Hơn 35 năm bị cắt chế độ, hàng chồng đơn gửi khắp nơi chưa được giải quyết dứt điểm

Pháp luật - Bạn đọc 13/02/2025 10:40
![]() |
Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn, Công ty TNHH Minh Gia, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. |
PV: Qua theo dõi TAND các cấp xét xử vụ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân và các bị cáo tại Ngân hàng, phía Ngân hàng xác nhận chưa có thiệt hại, đâu là căn cứ để Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án các bị cáo?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn: Theo quy định pháp luật hiện hành, để cấu thành tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, yếu tố thiệt hại thực tế là bắt buộc. Tuy nhiên, trong vụ án này, đại diện Ngân hàng - dù nhiều lần từ chối vai trò là bên bị hại - vẫn khẳng định trước tòa rằng: “Chưa có thiệt hại, chưa xác định được thiệt hại thực tế”. Căn cứ nào để buộc tội các cán bộ ngân hàng khi không có thiệt hại phát sinh từ giao dịch tín dụng? Tại sao các kết luận định giá thiếu minh bạch, chứa đựng sai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bỏ qua các cảnh báo nội bộ từ thành viên Hội đồng định giá lại được sử dụng làm cơ sở buộc tội?
Hội đồng xét xử sơ thẩm lần 2 dựa vào các kết luận định giá (KLĐG) để xác định thiệt hại, nhưng những KLĐG này không đáp ứng yêu cầu pháp lí, dẫn đến căn cứ thiếu cơ sở. Các sai phạm bao gồm: Thiếu hồ sơ chi tiết, không đủ chữ kí thành viên, sai thẩm quyền thành lập, vi phạm quy trình định giá, loại trừ người có quyền lợi liên quan và định giá thấp hơn nhiều lần so với thực tế.
Đặc biệt, KLĐG tài sản số 01/KL-HĐĐG ngày 16/12/2020 của Hội đồng định giá theo vụ việc ở Trung ương có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị định 30/2018/NĐ-CP của Chính phủ, như: Thiếu chữ kí và ý kiến của thành viên; Không đủ số lượng ý kiến hợp lệ; Thiếu hồ sơ chi tiết định giá; Sử dụng kết quả định giá có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tại Văn bản số: 04/HĐĐG-TGV ngày 4/6/2020 (BL 24959), Hội đồng định giá (HĐĐG) Trung ương khẳng định: “Giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất số 12 Nguyễn Trãi là giá đất thị trường tại thời điểm trúng đấu giá. Do vậy, HĐĐG theo vụ việc ở Trung ương thống nhất không định giá lại khu đất số 12 Nguyễn Trãi tại thời điểm tháng 9 năm 2012”.
Tuy nhiên, theo Kết luận số: 978 của Thanh tra Chính phủ, giá trị khởi điểm để đấu giá khu đất số 12 Nguyễn Trãi lẽ ra phải được xác định ở mức 233 tỉ đồng. HĐĐG Trung ương đã chấp nhận kết quả đấu giá dù có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình xác định giá trị khởi điểm.
Ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên HĐĐG Trung ương, nhận xét: “Việc lấy tài sản so sánh là đất ở, khác mục đích, để so sánh với tài sản định giá là đất sản xuất kinh doanh là không phù hợp với quy định”. Nhận định này không chỉ làm rõ sai phạm trong phương pháp định giá của Công ty Định giá Sài Gòn mà còn phản ánh việc HĐĐG Trung ương đã “phớt lờ” các cảnh báo nội bộ, chấp nhận một kết quả sai quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Công ty Định giá Sài Gòn đã sử dụng đất ở tại một vị trí không được công bố rõ ràng, với diện tích không xác định, để so sánh với khu đất hơn 2.500m² (được xem là “đất vàng”) tại trung tâm TP Cần Thơ.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao hồ sơ định giá chi tiết của Công ty Định giá Sài Gòn không có trong hồ sơ vụ án? Việc thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định pháp luật không được thực hiện?
Dù các bị cáo và luật sư bảo vệ nhiều lần kiến nghị HĐXX thu thập, bổ sung tài liệu để làm rõ căn cứ xác định thiệt hại, các yêu cầu này đều bị từ chối. Việc này không chỉ khiến quá trình xác định thiệt hại thiếu cơ sở pháp lí mà còn dấy lên nghi vấn có điều gì đó bị che giấu trong quá trình định giá?
PV: Cán bộ ngân hàng định giá sát giá Thanh tra Chính phủ, HĐXX vẫn cho rằng “nâng khống”giá?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn: Một điểm mấu chốt trong vụ án là giá trị tài sản bảo đảm được ngân hàng thẩm định gần như trùng khớp với kết luận của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể, tài sản tại số 12 Nguyễn Trãi, TP Cần Thơ được ngân hàng thẩm định 231 tỉ đồng (2012), trong khi Kết luận 978/KL-TTCP (2018) xác định là 233 tỉ đồng.
