Lời khẩn cầu của người cao tuổi thuộc gia đình có công với cách mạng
Pháp luật - Bạn đọc 26/11/2024 09:38
Bồi thường rẻ và cưỡng chế
Theo cụ Nguyễn Thị Tám, gia đình cụ là gia đình có công với cách mạng, khi có tới 5 người tham gia kháng chiến (có 2 liệt sĩ). Mẹ chồng cụ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, còn bản thân cụ cũng tham gia đấu tranh, bảo vệ cơ sở Cách mạng...
Sau năm 1975, gia đình cụ đoàn tụ với gần 20 nhân khẩu (3 thế hệ) sinh sống chủ yếu nhờ vào việc canh tác 6.275m2 ruộng của cha mẹ chồng để lại tại ấp Long Thới, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Tháng 11/2007, UBND huyện Cần Giuộc thu hồi toàn bộ diện tích này giao Công ty TNHH Hải Sơn đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, nhưng chỉ bồi thường cho gia đình chưa tới 450 triệu đồng. Có lẽ, do nhận thấy giá đền bù quá rẻ nên hơn 7 năm sau, ngày 30/6/2014, huyện Cần Giuộc ra Quyết định số 4845, điều chỉnh hỗ trợ đền bù lên hơn 2,5 tỉ đồng.
15 năm sau khi triển khai, cụm công nghiệp vẫn là mảnh đất hoang, chỉ vài ba cơ sở hoạt động (dấu x). Đây cũng là sự lãng phí không hề nhỏ (bên trên là ảnh vệ tinh) |
Gia đình cụ không đồng ý, vì cho rằng đơn giá vẫn rất thấp, chưa tới 405.000 đồng/m2. Hơn thế, việc bồi hoàn có dấu hiệu thiên vị: Những người có thửa đất cùng vị trí như cụ Tám lại được “ưu ái” điều chỉnh giá đền bù nhiều lần, với khoản chênh lệch rất lớn. Đơn cử, gia đình bà G bị thu hồi 7.153m2, sau khi khiếu nại thì từ số tiền đền bù ban đầu 665,9 triệu đồng, năm 2015 được lên 4,78 tỉ đồng, năm 2018 lên 6,5 tỉ và năm 2019 lên 15,7 tỉ (gấp 21,5 lần mức khởi điểm). Tuy vậy, bà G vẫn chưa chấp nhận!?
Một điều khiến gia đình cụ Tám bức xúc nữa, là ngày 21/12/2015, UBND huyện ra quyết định cưỡng chế đối với 2 hộ, là gia đình cụ Tám và bà Tùng. Tuy nhiên, khi tiến hành (ngày 17/3/2016) lại “bớt” 1, chỉ còn duy nhất gia đình cụ Tám(!?). “Tại sao trong mấy chục hộ chưa chịu giao đất lại cưỡng chế 2 hộ, và trong 2 hộ ấy, chỉ nhắm vào mỗi gia đình tôi, 1 gia đình có công? Tại sao bà Tùng có 7.817m2 ruộng kế bên và cùng có quyết định cưỡng chế, song đến tận bây giờ vẫn không thi hành mà còn được nâng mức bồi thường, từ hơn 5 tỉ đồng (năm 2016) lên 21,4 tỉ đồng (năm 2019)?” - cụ bà tuổi U90 nêu câu hỏi!
Dự án “đầu Ngô mình Sở”?
Trong đơn khiếu tố gửi cơ quan chức năng, cụ Tám nêu rõ những dấu hiệu “bất cập” tại dự án này. Thứ nhất, ngày 18/7/2005 UBND tỉnh Long An ra Công văn số 2890 chấp thuận “để Công ty TNHH Hải Sơn đầu tư Cụm Công nghiệp với diện tích khoảng 92ha”. Ngày 25/5/2006, tỉnh Long An ra Công văn số 2324 nâng diện tích cụm công nghiệp từ 92ha lên 106ha (tăng 14ha). Và, ngày 2/4/2007 tỉnh ra Quyết định số 856 thu hồi 105,8ha (làm tròn) giao cho Công ty Hải Sơn “thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng cụm công nghiệp”. Tuy nhiên, hơn 2 năm sau, ngày 29/4/2009, UBND tỉnh Long An “bỗng” ban hành Quyết định số 1086 giảm quy mô cụm công nghiệp xuống còn 54,6ha. Diện tích “dôi ra” được chia làm 2 dự án: Khu dân cư - tái định cư - nhà ở công nhân (38,6ha) và Khu dân cư - tái định cư (12,4ha), cũng dành cho Công ty Hải Sơn thực hiện.
