Ngày hội thắm tình đoàn kết giữa các dân tộc
Nhịp sống văn hóa 19/11/2024 09:45
Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang diễn ra đúng vào dịp Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer - một trong những lễ hội lớn nhất của người Khmer với ý nghĩa tri ân Mặt Trăng và cầu mong mùa màng bội thu, đời sống sung túc. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu và thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh, giữa đồng bào Khmer với các dân tộc khác, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển và hội nhập như hiện nay.
Theo Ban tổ chức, Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng về vai trò của văn hóa truyền thống trong phát triển kinh tế - xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang năm nay được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, với nhiều hoạt động phần lễ và phần hội sôi nổi, thu hút khoảng 250.000 người đến dự.
Tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer |
Tại Ngày hội, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của người Khmer được tổ chức nhằm giữ gìn và giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, trong đó, tiêu biểu là Lễ Cúng Trăng, một trong những nghi lễ quan trọng, mang đậm nét tín ngưỡng của người Khmer. Lễ cúng được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như: Trình diễn văn nghệ, tụng kinh cầu an, thực hiện nghi thức cúng trăng và đúc cốm dẹp - một loại bánh truyền thống có ý nghĩa linh thiêng đối với đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, Ban tổ chức còn trưng bày không gian văn hóa Khmer với các hình ảnh, hiện vật về đời sống, sinh hoạt của đồng bào Khmer; giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ và dân nhạc. Cùng với đó là hoạt động hội chợ thương mại, giới thiệu sách báo và sản phẩm văn hóa của địa phương, các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Gò Quao và các khu vực khác trong tỉnh, góp phần quảng bá thương hiệu địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Trong khuôn khổ Ngày hội, nhiều hoạt động thể thao được tổ chức nhằm tôn vinh sức mạnh, sự dẻo dai, tinh thần đoàn kết, gắn bó của đồng bào Khmer, trong đó, sôi nổi nhất, thu hút sự quan tâm, cuốn hút đông đảo người dân và du khách nhất đó là Cuộc đua ghe Ngo. Cuộc đua không chỉ là một môn thể thao mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và tinh thần đồng đội của người Khmer trong lao động và sản xuất.
Ngoài Cuộc thi đua ghe Ngo, Ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi với các giải đấu thể thao truyền thống khác, như: Hội thi giàn thủy lục đẹp, kéo co, đẩy gậy, bóng đá nam,... nhằm tạo sân chơi lành mạnh, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy tinh thần thể thao trong đồng bào dân tộc.
Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê, ngụ ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, chia sẻ: “Mỗi dịp đến Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer, bản thân tôi nói riêng, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn rất vui mừng, phấn khởi. Lễ hội được tổ chức là dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ, học hỏi kinh nghiệm trong bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Mao, thông qua các hoạt động của Ngày hội không chỉ góp phần bảo tồn, quảng bá những nét đặc sắc về nghệ thuật của đồng bào Khmer mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Kiên Giang.