Cần chấn chỉnh, định hướng về phát triển du lịch cộng đồng
Nghiên cứu - Trao đổi 31/10/2023 13:43
Tiềm năng và thách thức
Du lịch tại Việt Nam nói chung, và vùng đồng bào DTTS nói riêng vốn có nhiều tài nguyên để khai thác, với nhiều danh lam thắng cảnh, sự đa dang về bản sắc văn hóa. Định hướng phát triển DLCĐ đã được các ngành, các cấp xây dựng và triển khai ở nhiều địa phương, tạo tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Xu hướng du lịch của du khách cũng đã có phần thay đổi, khi DLCĐ, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS thời gian qua thu hút khá nhiều du khách. Nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Lào Cai, Hà Giang, Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ,... đã hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. DLCĐ thời gian qua đã thúc đẩy nhiều ngành kinh tế liên kết lại với nhau. Từ việc kinh doanh các loại dịch vụ nhà nghỉ homestay, buôn bán các mặt hàng truyền thống, thúc đẩy hàng hóa và dịch vụ, tạo nguồn vốn tái đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của DLCĐ cũng là “con dao hai lưỡi” với ngành dịch vụ này ở nhiều địa phương. Trong đó điểm mấu chốt là việc phát triển DLCĐ một cách tự phát mà không có sự tham vấn của các chuyên gia, sự chỉ đạo của các ngành, các cấp dẫn tới việc nhiều tour tuyến điểm du lịch mang tính tự phát, nhỏ lẻ mà chưa hình thành sự liên kết trong vùng hay liên vùng. DLCĐ tự phát và ồ ạt đã khiến cho chất lượng các sản phẩm du lịch chưa cao. Đặc biệt, DLCĐ không có sự độc đáo, sáng tạo mà nhiều nơi cũng na ná giống nhau. Như tại Tây Nguyên, DLCĐ nhưng cũng chỉ quẩn quanh ở việc thưởng thức cơm lam, gà nướng, rượu cần, nghe trình diễn cồng chiêng, tham quan nhà sàn, nhà mồ hay tạc tượng gỗ... Hay tại một số điểm DLCĐ ở phía Bắc cũng xoay quanh các sản phẩm về chợ Tình, thưởng thức ẩm thực vùng cao, chụp ảnh checkin tại các thung lũng hoa,...
Bên cạnh đó, nhiều loại hình du lịch đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS địa hình miền núi chưa được hình thành và phát huy lợi thế tài nguyên trải nghiệm du lịch sinh tồn, thể thao mạo hiểm... Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên du lịch từ danh lam thắng cảnh, từ nguồn văn hóa các dân tộc bản địa cũng chưa thực sự quan tâm gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa, giá trị tự nhiên.
Thêm nữa, DLCĐ tự phát và ồ ạt đã khiến cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là các địa bàn các bản làng vùng DTTS. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch tại vùng DTTS như thế này thiếu về số lượng, kém chất lượng bởi rất ít người được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó là các vấn đề về hủ tục, vấn đề về rác thải, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn khiến các du khách ái ngại. Đơn cử như việc nhiều du khách khi tham gia du lịch cộng đồng đã bị ngộ độc thực phẩm do không quen sử dụng các thực phẩm địa phương, cũng như việc bảo quản lưu trữ thực phẩm tại địa phương chưa được bảo đảm đúng cách đã khiến sản phẩm du lịch ẩm thực tại cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề.
Cần có sự định hướng, chấn chỉnh
Nhờ vào những ưu đãi từ thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa dân tộc mà người dân ở nhiều bản làng vùng DTTS đang từng ngày có cuộc sống tốt hơn nhờ vào làm du lịch. Nắm bắt được cơ hội này, người trẻ, người già đang từng ngày xây dựng những điểm du lịch chuyên nghiệp, khai thác được tối đa văn hóa bản địa phục vụ cho du khách. Thế nhưng việc phát triển du lịch tự phát ồ ạt cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mà chính những người làm du lịch cũng đang gặp khó, cần có sự tháo gỡ và chấn chỉnh của chính quyền, để người dân cùng với những đầu tư của mình có thể được phát triển một cách bền vững.
Để tránh DLCĐ tự phát và ồ ạt diễn ra, khiến đặc trưng của loại hình du lịch này trở nên bão hòa, kém thu hút du khách. Thời gian qua, các địa phương cũng đã hoạch định xu thế phát triển cho DLCĐ. Điển hình như tại Kon Tum, có 4 làng DLCĐ được công nhận và đầu tư để thu hút du khách. Những làng này đã giữ lại được những nét nguyên sơ nhất của không gian sinh sống, giữ lại được những nét văn hóa, lối sống, phong tục,... bản địa của đồng bào DTTS và trở thành điểm thu hút khám phá của du khách trong và ngoài nước. Như làng DLCĐ Kon Pring, từ đầu năm 2022 đến nay, đã đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống cùng dân làng. Bên cạnh thưởng thức các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, du khách cũng được hòa mình vào không gian văn hóa của người Mơ Nâm bản địa. Thông qua việc làm DLCĐ, người dân thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Điều này không chỉ giúp người dân trong làng có cuộc sống ổn định hơn, mà còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tại nhiều địa phương khác như Tây Giang (Quảng Nam), A Lưới (Huế), Minh Hóa (Quảng Bình) hay một số tỉnh Hà Giang, Yên Bái cũng xây dựng được các vùng DLCĐ đặc trưng, khai thác thế mạnh về địa hình, về sự đa dạng văn hóa mang tính bền vững nhằm giữ chân du khách hằng năm. Tuy nhiên, một số địa phương vấp phải khó khăn khi định hướng, phát triển DLCĐ. Như thiếu các chính sách khuyến khích phát triển DLCĐ, khó tiếp cận nguồn vốn vay, vấn đề vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm,...
Các địa phương phát triển DLCĐ cần chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, gắn kết trong cộng đồng. Cần hướng dẫn, tập huấn cho người dân các kĩ năng nghiệp vụ, các kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho du khách, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên môi trường để phát triển du lịch. Đặc biệt, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch để thu hút du khách giúp người dân làm du lịch để tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Không phát triển DLCĐ ồ ạt, theo phong trào, cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là việc tìm hiểu thị trường, quảng bá và các điều kiện phục vụ du khách.