Người Cơ Tu làm du lịch để bảo tồn văn hóa
Văn hóa - Thể thao 17/08/2023 14:38
Làm du lịch để bảo tồn văn hóa
Gần 20 năm qua, nhiều người Cơ Tu ở Quảng Nam, hay Đà Nẵng bảo rằng, bản làng mình đẹp như tranh vẽ giữa núi rừng Trường Sơn, bà con sống chân chất, mộc mạc, chịu thương, chịu khó làm ăn, nhưng nghèo đói mãi đeo bám. Điều đó khiến nhiều người suy nghĩ đến việc học làm du lịch để giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Như A Lăng Đợi (khu du lịch Suối Hoa), hay Alăng Như với mô hình (Homestay Đinh Như, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là những người đã tìm sách báo học hỏi, rồi nhờ những người chuyên môn về du lịch tư vấn… và cuối cùng quyết định phát triển loại hình du lịch homestay.
Hay như tại làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) nằm bên dòng sông xanh biếc, làng Bhơ Hôồng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, nét đặc trưng văn hoá đồng bào Cơ Tu. Với thế mạnh đó, từ năm 2013, Quảng Nam đã chọn làng để triển khai du lịch cộng đồng. Đến nay, ngoài làm nương rẫy, bà con nơi đây sống nhờ vào hoạt động du lịch. Người dân nơi đây đón khách bằng việc duy trì hoạt động dệt vải, đan lát; luyện tập những khúc hát giao duyên… vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống, vừa tạo nếp sinh hoạt quen thuộc.
Phát triển du lịch đều được chủ động bởi người dân địa phương thông qua sự tham gia đông đảo từ các thành phần trong cộng đồng. |
Rồi làng du lịch bắt tay vào thực hiện mô hình này, mục đích đầu tiên là bảo tồn văn hóa bản địa một cách thực tế nhất; vì du khách đến làng sẽ được trải nghiệm với bà con từ ăn, ngủ, đến sinh hoạt. Đặc biệt, các nghề truyền thống của người Cơ Tu sẽ theo đó mà hồi sinh, cồng chiêng sẽ vang lên cùng các điệu múa Tung tung da dá rộn rã giữa núi rừng. Mỗi năm, làng đón hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú, trong đó chủ yếu là khách quốc tế, nhiều nhất là khách châu Âu từ Hội An theo tour lên đây tham quan, trải nghiệm.
Còn ở xã Tà Bhing (huyện Nam Giang) cũng đang phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng của người Cơ Tu. Già làng Zuông Noonh, 70 tuổi cho biết, nhờ có mô hình này mà thu nhập được nâng lên khi bán các sản phẩm đan. Thôn Parong và 6 thôn còn lại của xã Tà Bhing đều tham gia làm du lịch cộng đồng, mỗi thôn có một nhóm làm du lịch, phụ trách một hoạt động theo thế mạnh sẵn có của từng thôn, như nhóm đời sống, nhóm ẩm thực, nhóm dệt thổ cẩm và nhóm múa. Người Cơ Tu hằng ngày vẫn làm rẫy, trồng lúa, trồng đậu, đi rừng..., chỉ ngày nào có khách tour đặt trước mới ở nhà đón khách.
Tương tự, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Tà Làng (còn gọi là Ta Lang) của đồng bào Cơ Tu ở thôn Tà Làng (xã Bha Lêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đi vào hoạt động những năm qua, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách từ các nơi. Cách làm du lịch ở làng Tà Làng có những nét riêng là dựa trên các giá trị độc đáo của văn hóa làng Cơ Tu để xây dựng và phát triển du lịch xanh. Ông A Lăng Sen, Trưởng thôn Tà Làng và cũng là một trong những hộ Cơ Tu tham gia mô hình du lịch cộng đồng cho biết: “Từ khi Làng du dịch Tà Làng đi vào hoạt động, thu hút đông khách du lịch thì bà con Cơ Tu ai nấy đều hồ hởi lắm, vui lắm. Già trẻ gái trai cũng đến xem khách họ đến làng mình làm những gì, thích cái gì nên bà con cười, nói vui vẻ rộn ràng lắm”.
