Ông Bí thư mê… làn điệu chèo
Nhịp sống văn hóa 30/10/2024 07:50
Ông thường xuyên vận động con cháu trong gia đình, họ hàng và bà con dân bản chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và tham gia các phong trào ở địa phương. Vận động con cháu tích cực phát triển sản xuất; chung tay xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đoàn kết, giữ gìn tình làng nghĩa xóm; tham gia tố giác tội phạm. Có được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, ông thấy trách nhiệm của mình thêm nặng nề và càng phải cố gắng để làm được những việc có ích, xứng đáng với sự tin tưởng đó. Cùng với tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, ông còn đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm tham gia xây dựng quê hương, đóng góp ý kiến tâm huyết cùng cấp ủy, chính quyền triển khai nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội và an sinh tại địa phương.
Ông Bùi Đình Nguyên |
Đặc biệt, mặc dù tuổi cao, song ông vẫn giữ nguyên niềm đam mê với nghệ thuật chèo và các nhạc cụ dân tộc từ thuở thiếu thời. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở quê lúa Thái Bình, nơi có những điệu chèo nổi tiếng, khi mới 15 tuổi ông đã tham gia đội văn nghệ của xã. Năm 1965 ông tình nguyện tham gia dân công, đi mở đường ở các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Thái và Hải Phòng phục vụ chiến đấu. Thời gian này, ông được cử đi học lớp trung cấp nhạc và tham gia đội văn nghệ của công đoàn Cảng Hải Phòng. Sau những ngày là việc vất vả, khi nghỉ ngơi, đồng đội lại quây quần, hát cho nhau nghe. Lời ca, tiếng hát đặc biệt là các làn điệu chèo như “liều thuốc” tinh thần làm ấm lòng đồng chí, đồng đội và tiếp sức cho thanh niên tình nguyện hăng say hơn trong công việc.
NCT huyện Tam Đường tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc |
Năm 1984, theo tiếng gọi của Đảng, ông cùng gia đình lên bản Đông Phong, xã Thèn Sin để xây dựng vùng kinh tế mới. Thời gian này, ông tích cực tham gia dàn dựng các chương trình văn nghệ của xã nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. Đến nay ông có thể hát được 65 điệu chèo truyền thống và sử dụng thành thạo 4 loại nhạc cụ dân tộc là sáo, nhị, đàn tam và đàn bầu. Ngoài ra, ông còn sáng tác được nhiều tiểu phẩm và các bài thơ về nhiều chủ đề (dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, khích lệ bà con sản xuất chăn nuôi giỏi, ca ngợi NCT và phụ nữ Việt Nam…), từ đó người dân dễ hiểu, dễ nhớ, việc tuyên truyền của ông trở nên hiệu quả. Ông Nguyên cho biết: Là người con quê lúa và có sẵn máu văn nghệ nên dù công tác ở cương vị nào, khi có các chương trình văn nghệ ông đều tích cực tham gia. Mong muốn lớn nhất của ông là gìn giữ và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc thông qua những làn điệu chèo. Đến nay, ông vẫn nhiệt tình và sẵn sàng truyền dạy cho các thế hệ trẻ và những người đam mê làn điệu chèo hay nhạc dân tộc… Tiếp nối ngọn lửa tình yêu nghệ thuật của ông, hai người con của ông cũng say sưa lời ca tiếng hát và tham gia vào đội văn nghệ thôn.
Với biết bao tâm huyết và nỗ lực, trong 8 năm (từ 1990 đến 1998) làm Trưởng ban Văn hóa xã, ông đã thành lập được 4 đội văn nghệ của dân tộc Thái, Kinh, Giáy và Mông. Đội văn nghệ và cá nhân ông nhiều lần đoạt giải cao và huy chương tại các hội thi cấp tỉnh. Từ năm 1999 đến 2009, ông được bầu là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, năm 2010 được Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng ông vẫn được hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội NCT kiêm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong của xã. Mặc dù ở cương vị công tác nào ông vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở xã hoặc tham gia các chương trình, hội thi do tỉnh, huyện tổ chức.