Liên quan đến Dự án KĐTM Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng: Phó Chủ tịch UBND huyện nói một đằng, làm một nẻo?
Pháp luật - Bạn đọc 04/06/2019 16:11
Bà Trần Thị Nguyệt Anh cho biết, gia đình bà đang trong quá trình chờ giải quyết đơn khiếu nại, thì một số cán bộ huyện đã tự ý phá khóa cửa, hủy hoại và chở nhiều tài sản của gia đình đi nơi khác. Điều bức xúc nhất, một phần nhà xưởng của gia đình bà Anh, diện tích 115,3m2 nằm trong giai đoạn 2, chưa có quyết định thu hồi đất, nhưng cũng bị cưỡng chế, phá dỡ. Bà Anh thắc mắc: “Tại sao Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ những phản ánh của người dân, mà huyện Thủy Nguyên lại cưỡng chế thần tốc, làm mất đi hiện trạng ban đầu? Trong lúc chưa trả lời đơn của dân đã hủy hoại tài sản, phi tang chứng cứ, đẩy chúng tôi vào cảnh màn trời, chiếu đất. Nhà cửa gia đình tôi chưa có quyết định thu hồi, chưa lên phương án bồi thường, nhưng đã tổ chức lực lượng cưỡng chế. Việc cắt khóa, hủy hoại tài sản, lấy tài sản của chúng tôi như thế, cần phải truy cứu tránh nhiệm hình sự và phải đền bù thiệt hại…”.
Nhà của bà Trần Thị Nguyệt Anh trước khi bị phá dỡ |
Bà Nguyễn Thị Thơm, thôn Bính B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên cho rằng, một số cán bộ UBND huyện Thủy Nguyên coi thường chỉ thị của Phó Thủ tướng. Bởi sự việc đang trong quá trình thanh tra, giải quyết đơn của người dân, thì UBND huyện lại tổ chức cưỡng chế, hủy hoại tài sản, làm sai lệch hiện trạng tài sản, đất đai của người dân. Trước đó, UBND huyện trong các cuộc họp với người dân, không trả lời được những ý kiến, tố cáo của người dân về những sai phạm tại dự án. UBND huyện không giải quyết được quyền lợi cho người dân là đúng hay sai?
Bà Trần Thị Nguyệt Anh bức xúc về việc tài sản của gia đình bà bị hủy hoại |
Thế nhưng, quyết định cưỡng chế đưa ngày 29/3/2019, thì ngày 2/4/2019, đã cưỡng chế là không đúng quy định tại khoản 3, Điều 5 của Nghị định 166/2013/NĐ-CP thời hạn tối thiểu để thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày kể từ ngày người vi phạm nhận được quyết định cưỡng chế. Người dân không được có mặt tại khu đất của gia đình mình, thành phần cưỡng chế gồm những ai? Người dân không biết. Theo bà Thơm, đó là hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Gia đình nhà bà Nguyễn Thị Thơm búc xúc về việc tài sản bị hủy hoại khi công văn cưỡng chế về đến nhà bà trưa ngày 1/4 thì sáng mùng 2/4/2019 đã bị cưỡng chế |
Bà Thơm mong các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết, để cuộc sống người dân được ổn định. Bà Thơm cho biết thêm, tới ngày 21/5/2019, gần hết hạn báo cáo Thủ tướng theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nhưng vẫn chưa thấy đoàn Thanh tra Chính phủ xuống liên hệ, để làm rõ nội dung đơn tố cáo của bà và một số công dân. Việc lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên chưa báo cáo Thủ tướng, chưa có văn bản trả lời đơn khiếu nại của công dân, đã tiến hành cưỡng chế là vi phạm pháp luật, làm mất đi hiện trạng ban đầu, gây khó khăn cho việc tính toán bồi thường.
Ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo nội dung đơn thư của bà Nguyễn Thị Thơm và một số hộ dân tại đây trong tháng 5 năm 2019 |
Ngày 1/3/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cần kiểm tra, rà soát các nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Nguyễn Thị Thơm và một số công dân, liên quan tới “siêu” dự án 10.000 tỉ đồng của KĐTM Bắc sông Cấm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2019. Khi phóng viên liên hệ với ông Đinh Chính Quyền, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên về những mối lo lắng của người dân, ông Quyền khẳng định sẽ không có chuyện cưỡng chế đất của người dân ở thời điểm hiện tại, bởi dự án đang được Thanh tra Chính phủ làm rõ. Nhưng vài ngày sau, không hiểu vì lí do gì, UBND huyện Thủy Nguyên lại cưỡng chế đất của các hộ dân tại đây, dù đang trong quá trình kiểm tra, làm rõ của Thanh tra Chính phủ. Báo Người cao tuổi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.