Thửa đất bị cưỡng chế của cụ Tám, từ 8 năm trước, nay vẫn hoang tàn, cỏ mọc |
Đáng lưu ý, dự án Khu dân cư - tái định cư và nhà ở công nhân, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2010, liên tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Và, tại Quyết định số 6634, ngày 21/7/2022, UBND tỉnh chính thức cho Công ty Hải Sơn chuyển dự án, từ “Xây dựng hạ tầng khu dân cư - tái định cư và nhà ở công nhân” thành “Xây dựng hạ tầng khu dân cư - tái định cư, nhà ở công nhân và xây dựng nhà ở”! Vậy, tại sao UBND tỉnh Long An lại “bất nhất” đến thế: Tăng diện tích cụm công nghiệp (từ 92ha lên 105,8ha), nhưng khi thu hồi đất xong thì cắt phân nửa chuyển sang xây dựng khu dân cư - tái định cư - nhà ở công nhân và cho doanh nghiệp này từ xây dựng hạ tầng sang phân lô, kinh doanh địa ốc?
Thứ hai, sau gần 15 năm triển khai, cụm công nghiệp vẫn hầu như “mất hút” dưới những thảm cỏ hoang khi số doanh nghiệp hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay (chủ yếu làm nhà kho). Dự án cụm công nghiệp lèo tèo, dự án khu dân cư cũng không khá hơn, dẫu Công ty đã được phép kinh doanh nhà ở thương mại. Tại Quyết định số 9155 ngày 4/10/2023, UBND tỉnh cho rằng, đến cuối năm 2023, dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, hoàn chỉnh hạ tầng... nên ra "tối hậu thư": Tháng 7/2024, phải hoàn tất mọi hạng mục để “đưa dự án vào khai thác sử dụng”!
Sau bao năm được giao đất nhưng các công trình xã hội như công viên, nhà trẻ, trường học và trung tâm y tế... vẫn chỉ là tấm biển, bất chấp tối hậu thư của UBND tỉnh (hết tháng 7/2024 phải hoàn tất dự án, đưa vào sử dụng)! |
Tuy nhiên, trước đó 5 năm, ngày 18/4/2019, Công ty Hải Sơn đã kí Hợp đồng số: 12/HĐĐC -2019 với Công ty Địa ốc Thắng Lợi. Theo đó, Công ty bán cho Thắng Lợi số nền đất lên tới 931 lô. Thực tế, Thắng Lợi đã giới thiệu rầm rộ, mở bán các lô nền tại “dự án rộng tới 103ha”, với tên Tây là “The Sol City” bằng những câu từ hết sức hấp dẫn, "lung linh, hoành tráng"!
Nguyện vọng của cụ Nguyễn Thị Tám
Ngoài 2 điểm trên, theo cụ Tám, thực chất dự án cụm công nghiệp chỉ phục vụ mục đích kinh doanh địa ốc của doanh nghiệp là chính. Điều này còn thể hiện ở việc chính quyền tỉnh giao cho Công ty Hải Sơn bồi thường giải phóng mặt bằng và chi trả tiền bồi thường cho dân (thay bằng việc Nhà nước đảm đương công tác bồi thường rồi giao đất sạch cho nhà đầu tư). Điều nữa, dấu hiệu “mượn gió” thể hiện tại dự án mang tên “cụm công nghiệp Long Thượng” là thu hồi đất bờ xôi, ruộng mật với mục đích làm cụm công nghiệp rồi chuyển hàng chục héc-ta cho doanh nghiệp tư nhân “bẻ măng” là kinh doanh địa ốc.
Cụ Tám minh chứng, 6.275m2 đất của gia đình, trừ diện tích làm hạ tầng còn chia được 60 nền (80 - 100m2/nền), nếu tính giá đang bán (3 tỉ đồng/nền) cũng thu được 180 tỉ đồng. Trừ chi phí bồi thường 2,5 tỉ đồng và các chi phí khác Công ty cũng lãi hơn trăm tỉ đồng. “Vậy, với hàng chục héc-ta được giao số tiền thu về là bao nhiêu và ai dám chắc khoản lợi khủng ấy Công ty hưởng thụ một mình?... Chính vì thế, tôi khẩn cầu các cơ quan chức năng ở Trung ương thanh tra, điều tra toàn diện dự án, xử lí nghiêm minh, khôi phục quyền, lợi ích chính đáng của không chỉ gia đinh tôi mà còn của hàng chục hộ nông dân chân chất khác” - Cụ Nguyễn Thị Tám bày tỏ nguyện vọng.