Nhà báo Phan Quang - người của "ba nhà"
Nhịp sống văn hóa 29/10/2024 10:58
Quảng Trị là vậy! Nhưng kì lạ thay, chính nơi đây lại sinh ra nhiều bậc hiền tài, văn nhân mà thời nào cũng có. Chỉ tính từ sau năm 1945 trở lại đây: Một Chế Lan Viên lừng lẫy trên thi đàn, một Trần Hoàn tài năng về âm nhạc. Trong lĩnh vực báo chí không thể không kể đến hai thủ lĩnh tên tuổi trong làng báo Việt Nam là Hồng Chương (bút danh Triệu Hải) nguyên Tổng thư kí Hội Nhà báo Việt Nam khoá IV (1983-1988) và nhà báo Phan Quang (bút danh Hải Lăng) nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (1995-2000).
Nhà báo Phan Quang được gọi là người của "ba nhà".
Nhà quản lí: Ông từng giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Báo chí (1982-1987), Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo (1985-1987), Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin (1987-1988), Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ VIII, IX, X (1987-2002).
Nhà báo lão thành Phan Quang. |
Nhà báo: Từ năm 1948, làm phóng viên báo Cứu quốc, rồi Uỷ viên biên tập báo Nhân Dân (1976-1982), Tổng Biên tập, kiêm Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (1988-2000).
Nhà văn: Không chỉ là một nhà quản lí, một nhà báo giỏi, ông còn là nhà văn với trên 20 tác phẩm đã xuất bản, bao gồm truyện, kí, tiểu luận và kí chân dung văn học, như: “Đất rừng” (truyện - in 1955), “Hẹn cưới” (truyện - 1956), “Đất nước một dải” (kí - 1959), “Đồng bằng sông Cửu Long” (kí), “Những người tôi quý mến” (Chân dung - 2002)... Ngoài ra, ông còn là một dịch giả với các cuốn “Nghìn lẻ một đêm” (1981), “Mười hai sử thi huyền thoại” (2004)...
Nhà báo Phan Quang là một nhà báo giỏi, có uy tín trong nước, có tên tuổi trên thế giới. Ông từng đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn báo chí ASEAN (CẠ), Phó Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện thế giới 3 nhiệm kì.
Nhà báo Phan Quang sinh năm 1928 tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ngay từ nhỏ, ông lên tỉnh trọ học ở nhà người anh họ, ông ham mê đọc sách, nhất là báo chí tiếng Pháp. Vốn yêu văn học, lại được sống trong môi trường tiếp xúc với nhiều sách báo, ông sớm có hoài bão đi theo nghề văn, nghề báo. Cách mạng Tháng Tám thành công, khi ấy Phan Quang mới vừa tròn 18 tuổi, ông hăng hái tham gia công tác thanh niên rồi hoạt động trong phong trào Bình dân học vụ ở Bình Trị Thiên. Năm 1948, Khu uỷ điều ông ra Khu Bốn làm báo Cứu Quốc (Liên Khu Bốn). Năm 1949, nhà báo Phan Quang bắt đầu viết truyện ngắn, tác phẩm đầu tay là “Lửa hồng” in trên báo Cứu Quốc (Liên Khu Bốn). Sau này với tư cách phóng viên, lần lượt ông tham gia các chiến dịch: Phan Đình Phùng (1951) ở Bình Trị Thiên, chiến dịch Hà Nam Ninh (1952), chiến dịch Thượng Lào (1953). Tại các chiến dịch này ông viết nhiều bài cho báo địa phương, Khu uỷ và báo Nhân Dân.
Hoà bình lập lại - sau năm 1954, nhà báo Phan Quang về nhận công tác ở báo Nhân Dân, làm phóng viên, tiếp tục viết phóng sự, bút kí báo chí. Những bài viết của ông thuộc thể loại báo chí nhưng luôn giàu chất văn học. Từ năm 1960 đến 1965, ông là Trưởng Ban Nông nghiệp, Ban Kinh tế báo Nhân Dân.
Năm 1975, khi nước nhà thống nhất, ông được cử làm Trưởng đại diện báo Nhân Dân ở miền Nam. Đây là dịp để ông có điều kiện đi viết kí, ghi chép ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng chục bài viết về vùng đất này sau được in thành tập sách “Đồng bằng sông Cửu Long”. Nhà báo Phan Quang có duyên viết phóng sự, ghi chép về nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Hoàng Tùng, nguyên là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, thủ trưởng của Phan Quang trước đây có nhận xét: "Người ta ví Phan Quang là một chuyên gia sành sỏi về nông nghiệp, nông thôn. Sự đánh giá ấy không sai chút nào...".
Nhà báo Phan Quang là người khởi xướng, đề xuất với Trung ương cho xuất bản Tạp chí Người làm báo - cơ quan ngôn luận, trao đổi nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam. Đề xuất này đã được Trung ương chấp thuận và ấn phẩm số 1 ra mắt vào tháng 8/1985 và ông là Tổng Biên tập. Đây là lần đầu tiên giới báo chí Việt Nam có một tờ tạp chí chuyên ngành. Nhà báo Phan Quang là một trong những nhà báo nổi tiếng tham gia biên soạn cuốn “Từ Điển bách khoa Việt Nam”, phụ trách biên tập, biên soạn phần thông tin - báo chí.
Nhận thấy nghề báo không thể không biết từ một đến hai ngoại ngữ, nhà báo Phan Quang là nhà báo Việt Nam đầu tiên được ghi tên vào cuốn Từ điển Thế giới “Whos who in the Word” đây là cuốn từ điển nổi tiếng, ghi đầy đủ các nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới. Những người có tên ở đây được lựa chọn theo những thành tích và trọng trách mà người đó đảm nhiệm. Cuốn từ điển này tập hợp và giới thiệu 35 nghìn nhân vật nổi tiếng thuộc tất cả các quốc tịch trên thế giới. Đọc cuốn từ điển này, người đọc, hiểu thêm thân thế, sự nghiệp, hoạt động chính trị, báo chí và tập hợp những bài viết chính của nhà báo Phan Quang.