Sự tương đồng này chứng minh rằng quá trình định giá của ngân hàng không chỉ phù hợp với thực tế mà còn bảo đảm các tiêu chuẩn về định giá, do đó cáo buộc “nâng khống giá trị tài sản bảo đảm” là thiếu cơ sở. Dẫn đến lập luận buộc tội các bị cáo “gây thiệt hại” cho Agribank trở nên vô lí.
Hơn nữa, HĐXX cấp sơ thẩm kiến nghị và đề nghị cơ quan điều tra cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các cá nhân theo Kết luận số: 978/KL-TTCP ngày 22/6/2018 của Thanh tra Chính phủ. Hội đồng xét xử đã làm rõ các căn cứ pháp lí, nhưng một nghịch lí xuất hiện, các cán bộ Ngân hàng, những người đã thẩm định giá trị tài sản tương đương với kết luận của Thanh tra Chính phủ, lại bị xem là có tội?
PV: Phía Ngân hàng xác nhận chưa có thiệt hại, HĐXX sơ thẩm cũng không yêu cầu các bị cáo bồi thường, nhưng vẫn tuyên phạt tù các bị cáo có đúng quy định pháp luật?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn: Trong bản án sơ thẩm, HĐXX nhận định rằng, thiệt hại của ngân hàng là 291.216.657.701 đồng, dựa trên kết quả định giá có giá trị thấp hơn tổng dư nợ. HĐXX khẳng định mức thiệt hại này là căn cứ xử lí hình sự các bị cáo.
Tuy nhiên, HĐXX không yêu cầu bất kì bị cáo nào bồi thường thiệt hại, dù đã sử dụng các kết luận định giá có vi phạm để xác định thiệt hại và lượng hình. Mâu thuẫn này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc pháp lí, bởi theo Điều 584 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, trong các vụ án vi phạm quy định cho vay, trách nhiệm bồi thường chỉ phát sinh khi có hành vi trái luật, thiệt hại thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại.
Nếu thiệt hại do nhiều người gây ra, Điều 587 BLDS năm 2015 quy định họ phải liên đới bồi thường theo mức độ lỗi. Công văn số: 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TAND Tối cao cũng khẳng định, trong các vụ án có đồng phạm, trách nhiệm bồi thường phải tuân theo quy định này.
Bản án sơ thẩm vừa xác định có thiệt hại, vừa không yêu cầu bồi thường, tạo ra nghịch lí pháp lí nghiêm trọng. Nếu không có thiệt hại thực tế, trách nhiệm bồi thường không thể phát sinh. Đặc biệt, trong các vụ án vi phạm quy định cho vay, thiệt hại là điều kiện tiên quyết để xác định tội phạm. Khi không có thiệt hại, không có yêu cầu bồi thường, HĐXX cũng không yêu cầu bồi thường, câu hỏi đặt ra là cơ sở nào để xem xét phạt tù đối với các bị cáo?
PV: HĐXX cấp sơ thẩm xác định các bị cáo vi phạm pháp luật, tuyên phạt tù cán bộ ngân hàng, đại diện doanh nghiệp (bên vay), nhưng đồng thời buộc bên vay phải trả cả gốc lẫn lãi phát sinh, điều này có phù hợp với quy định của pháp luật?
Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn: Trong vụ án này, bản án sơ thẩm đã xác định các công ty, các cá nhân, các hợp đồng vay đã vi phạm pháp luật với tội danh “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, HĐXX cấp sơ thẩm lại công nhận giá trị pháp lí của các hợp đồng tín dụng và buộc bên vay phải trả cả gốc lẫn lãi phát sinh đến thời điểm hiện tại.
Điều này dẫn đến một nghịch lí pháp lí là theo Điều 123 BLDS năm 2015, hợp đồng vi phạm pháp luật không có hiệu lực. Nếu các hợp đồng tín dụng đã bị xác định vi phạm pháp luật, thì rõ ràng chúng phải vô hiệu. Ngoài ra, Điều 131 BLDS năm 2015 quy định về hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu, nhấn mạnh rằng, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận. Việc buộc bên vay phải trả cả gốc lẫn lãi phát sinh trong khi hợp đồng bị coi là vi phạm đã đi ngược lại nguyên tắc này.
Quan điểm cá nhân tôi, với cách áp dụng pháp luật của HĐXX cấp sơ thẩm như trên không chỉ gây mâu thuẫn trong bản án, mà còn xói mòn niềm tin doanh nghiệp vào môi trường pháp lí. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp ở TP Cần Thơ, mà còn liên quan đến sự an toàn pháp lí của doanh nghiệp nói chung. Rất mong cấp Toà án phúc thẩm xem xét thấu đáo, toàn diện về vụ án, đưa ra phán quyết công minh, đúng quy định của pháp luật.
PV: Trân trọng cảm ơn Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn!