Dư luận mong một bản án công tâm, đúng pháp luật
Tin pháp luật 24/08/2024 13:43
Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế?
Tại buổi tranh luận, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Văn phòng Luật sư Vạn Lý, bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Hải (nguyên Giám đốc Agribank - Chi nhánh TP Cần Thơ) thực hiện tranh luận.
Phiên tranh luận tại phiên xét xử ngày 21/8/2024 |
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đức, vụ án có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế thể hiện: Hợp đồng tín dụng số 01, Điều 4 (thời hạn 120 tháng) ký kết vào năm 2012 nhưng chỉ đến năm 2015, cơ quan an ninh điều tra đã rút hồ sơ khởi tố vụ án. Mặc dù các bị cáo và ngân hàng đã nhiều lần đề nghị được bán tài sản để thu hồi nợ, nhưng đề nghị này không được đáp ứng.
Trong quá trình điều tra đã có 11 lần giám định giá trị tài sản, với kết luận đầu tiên vào năm 2016 và cuối cùng vào năm 2020. Đáng chú ý, khi khởi tố vụ án vào năm 2015, có dấu hiệu cho thấy tội danh đã được định sẵn và sau đó mới tìm kiếm chứng cứ. Sự việc này trái với Điều 179, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, quy định khi khởi tố phải thỏa mãn yếu tố hành vi và thiệt hại – tức phải có thiệt hại thực tế thì khởi tố điều tra.
Viện KSND TP Cần Thơ căn cứ vào kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Cần Thơ để đưa ra quyết định. Hơn thế, Kết luận số: 987 Viện KSND đánh giá không có giá trị cũng không đủ thuyết phục. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu Thanh tra Chính phủ xác định liệu Kết luận số: 987 có giá trị hay không? Trong trường hợp Viện KSND không có phản hồi đối đáp, đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận điều này. Ngoài ra, trong Kết luận định giá tài sản số 12 Nguyễn Trãi, việc so sánh tài sản 126 m² với mảnh đất 2.500 m² là chưa đúng quy định pháp luật. Việc lấy tài sản nằm trong vụ án để so sánh giá trị với tài sản khác là hành vi có dấu hiệu vi phạm.
Cần xác định chính xác cách tính thiệt hại và vai trò của bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân
Cũng trong buổi tranh luận tại Toà, Luật sư Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty luật Bảo Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân nêu 3 điểm mà Viện KSND chưa đề cập hoặc đề cập hoặc không đầy đủ như: Viện KSND cần phải xác định cách tính thiệt hại trong vụ án; Vai trò bị cáo Nhân trong vụ án này là gì? Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục hay người giúp sức? Việc xử lý tài sản đảm bảo thực hiện như thế nào?
Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đại diện Viện KSND chưa đối đáp thỏa mãn. Luật sư Sơn nêu 4 điểm về: Thẩm quyền điều tra; Viện KSND tiến hành truy tố ngược theo nguyên tắc cơ bản pháp luật Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) là phải xác định thiệt hại trước. Tại đến thời điểm hiện tại hợp đồng dân sự chưa được giải quyết nên không thể xác định theo Điều 179 BLHS. Viện KSND cho rằng, việc nâng khống, thì theo pháp luật đây là hành vi vi phạm pháp luật, theo qui định đây là hợp đồng vô hiệu và hậu quả hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, Viện KSND đã “trách” và tính theo hợp đồng có lãi, có giá trị pháp lý. Vai trò của bị cáo Nhân là gì trong 4 vai trò theo qui định pháp luật là: Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục hay người giúp sức, cáo trạng và Viện KSND cũng không nêu vai trò.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn, Công Ty Luật Minh Gia, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, thực hiện tranh luận cho rằng, Viện KSND trả lời không trọng tâm. Nội dung Viện KSND căn cứ vào lời khai của các bị cáo trong hồ sơ nhưng không căn cứ vào quá trình thẩm vấn tại phiên tòa và một số lời khai khác của bị cáo thể hiện các bị cáo không bàn bạc, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo (lời khai bị cáo Hải, Liệu, Nhân).
