Làm mẹ ở tuổi lên 10... vì đâu nên nỗi?
Cùng suy ngẫm 20/02/2023 08:38
Những ngày qua, dư luận liên tiếp xôn xao vì những câu chuyện đau lòng như thế, về tình cảnh của những em bé vừa mới chớm tuổi dậy thì nhưng đã vội vàng làm mẹ một cách bất đắc dĩ. Điển hình mới nhất là vụ việc bé gái T.T.M.C (ở xã An Bá, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) được phát hiện sinh con ngay trong nhà tắm của gia đình khi chưa đủ 13 tuổi. Điều đáng nói là suốt hơn 9 tháng thai nghén, bé gái giấu diếm kỹ đến nỗi cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và bạn bè cùng lớp không hề biết em mang bầu. Sự việc không chỉ khiến gia đình em “ngã ngửa” mà còn khiến người dân toàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và cộng đồng mạng nói chung rúng động bởi tính phi lý của sự việc.
Song đây không phải là trường hợp dở khóc dở cười duy nhất. Trước đó không lâu, cháu bé V.T.H.T ở xã Khả Cửu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) được mẹ ruột phát hiện mang thai và sinh con vào đầu tháng 11/2022 khi mới 11 tuổi (học lớp 5). Sau đó, gia đình bé gái tiếp tục che giấu sự việc, cho đến khi người dân xung quanh bàn tán ầm ĩ thì chính quyền địa phương mới biết và vào cuộc điều tra.
Với độ tuổi còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức xã hội và khả năng làm chủ cuộc sống của mình, tại sao các em gái lại tự chôn vùi tuổi thơ của mình để làm mẹ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như thế? Khi các em còn chưa tự chăm sóc và nuôi sống bản thân mình thì làm sao chăm sóc tốt cho một đứa trẻ sơ sinh nữa? Những câu hỏi lớn này xin dành cho những người đứng đầu hệ thống giáo dục và cho chính cha mẹ các em - người bảo hộ của những “bà mẹ nhí” này trước pháp luật Việt Nam.
Tự đẩy mình rơi vào thảm cảnh, lỗi đầu tiên là ở các em gái. Sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết đã khiến chính các em trở thành nạn nhân bị lợi dụng bởi những tên côn đồ xấu xa. Thói ăn chơi sa đọa đã đẩy các em vào bóng tối, chịu miệng tiếng dè bỉu của người đời với cái mác “chửa hoang”. Những trẻ gái miệng đọc vanh vách về các biện pháp tránh thai bằng lý thuyết suông nhưng chính bản thân mình lại không thực hiện được, đây là hành vi mà cả xã hội cần lên án như một tiếng chuông cảnh tỉnh mọi nhà có con nhỏ đang trong tuổi dậy thì.
Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên là vấn đề cần được xã hội đặc biệt quan tâm. Nguồn ảnh: Internet. |
Nhưng sâu xa hơn, ta hãy xét đằng sau những câu chuyện đau lòng ấy, khi các em bé vẫn còn sống trong vòng tay cha mẹ lại mang bầu... vì đâu nên nỗi? Phải chăng, trách nhiệm làm cha làm mẹ đã và đang bị xem nhẹ? Nhiều bậc làm cha mẹ có lý do hoàn cảnh khó khăn, phải bươn chải nơi đất khách để kiếm miếng cơm về nuôi sống gia đình, dành dụm chắt chiu từng đồng nhỏ đóng học phí cho con. Nhưng than ôi, một người cha nát rượu, một người mẹ xa nhà đã quên mất rằng mình có một đứa con nhỏ vừa tới tuổi dậy thì với rất nhiều bỡ ngỡ về cuộc sống lại thiếu thốn tình yêu thương, rất dễ đi “sai đường”. Đối với hầu hết những trường hợp trót lỡ mang bầu mà không dám nói hoặc cố tình che giấu gia đình, phần lớn là vì sợ cha mẹ la mắng nên không biết bày tỏ cùng ai, để đến mức quá muộn. Thôi thì, “con dại cái mang”, nhưng nỗi đau ấy, bao giờ mới nguôi dằn vặt...?
Lại xét đến trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho con trẻ, có vẻ vẫn rất thờ ơ? Dường như những bài giảng về giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên vẫn còn nhiều điều hời hợt. Có lẽ các thầy cô nên buông bớt sự e ngại, đừng sợ “vẽ đường cho hươu chạy” mà hãy dạy dỗ các em phải cẩn thận, phải biết bảo vệ bản thân mình trước tiên, đặc biệt là đối với học sinh nữ. Hiệu trưởng các nhà trường cần là người đầu tiên gương mẫu, suy nghĩ về vấn đề này và có chỉ đạo triển khai nhiều chương trình giáo dục giới tính tuổi học đường để tuyên truyền những kiến thức, kĩ năng sống thiết yếu cho con trẻ, đặc biệt là các trường học ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Quan trọng hơn, gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương cần phối hợp để có sự quan tâm sâu sắc hơn nữa đối với việc giáo dục trẻ em nói chung và giáo dục giới tính cho các em nói riêng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Trẻ em như búp trên cành”. Nếu những “chồi non” ấy chưa kịp trưởng thành đã sâu thối, héo hắt thì làm sao “cây xanh” xã hội phát triển được? Vậy cho nên, cần ghi nhớ lời Bác Hồ kính yêu căn dặn “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”.
Quyền của trẻ em... từ chuyện bé Hạo Nam? Mẹ bé Hạo Nam nghẹn ngào chia sẻ với báo giới về nguyên cớ khiến con trai mình rơi vào thảm cảnh, do cháu cần ... |
Đừng để trẻ nhiễm “độc” từ youtube Nuôi dưỡng nhận thức trẻ thơ cũng giống như quá trình vươn lên của mầm xanh từ mặt đất. “Cây non” ấy được tắm tưới ... |
Sáng tạo nội dung hay... trò đùa lố bịch?! Chạy theo lợi nhuận “bẩn” bằng cách tạo ra những video triệu view thu hút lượt theo dõi “khủng”, những người làm nghề tự do ... |