Mong muốn một phiên toà công tâm với các bị cáo
Pháp luật - Bạn đọc 20/08/2024 17:21
Tại phiên toà, trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện bị hại cho biết, nếu thu hồi đủ gốc và lãi thì không có thiệt hại. Đến nay, Ngân hàng chưa xác định được thiệt hại và từ chối trả lời câu hỏi về cách tính thiệt hại 291 tỉ đồng của cơ quan tố tụng và câu hỏi “có công nhận thiệt hại này không”.
Bị cáo phát biểu 11 căn cứ xem xét việc định giá tài sản
Theo các luật sư tham gia phiên toà, các kết luận giám định (KLGĐ) trong tố tụng hình sự không có giá trị pháp lý do điều tra trái thẩm quyền. Bản thân các Kết luận định giá (KLĐG) này cũng vi phạm nghiêm trọng BLTTHS, Nghị định 26/2005/NĐ-CP, Thông tư 55/2006/TT-BTC, Nghị định 30/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Những vi phạm nghiêm trọng này chưa được HĐXX tại phiên tòa xét xử Sơ thẩm (lần 1) và phiên tòa Phúc thẩm TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xem xét.
Quang cảnh phiên toà |
Cũng tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân nêu lên các quan điểm sau:
Thứ 1: KLĐG (không có số) của Hội đồng định giá tỉnh Trà Vinh ngày 2/11/2016 (Bút lục số 431 và 432) căn cứ vào Quyết định số: 1449/QĐ-UBND tỉnh ngày 5/8/2013 và Quyết định số: 118/QĐUBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bổ sung ủy viên Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tỉnh Trà Vinh.
KLĐG này do UBND tỉnh Trà Vinh thành lập từ năm 2013, tuy nhiên đến năm 2014, do Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung là mâu thuẫn thẩm quyền. Theo Nghị định 26/2005, Chủ tịch UBND tỉnh không có thẩm quyền bổ sung một Quyết định do UBND tỉnh ban hành. Điều này vi phạm tố tụng nghiêm trọng, do đó, KLĐG (không số) này không có giá trị pháp lý.
Thứ 2: KLĐG (không số) của tỉnh Trà Vinh ngày 2/11/2016 (Bút lục 431) không có chữ ký của các Ủy viên hội đồng định giá. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Nghị định 26/2005/NĐ-CP của Chính phủ: “Kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả các thành viên của Hội đồng định giá tài sản và phải được lưu trong hồ sơ định giá tài sản”. Do đó, Kết luận định giá này không có giá trị pháp lý không thể dùng làm cơ sở để xem xét trong vụ án.
Thứ 3: KLĐG số: 05/KL.KLĐGTS ngày 8/3/2017 của Hội đồng định giá tỉnh Vĩnh Long (Bút lục 426) có viện dẫn cơ sở pháp lý là căn cứ vào Nghị định số: 26/2005/NĐ-CP và Thông tư 55/2006/TT-BTC nhưng không viện dẫn Quyết định thành lập Quyết định thành lập Hội đồng định giá của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vi phạm Khoản 2, Điều 5 Nghị định 26/2005/NĐ-CP của Chính phủ, nên không có giá trị pháp lý, không thể dùng làm cơ sở để xem xét trong vụ án.
Thứ 4: KLGĐ giá số 4172/KL.ĐGTS ngày 26/12/2016 (Bút lục số 412) và KLĐG số 1221/KL.ĐGTS ngày 26/4/2017 (Bút lục số 418) của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự Cần Thơ không do Chủ tịch UBND thành lập do UBND TP Cần Thơ thành lập vi phạm Khoản 2, Điều 5 Nghị định 26/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Thứ 5: KLĐG tài sản số: 142 /KL.KLĐGTSHS ngày 20/12/2016 của Hội đồng định giá tỉnh Sóc Trăng (Bút lục 399) không dựa vào giá phổ biến trên thị trường nên không có giá trị pháp lý, không thể dùng làm cơ sở để xem xét trong vụ án.
Thứ 6: KLĐG số: 08/KL-KLĐG của Hội đồng định giá tỉnh Hậu Giang ngày 5/9/2017 (Bút lục số 436) không có chữ ký của các Ủy viên hội đồng định giá. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 Nghị định số: 26/2005/NĐ-CP: “Kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả các thành viên của Hội đồng định giá tài sản và phải được lưu trong hồ sơ định giá tài sản” nên không có giá trị pháp lý.