Về xác định thiệt hại: Viện KSND viện dẫn đại diện ngân hàng có thừa nhận thiệt hại, tuy nhiên không phù hợp bởi lẽ tại hồ sơ, văn bản của ngân hàng gửi Hội đồng xét xử. Đặc biệt, tại phiên toà, Đại diện ngân hàng xác định chưa có thiệt hại và cũng chưa xác định được thiệt hại. Quan điểm Viện KSND về bị cáo Nhân chịu trách nhiệm tại các pháp nhân là không đúng quy định pháp luật, không đúng thực tế khách quan, không đúng theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 về quyền thành lập, góp vốn, chuyển nhượng, cho tặng. Ngoài ra, hồ sơ đăng ký kinh doanh tại thời điểm vay vốn và trước đó không thể hiện, không có hợp đồng lao động, không được uỷ quyền, không đại diện.
Các bị cáo tại phiên tranh luận |
Sau khi lắng nghe phần tranh luận đối đáp từ đại diện Viện KSND, các luật sư, bị cáo Nhân cho rằng, vụ án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 24/12/2015 đến ngày 11/8/2022. Giai đoạn 2 từ 11/8/2022 cho đến nay. Bị cáo tranh luận ở giai đoạn 1 từ 24/12/2015 đến ngày 11/8/2022. Trong giai đoạn 1, ngày 24/12/2015, Cơ quan tiến hành tố tụng TP Cần Thơ tiến hành khởi tố điều tra không đúng thẩm quyền, vi phạm Pháp lệnh Về tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2006 và 2009). Từ đó, bị cáo Nhân có 6 nội dung tranh luận và đề nghị Đại diện Viện KSND TP Cần Thơ thực hiện đối đáp:
Thư nhất: Nguyên nhân gì khiến Cơ quan tố tụng TP Cần Thơ đã điều tra trái thẩm quyền trong giai đoạn từ ngày 24/12/2015 đến ngày 11/8/2022. Thời điểm trước ngày 24/12/2015?
Thư hai: Có hay không việc Cơ quan ANĐT Công an TP Cần Thơ đã từ chối tiếp nhận khởi tố điều tra vụ án do không có căn cứ phạm tội?
Thư ba: Toàn bộ chứng cứ thu thập bao gồm các kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự trong giai đoạn điều tra trái thẩm quyền từ ngày 24/12/2015 đến ngày 11/8/2022 có giá trị pháp lý hay không? Quá trình điều tra lại được thực hiện có tuân thủ quy định tố tụng hình sự hay không khi toàn bộ chứng cứ thu thập trong giai đoạn điều tra trái thẩm quyền từ ngày 24/12/2015 đến ngày 11/8/2022 đều không có giá trị pháp lý?
Thư tư: Ngày 24/12/2015, Cơ quan ANĐT Công an TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án và yêu cầu Tòa án quận Ninh Kiều tạm dừng xét xử. Tuy nhiên, không có cá nhân hay tổ chức nào, bao gồm Agribank - Chi nhánh TP Cần Thơ, Agribank Việt Nam, Công ty Nông Thủy Sản Tây Nam, cá nhân bị cáo và những người khác, nhận được thông báo hay tống đạt Quyết định khởi tố vụ án. Các bút lục trong hồ sơ vụ án cũng không thể tìm thấy thông tin này. Tại sao Cơ quan tố tụng TP Cần Thơ biết rõ việc điều tra là trái thẩm quyền, nhưng vẫn ra quyết định khởi tố mà không thực hiện tống đạt và thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo đúng quy định pháp luật?
Thứ năm: Ngay sau ngày 16/6/2016, bị cáo đã nhiều lần viết đơn, hỏi và đề nghị trực tiếp với điều tra viên với 3 nội dung: Cơ quan ANĐT Công an TP Cần Thơ thực hiện bắt tạm giam điều tra là trái thẩm quyền; Cơ quan ANĐT Công An TP Cần Thơ bắt tạm giam với cáo buộc là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vậy bị cáo đã chiếm đoạt tài sản của ai và chiếm đoạt cái gì? Đề nghị được ủy quyền cho bố bị cáo để thực hiện việc thanh lý hợp đồng, phát mãi tài sản để Agribank chi nhánh Cần Thơ thu hồi nợ. Nhưng toàn bộ 3 nội dung này đề không được Cơ quan tố tụng TP Cần Thơ trả lời?