Phát triển kinh tế nhờ định hướng đúng
Tại những làng du lịch cộng đồng của người Cơ Tu, trong thời gian một ngày du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa cộng đồng Cơ Tu như xem múa tâng tung da dá, thưởng thức các món ăn truyền thống; xem dệt cườm thổ cẩm tại làng Zara; cùng trải nghiệm với cuộc sống người dân… Trước những nét văn hóa nguyên sơ của đồng bào hầu hết du khách đều thích thú.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổ trưởng tổ dệt làng Zara, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang cho rằng, nhờ du lịch mà làng nghề được hồi sinh, giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là phụ nữ. Năm 2021, doanh thu từ bán sản phẩm thổ cẩm của làng hơn 160 triệu đồng, riêng 9 tháng đầu năm 2022 sản phẩm làng nghề bán ra cho du khách đã đạt hơn 90 triệu đồng. Trung bình, mỗi phụ nữ tham gia dệt thổ cẩm tại làng có thêm thu nhập 300 - 600 nghìn đồng/tháng, với những phụ nữ Cơ Tu con số này thật ý nghĩa. Đặc biệt, thông qua hoạt động du lịch thương hiệu dệt thổ cẩm Zara đã được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách khắp nơi, góp phần giúp làng nghề được gìn giữ phát triển tốt. “Tiền thu được từ bán sản phẩm dù không nhiều nhưng chúng tôi vẫn rất vui vì đã giúp giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, bà Lan tâm sự.
Điển hình như tại huyện Nam Giang, HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu có thành viên là 7/7 thôn của xã, mỗi thôn có 1 - 2 nhóm hoạt động trong các loại hình: Thuyết minh viên, đời sống, ẩm thực, dệt thổ cẩm, văn nghệ truyền thống... Tại mỗi nhóm lại có trưởng nhóm và các hướng dẫn viên riêng. Doanh thu từ phí tour của HTX mỗi năm đạt khoảng 600 triệu đồng và từ bán sản phẩm là khoảng gần 1 tỉ đồng. Du khách trong và ngoài nước đều rất ấn tượng với các hướng dẫn viên người Cơ Tu tại chỗ, bởi họ rất am hiểu văn hóa bản địa. Ngoài tiếng mẹ đẻ, họ còn thông thạo tiếng Việt và rất giỏi trong giao tiếp tiếng Anh.
Theo bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thành công của những mô hình làng du lịch cộng đồng thì rất nhiều, tuy nhiên thể hiện rõ nhất chính là đã bảo tồn tốt các giá trị văn hóa địa phương và những sinh hoạt mang tính chất cộng đồng. Ngoài ra, lợi ích từ du lịch mang lại cũng được chia sẻ cho những người tham gia vào hoạt động đón khách bằng cách thành lập quỹ của cộng đồng, vào những dịp tết, lễ lớn người dân thôn trích quỹ ra để tổ chức đâm trâu, lễ hội… Nhờ phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần giúp cho đời sống của bà con Cơ Tu trong xã Tà Bhing được nâng cao với trên 70% số hộ dân sắm được ti vi, phần lớn gia đình đều có xe gắn máy. Hơn 90% số hộ được sử dụng điện chiếu sáng, khoảng 65% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch.
Để giúp những mô hình làng du lịch cộng đồng vận hành tốt, chính quyền các địa phương đã tổ chức kêu gọi sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tham gia như ngành Văn hóa, thông tin; Giao thông; Thương mại; Công an; Y tế… với vai trò và trách nhiệm rõ ràng nhằm hỗ trợ trong việc đón khách. Và một nguyên tắc cơ bản là tất cả giai đoạn phát triển du lịch đều được chủ động bởi người dân địa phương thông qua sự tham gia đông đảo từ các thành phần trong cộng đồng và sự kết nối của người tham gia.
Đặc biệt, các nguồn lực địa phương được sử dụng trên nền tảng được tôn trọng, bảo tồn và cộng đồng địa phương là đối tượng hưởng lợi chính. Hiệu quả tác động từ mô hình du lịch này đến cộng đồng được thể hiện khá rõ trên các mặt đời sống là kinh tế, văn hóa và xã hội. Đặc biệt, sự kết nối về văn hóa giữa các thế hệ với nhau cùng kế thừa truyền thống dân tộc nhằm kiến tạo một tương lai cho cộng đồng.