Thứ 7: KLĐG tài sản số 12/KL-HĐĐG ngày 5/6/2018 của Hội đồng định giá tỉnh Hậu Giang (Bút lục 23599) bao gồm các thành viên đã từng tham gia định giá các tài sản tại tỉnh Hậu Giang trong năm 2017 (theo KLĐG số: 08/KL-KLĐG của Hội đồng định giá tỉnh Hậu Giang ngày 5/9/2017).
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định 30/2018/NĐ-CP về các trường hợp không được tham gia định giá tài sản: “Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá”. Vì vậy, kết luận định giá này không có giá trị pháp lý.
Thứ 8: KLĐG tài sản số 03/BKLĐGTS ngày 29/5/2018 của Hội đồng định giá tỉnh Trà Vinh (Bút lục 23591) có các thành viên hội đồng đã từng tham gia định giá các tài sản tại tỉnh Trà Vinh năm 2016. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP về các trường hợp không được tham gia định giá tài sản: “Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá”. Do đó, kết luận định giá này không có giá trị pháp lý.
Thứ 9: Kết luận định giá tài sản số 30 KLĐG.ĐGTSTTTHS ngày 6/6/2018 của Hội đồng định giá tỉnh Vĩnh Long (Bút lục 23609), có các thành viên hội đồng đã từng tham gia định giá các tài sản tại tỉnh Vĩnh Long năm 2017 (kết luận định giá số: 05/KL.KLĐGTS ngày 8/3/2017 của Hội đồng định giá tỉnh Vĩnh Long). Theo quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định 30/2018/NĐ-CP về các trường hợp không được tham gia định giá tài sản: “Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá” Vì vậy, kết luận định giá này không có giá trị pháp lý.
Thứ 10: Căn cứ theo Khoản 4, Điều 16, Nghị định 26/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Đại diện cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản, đại diện các bên đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản cần định giá được tham dự phiên họp định giá tài sản và có thể phát biểu ý kiến về việc định giá”. Tuy nhiên, tại tất cả các phiên họp định giá tài sản do các Hội đồng định giá cấp tỉnh tổ chức, các đương sự và người có quyền lợi liên quan đều không được biết, không được mời, và không được tham dự. Do đó, tất cả các kết luận định giá của các Hội đồng định giá cấp tỉnh đều không có giá trị pháp lý.
Thứ 11: KLĐG tài sản số: 01/KL-HĐĐG ngày 16/12/2020 của Hội đồng định giá theo vụ việc ở Trung ương vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và đồng thời có nhiều vi phạm nghiêm trọng theo Nghị định 30/2018/NĐ-CP. Vi phạm Khoản 2,4 Điều 101 BLTTHS 2015 quy định: “Kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng định giá tài sản. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận”.
b) Vi phạm Điểm đ, Khoản 2, Điều 19 Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018. “Điều 19. Biên bản phiên họp định giá tài sản. Biên bản phiên họp định giá tài sản phải có các nội dung chính sau đây, Điểm đ: Ý kiến của các thành viên Hội đồng và những người tham dự phiên họp định giá tài sản; ý kiến bằng văn bản của thành viên vắng mặt”.
Không có ý kiến bằng văn bản của các thành viên vắng mặt. Cụ thể: Thành viên Hội đồng Bùi Thị Bích Hằng: Vắng mặt không ý kiến. Thành viên Hội đồng Tạ Chí Nhân: Vắng mặt không ý kiến. Do đó, KLĐG số 01/KL-HĐĐG không có giá trị pháp lý.
c) Vi phạm Điểm e, Khoản 1, Điều 23, Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018. Hồ sơ định giá tài sản. Hồ sơ định giá tài sản do Hội đồng định giá lập và gồm có các tài liệu sau đây: Điểm e: Các tài liệu khác có liên quan đến việc định giá tài sản”. Trong Biên bản phiên họp số 04/BB-HĐĐG-2986 ngày 16/12/2020 của Hội đồng định giá theo vụ việc ở Trung ương kết luận… Đơn vi tư vấn chịu trách nhiệm về kết quả định giá”. Không có hồ sơ chi tiết định giá tài sản của đơn vị Công ty định giá Sài Gòn (Sagonap). Do đó, Kết luận định giá số 01/KLHĐĐG không có giá trị pháp lý.
d) Phiên họp số 04/BB-HĐĐG-2986 ngày 16/12/2020 của Hội đồng định giá theo vụ việc ở Trung ương. Thành phần có 1 Chủ tịch hội đồng, 1 Phó Chủ tịch hội đồng, 1 thư ký, 8 thành viên hội đồng. Có 2 thành viên vắng mặt không có ý kiến bằng văn bản. Thành viên Hà Trọng Vĩnh không ý kiến, thành viên Tô Văn Đáp không ý kiến, thành viên Hồ Ngọc Sơn không ý kiến. Có tổng 11 người tham dự phiên họp, 5 người không ý kiến chiếm 45.45% không ý kiến. 6 người có ý kiến chiếm 54.54%. Để phiên họp hợp lệ theo quy định, phải có ít nhất 8 thành viên có mặt và đưa ra ý kiến độc lập của mình về giá trị tài sản.