Thứ sáu: Khoảng tháng 5/2017, Điều tra viên có dẫn đại diện của Agribank - Chi nhánh TP Cần Thơ đến gặp bị cáo 2 lần. Lần 1 không có luật sư tham gia nên bị cáo đã từ chối làm việc. Lần 2 có luật sư của bị cáo tham gia, với nội dung như sau:
“Vào ngày 2/11/2015, Công ty TNHH MTV Nông Thủy Sản Tây Nam đã gửi đơn yêu cầu thanh lý hợp đồng tới Agribank Chi nhánh TP Cần Thơ. Tuy nhiên, do hai bên không đạt được thỏa thuận về mức lãi suất, nên đã đồng ý đưa vụ việc ra tòa án để giải quyết tranh chấp thương mại. Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan ANĐT, đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam và đề nghị TAND quận Ninh Kiều tạm dừng việc xét xử. Quyết định này gây cản trở quyền lợi hợp pháp của Agribank Chi nhánh Cần Thơ và Công ty Tây Nam, bao gồm quyền thu hồi nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, đồng thời cũng ngăn cản quyền được trả nợ của Công ty Tây Nam. Vụ việc đã kéo dài hơn một năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán bộ công nhân viên, hoạt động kinh doanh của Agribank - Chi nhánh TP Cần Thơ nói riêng và toàn hệ thống Agribank Việt Nam nói chung, cũng như tác động tiêu cực đến Công ty Tây Nam và cá nhân tôi. Hậu quả này hiện nay rất lớn, tôi từ chối giải quyết hộ, giải quyết thay hậu quả này. Tôi đang chờ quyết định của Tòa án, và quyết định tòa án là quyết định buộc mọi người phải tuân theo”.
Trong vòng tranh luận đối đáp thứ hai, đại diện Viện KSND không thực hiện đối đáp đối với 6 quan điểm mà bị cáo Nhân trình bày. Bị cáo Nhân đã yêu cầu Hội đồng xét xử ghi nhận việc Viện KSND không thực hiện quyền đối đáp này.
Vào vòng thứ ba của phiên tòa, sau khi các luật sư đã hoàn thành phần tranh luận đối đáp, Thẩm phán chủ tọa đã yêu cầu đại diện Viện KSND phải phản hồi đầy đủ các lập luận mà phía luật sư đã nêu ra. Một trong những điểm quan trọng được nhiều luật sư tập trung làm rõ là vai trò đồng phạm của bị cáo Nhân trong vụ án. Cụ thể, các luật sư yêu cầu xác định rõ bị cáo Nhân thuộc vai trò nào trong bốn vai trò pháp lý theo quy định, bao gồm: Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, hay người giúp sức.
Đại diện Viện KSND sau đó đã xác định vai trò của bị cáo Nhân vừa là người thực hành, vừa là người giúp sức.
Kết thúc phần tranh luận tại toà ngày 21/8/2024, bị cáo Nhân nêu: “Đã gần 9 năm kể từ ngày khởi tố vụ án, đây là lần đầu tiên tôi, các luật sư và gia đình tôi biết được Viện KSND TP Cần Thơ truy tố tôi với vai trò gì. Viện KSND xác định vai trò của tôi vừa là người thực hành vừa là người xúi giục. Theo qui định pháp luật tôi không thể là người thực hành vì đây là chủ thể đặt biệt. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, công bố cáo trạng, luận tội, xét hỏi, tranh luận, tôi không tìm thấy bất kỳ thông tin hoặc từ ngữ nào mô tả vai trò xúi giục. Tất cả những gì mô tả tôi, giống như “một đấng toàn năng” có thể sai bảo Giám đốc và nhân viên ngân hàng như vậy”.
Kết thúc phần tranh luận, HĐXX vào nghị án và cho biết sẽ tuyên án vào sáng 26/8/2024.