Nếp nhà sàn miền đất Tày Nghĩa Đô
Nhịp sống văn hóa 22/02/2022 10:00
Đặt chân đến đầu xã Nghĩa Đô, đứng từ trên mỏm đất cao, phóng tầm mắt ra xa, Nghĩa Đô hiện ra trước mắt chúng tôi tuyệt đẹp. Nhất là ngắm cảnh vào buổi chiều, dáng núi Khau Ái, Khau Rịa và Khau Choong sừng sững bao quanh Nghĩa Đô, những vệt nắng xuyên chiếu xuống dòng Nặm Luông đang chảy róc rách quanh những bản làng Tày. Một khung cảnh bình yên và thơ mộng đến lạ. Đó cũng chính là không gian cho sự xuất hiện của những ngôi nhà sàn cổ vững chãi từ bao đời nay ở Nghĩa Đô. Nghệ nhân dân gian người Tày Ma Thanh Sợi, ở bản Rịa, xã Nghĩa Đô hào hứng chia sẻ: “Ngay từ thuở xưa, người Tày Nghĩa Đô đã có phong tục làm nhà sàn rồi”.
Theo lời kể của ông Sợi và các bậc cao niên thì những ngôi ngà sàn cổ còn lại ở thung lũng Nghĩa Đô ngày nay được dựng bằng những loại gỗ quý từ những cây gỗ to trên rừng sâu. Để chuần bị đủ các nguyên vật liệu như cột, ván, sàn, cọ,... người Tày Nghĩa Đô phải vào tận rừng sâu, núi cao để kiếm tìm loại gỗ tốt lâu năm, thời gian lo nguyên liệu có thể vài ba tháng nhưng cũng khi tới cả vài năm.
Ngôi nhà sàn truyền thống |
Tập quán dựng nhà từ xưa người ta dựng theo gian nhà số lẻ là 3,5,7 gian kiêng dùng số chẵn nhất là nhà 4 gian vì số 4 trùng với số tử (sinh, lão, bệnh, tử). Bố trí trong ngôi nhà có trong ngoài, trên dưới, vị trí trang trọng nhất làm nơi thờ gia tiên.
Sự độc đáo trong cấu trúc ngôi nhà sàn người Tày Nghĩa Đô là phong tục dựng nhà theo “thỏi” (tức là theo dòng dõi, nguồn gốc xuất xứ). Truyền thuyết kể rằng, xưa kia khi nhóm người Tày từ phía Đông Bắc di cư đến đất Nghĩa Đô, họ muốn dừng lại để sinh sống nên phải lần theo ngọn cây về ở dưới gốc cây, sau chặt phá cây làm lều lán, dựng nhà cửa để ở. Về sau xây dựng thành thỏi, thỏi ấy có một tập quán là vào ngọn ở gốc. Họ đặt ra một quy định là nhà ở chỉ có một cửa ra vào ở đầu cầu thang lên xuống. Đi lên hết cầu thang bước vào cửa nhà, đi sâu vào trong nhà để ở. Do vậy, tất cả vật liệu để làm nhà bằng tre, nứa, gỗ... đều lấy đầu ngọn quay về cửa ra vào (vào ngọn, ở gốc).
Người Tày Nghĩa Đô thường dựng nhà sàn ở sườn núi hoặc lưng đồi, ít khi dựng ở bãi đất thấp. Bởi theo quan niệm của họ, ở trên cao sẽ thoáng mát, phía trước sẽ nhìn được ra xa, tránh được lụt lội và lưng tựa vào núi vững chắc. Còn hướng nhà thường chọn nhìn ra suối. Bởi suối gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Nhà sàn của đồng bào Tày Nghĩa Đô phần lớn là nhà hai mái, sàn ghép dát hoặc ván gỗ. Việc dựng ngôi nhà sàn cần rất nhiều công phu. Cầu thang lên nhà sàn làm bằng gỗ và thường có chín bậc, mỗi bậc tượng trưng cho một vía của người phụ nữ Tày. Người Tày Nghĩa Đô thường đặt ba bếp, một bếp đặt ở gian chính giữa ngôi nhà, đây là bếp chính dùng để tiếp khách và là nơi giữ lửa cho tất cả các bếp khác cũng như sưởi ấm cho cả gia đình; bếp thứ hai được đặt cạnh giường của người già với mục đích giữ ấm trong mùa Đông; bếp cuối cùng dùng để chế biến thức ăn, bếp này thường được dựng ở một gian riêng.
Ông Cổ Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Nghĩa Đô vốn là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch. Trong đó vốn văn hóa cổ truyền được đồng bào Tày hình thành, gìn giữ từ bao đời nay là yếu tố đặc biệt quan trọng để vùng đất này phát triển du lịch cộng đồng. Để làm nên bản sắc riêng của du lịch Nghĩa Đô thì những căn nhà sàn cổ đóng vai trò quan trọng”.
Những năm gần đây, chính quyền xã Nghĩa Đô đã triển khai tới từng thôn bản, từng gia đình người Tày về lộ trình phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, 100% các gia đình người Tày đã chủ động gìn giữ, sửa chữa, làm mới căn nhà sàn của mình, vừa để ở, vừa tạo không gian thoáng mát, gần gũi, dân dã cho khách du lịch khi về với Nghĩa Đô.
Cho dù cuộc sống giờ đây đã khá hơn, người dân có điều kiện xây nhà mới, song nhiều gia đình ở Nghĩa Đô vẫn giữ lại những nếp nhà sàn như để giữ lại một nét đẹp văn hóa truyền cho thế hệ sau.