Nếu chỉ có 6 người có ý kiến (chiếm 54.54%) và 5 người không có ý kiến (chiếm 45.45%), thì phiên họp này không thỏa mãn quy định tại Điều 18, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7/3/2018, vì số thành viên có ý kiến không đạt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của hội đồng. Do đó, Kết luận định giá số 01/KL-HĐĐG không có giá trị pháp lý.
Ngoài ra toàn bộ hồ sơ định giá chi tiết của tất cả Kết luận định giá trong tố tụng hình sự không có trong hồ sơ vụ án. Chứng cứ bao gồm các kết luận định giá trong tố tụng hình sự không có giá trị pháp lý do điều tra trái thẩm quyền. Bản thân các KLĐG này lại vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Nghị định 26/2005/NĐ-CP, Thông tư 55/2006/TT-BTC và Nghị định 30/2018/NĐ-CP. Tại phiên tòa xét xử Sơ thẩm lần thứ nhất, Hội đồng xét xử trong phiên sơ thẩm lần thứ nhất đã nhận định là các kết luận định giá chỉ mang giá trị tham khảo không thể dùng làm căn cứ giải quyết vụ án.
Kết quả định giá tài sản không phản ánh đúng giá trị thực tế
Căn cứ năm 2012, Agribank Cần Thơ định giá tài sản số 12 Nguyễn Trãi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ với giá 231 tỷ đồng. Năm 2015, Agribank chi nhánh Cần Thơ đã thuê Công ty Thẩm định giá độc lập để thẩm định giá trị tài sản, kết quả thẩm định là 225 tỷ đồng. Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân thẩm định tài sản này ở mức 258 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm (lần 2) |
Ngày 22/6/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận số 978/KL-TTCP về việc chấp hành chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác của UBND TP Cần Thơ. Trong đó, xác nhận giá trị khu đất tại 12 Nguyễn Trãi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ là 233 tỷ đồng. Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu: “Căn cứ kết luận thanh tra, UBND TP Cần Thơ và các cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện” Thông báo số 427/TB-VPCP ngày 9/11/2018. Ngày 16/12/2020, Hội đồng thẩm định giá Trung ương phát hành Kết luận định giá tài sản số 01/KL-HĐĐG. Nội dung kết luận này thống nhất giá trị quyền sử dụng đất khu 12 Nguyễn Trãi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tại thời điểm 3/2013 do đơn vị tư vấn xác định là 104 tỷ đồng.
Trong 5 kết quả thẩm định giá được thực hiện bởi các công ty chuyên môn và Thanh tra Chính phủ, 4 kết quả đưa ra giá trị tương đương nhau, chỉ có 1 kết quả khác biệt đáng kể, chỉ bằng khoảng 40% so với các kết quả còn lại (kết quả của Công ty Cổ phần Thẩm định giá Sài Gòn - Sagonap).
Quan hệ giữa các bên là quan hệ dân sự, không phải hình sự
Căn cứ vào văn bản yêu cầu thanh lý hợp đồng được ký vào tháng 2/11/2015 của Công ty Tây Nam, Agribank chi nhánh Cần Thơ đã khởi kiện vụ án dân sự tại TAND quận Ninh Kiều. Ngày 24/12/2015, Công an An ninh điều tra Công an Cần Thơ đã khởi tố vụ án và yêu cầu Tòa án Quận Ninh Kiều tạm dừng xét xử. Tuy nhiên, không có cá nhân hay tổ chức nào, bao gồm Agribank Cần Thơ, Agribank Việt Nam, Công ty Tây Nam, cá nhân bị cáo Nhân và những người khác, nhận được thông báo hay tống đạt Quyết định khởi tố vụ án. Các bút lục trong hồ sơ vụ án cũng không thể tìm thấy thông tin này. Điều này đặt ra câu hỏi: Phải chăng có hành vi ký lùi ngày khởi tố vụ án sau khi biết được thông tin TAND quận Ninh Kiều đang thụ lý xét xử vụ tranh chấp thương mại giữa Công ty Tây Nam và Agribank Cần Thơ? Mục đích của việc này có phải để ngăn chặn phát mãi tài sản thu hồi nợ hay không? Tại sao Cơ quan tố tụng TP Cần Thơ biết rõ việc điều tra là trái thẩm quyền, nhưng vẫn ra quyết định khởi tố mà không thực hiện tống đạt và thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo đúng quy định pháp luật? Rất mong nhận được sự trả lời từ đại diện Viện KSND TP Cần Thơ liên quan về vấn đề này, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét kỹ tình tiết này.
