phòng ngừa thoái hóa xương khớp bao gồm: Giảm bớt những loại thực phẩm có hàm lượng purin và fructozo cao như thịt gia súc, gan, cá trích, thịt lợn muối;
Tránh tất cả món ăn làm tăng mỡ máu như: bơ, thịt mỡ, xúc xích, dăm bông, và hạn chế cả bánh kẹo vì có thể làm gia tăng tình trạng viêm tấy; Nên bổ sung thực phẩm chứa acid omega-3, vitamin D qua chế độ ăn uống, viên nén để có tác dụng giảm đau lâu dài; Tăng cường các loại hoa quả, trái cây như: dứa, chanh, đu đủ, bưởi... vì các trái này là nguồn cung ứng men kháng viêm và vitamin C giúp kháng viêm hiệu quả.
Giữ nhịp sống hài hòa, thoải mái
Tất cả mọi người đều nên sắp xếp công việc hợp lý, cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi. Nên nhớ các cơ quan trong cơ thể đều cần có sự nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Không nên thực hiện lặp đi lặp lại một động tác hay tư thế làm việc trong thời gian dài sẽ gây quá tải cơ, gây tổn thương khớp. Bất cứ khi nào cơ thể ra dấu hiệu “báo động”, nên ngừng động tác ngay lập tức và sắp xếp nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt từ sau 40 tuổi trở đi, người bệnh nên có chế độ sinh hoạt, luyện tập, ăn uống cân bằng.
Thay đổi tư thế thường xuyên
Để phòng ngừa thoái hóa khớp, bạn nên thường xuyên thay đổi tư thế sinh hoạt. Tránh nằm quá lâu, ngồi lâu, đứng lâu một tư thế vì sẽ làm ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp. Đây được xem là nguyên nhân chính gây thoái hóa khớp do nghề nghiệp, đặc biệt là ở những người lao động trí óc.
Yêu cầu sự trợ giúp khi cần
Bất cứ khi nào cảm thấy cần sự trợ giúp, hãy nhờ người khác hỗ trợ mang vác hay xách vật nặng cùng. Việc cố quá sức có thể gây đau nhức kéo dài, lâu dần có thể tiến triển thành những tổn thương lớn hơn trên bề mặt sụn khớp.
Ngoài ra, bất cứ khi nào có dấu hiệu bất thường về khớp, bạn nên chủ động đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và đề ra hướng điều trị kịp thời.
Người cao tuổi cần biết: Bộ Y tế cảnh báo về căn bệnh liên cầu lợn NMO - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có Công văn số 226/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về ... |
Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc/ngộ độc methanol và cách phòng tránh Thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết từ cuối tháng 2, bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân bị ... |
Thực đơn bữa sáng giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa cho người cao tuổi Bữa sáng là một phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi và lợi ích của bữa ăn đầu tiên trong ... |