Tại phiên toà, bị cáo Nhân cho biết, chủ động đem tài sản 51 Nguyễn Trãi vào thế chấp tại Ngân hàng Agribank. Dự án được ký 3 bên cam kết đầu tư, Agribank Cần Thơ 289 tỷ , BIDV Vị Thanh (đã đổi tên là BIDV Tây Nam) 200 tỷ (đã không thực hiện cam kết), Công ty Tây Nam 200 tỷ (tương đương 29.02% vốn đầu tư dự án). Cuối năm 2011, sau khi thông tin trúng đấu giá tài sản 51 Nguyễn Trãi được công bố, bà Lan Phương, Phó Giám đốc ngân hàng BIDV Vị thanh (nay là BIDV Tây Nam) trao đổi với bị cáo trên xe trên đường từ Vị Thanh đi Kiên Giang (Bà Phương mời bị cáo Nhân đi cùng, lúc đó có hội nghị của BIDV ở Kiên Giang). Trên xe bà Phương nói: “Anh Thức (Ông Nguyễn Hoàng Thức, Giám đốc BIDV Vị Thanh nói với bà Phương là nói với anh Nhân cho mượn sổ đỏ 51 Nguyễn Trãi để thế chấp vay vốn đáo nợ ngân hàng, xong rồi giải chấp trả lại. Tôi hỏi đáo nợ bao nhiêu, bà Phương nói khoản 250 tỷ. Lúc nghe tôi rất sốc, tôi suy nghĩ, hiện giờ bên BIDV Vị Thanh (BIDV Tây Nam) cam kết đầu tư dự án là 200 tỷ, dự án đã khởi công xây dựng rồi, nếu từ chối thì có thể bị ép từ chối cho vay, nếu đồng ý thì lỡ bị dính 1 chùm vào, lúc đó chết chắc”.
Tôi liền nhanh miệng trả lời bà Lan Phương: Ngân hàng Agribank Cần Thơ yêu cầu phải thế chấp tài sản riêng, nên đã dùng 51 Nguyễn Trãi thế chấp rồi. Bà Phương nghe xong im lặng không nói gì. Khi về lại Cần thơ, tôi ngay lập tức đem sổ đỏ đến chi nhánh Agribank Cần Thơ gặp Liệu và yêu cầu được thế chấp, nội dung đã nói phía trên. (Nội dung này, trong lời khai của bị cáo Nhân, nhiều lần thể hiện rất rõ).
Đó cũng là lý do giải thích tại sao Công ty TNHH MTV Tây Nam được giải ngân mà không cần tài sản thế chấp. Ngân hàng Agribank Cần Thơ không yêu cầu thế chấp tài sản riêng, mà dự án hoàn thành trong tương lai sẽ được xem như là tài sản thế chấp. Đây là một thực tế của chính sách tín dụng quốc gia, nơi các dự án có thể được thực hiện mà không cần thế chấp tài sản riêng. Điều này cũng phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Từ những căn cứ pháp lý đã trình bày, dự án Nông thủy sản Tây Nam không cần phải thế chấp tài sản riêng. Cụ thể, Agribank Cần Thơ đã giải ngân trước khi tài sản tại địa chỉ 51 Nguyễn Trãi được thực hiện thế chấp. Nguyên tắc của việc vay vốn đầu tư dự án là thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, điều này đã được đại diện Ngân hàng Agribank Việt Nam xác nhận nhiều lần tại phiên tòa sơ thẩm (lần 1).
“Việc thế chấp tài sản tại 51 Nguyễn Trãi, là bị cáo tự nguyện và không bắt buộc. Toàn bộ tài sản của dự án Nông thủy sản Tây Nam vẫn còn nguyên vẹn, không thế chấp cho bất kỳ ai. Do đó, không có động cơ nào để nâng khống giá trị tài sản đảm bảo nhằm mục đích cho vay. Nội dung truy tố của Viện KSND TP Cần Thơ về việc nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để cho vay là không đúng và không có cơ sở pháp luật. Bị cáo mong một phiên toà công tâm với tất cả các bị cáo”, bị cáo Nhân nói lời kết thúc phần hỏi của mình tại phiên xét xử.
Phiên toà tiếp tục xét xử với phần tranh luận trong phiên xử tiếp theo.