Heo hút bản nghèo
Xã hội 21/10/2024 07:50
Đi chẳng được, ở thì lo
Trời Chiềng Lằn buổi chiều những ngày tháng Mười, nắng vàng hanh hao khắp các ngã đường. Sau vài lần lỡ hẹn vì thời tiết không thuận lợi, lần này chúng tôi đã đến được Chiềng Lằn để bắt đầu hành trình vào với bà con bản Muỗng, bản đặc biệt khó khăn của xã Giao Thiện, huyện miền núi Lang Chánh.
Cung đường vào bản Muỗng phải lội qua ít nhất 3 đoạn suối. |
Đón chúng tôi ở trung tâm thôn, anh Lê Văn Hiệu, Trưởng thôn Chiềng Lằn dõng dạc nói: “Từ đây vào bản Muỗng chừng 5km nhưng xe không vào được vì phải qua ít nhất 3 đoạn suối. Mùa này nước lớn lại chảy xiết, nguy hiểm lắm!”. Dù đã mường tượng ra cung đường sẽ đi qua lời thoại của cán bộ thôn, thế nhưng chúng tôi không nghĩ đoạn đường từ trung tâm thôn vào bản Muỗng lại khúc khuỷu khó đi đến vậy.
Sau hơn 30 phút đi bộ đường đồi, lội qua 2 đoạn suối nước chảy xiết, chúng tôi tạm nghỉ bên chiếc lán dựng tạm của một nhà dân. Lúc này, anh Hiệu nói: “Giờ phải qua 2 đoạn suối nữa mới vào đến bản. Đây là bản xa xôi và hẻo lánh nhất thôn. Mỗi lần vào vận động bà con hay có việc ma chay, cưới hỏi phải xác định ở lại với bà con ít nhất vài ngày.”
Bản Muỗng heo hút giữa núi rừng. |
Theo anh Hiệu, bản Muỗng hiện có 16 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mường. Hiện nay, cả 16 hộ gia đình trong bản đều chưa có nhà ở kiên cố, không có điện lưới, điều kiện sống phụ thuộc hoàn toàn vào nông - lâm nghiệp. Trẻ con học chữ, phải đi bộ ra trung tâm, vào mùa mưa bão việc học hành của các cháu gặp muôn vàn khó khăn.
“Vất vả nhất là vào mùa mưa, lũ dâng lên đột ngột khiến các hộ dân trong bản gần như bị cô lập, nhu yếu phẩm khan hiếm, đến hạt muối cũng không có. Những lúc ốm đau hay ma chay vất vả vô cùng. Ít năm trước, chúng tôi thấy chính quyền địa phương thông báo cho bà con về việc xây dựng khu tái định cư tập trung, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì”, anh Hiệu phân trần.
Mong chờ tái định cư
Khi những giọt mồ hôi bắt đầu lấm lem trên khuôn mặt, thấm ướt vành cổ áo, chúng tôi cũng kịp vào đến bản, lúc này mặt trời cũng dần khuất sau ngọn đồi. Thấy có cán bộ thôn cùng phóng viên vào thăm, bà Lê Thị Loan (58 tuổi) phấn khởi nở nụ cười rạng rỡ.
Bà Loan trò chuyện với phóng viên. |
Rót ly nước mời khách, bà Loan kể, vợ chồng ông bà sinh được 4 người con, tuy nhiên do cuộc sống khó khăn nên các con đều nghỉ học sớm. Cách đây ít năm, các con của ông bà cũng lần lượt rời bản làng tìm kế mưu sinh. Vì vậy, vợ chồng ông bà dựng tạm ngôi nhà nhỏ trên khoảng đất trống gần sườn đồi, chăm chỉ trồng lúa, nuôi thêm con gà, con lợn sinh sống qua ngày.
“Khó khăn lớn nhất của bà con trong bản là đường xá đi lại, điện lưới cũng chưa có nên chúng tôi phải dùng máy tuabin phát điện. Mỗi lần hết gạo ăn, nhà nào cũng phải gùi lúa xuống tận trung tâm thôn để xay xát”, bà Loan bộc bạch.
Do chưa có điện nên bà con trong bản phải gùi lúa, lội suối vào trung tâm thôn để xay xát. |
Người phụ nữ vùng cao cho biết, đến giờ bà vẫn chưa quên trận lũ lụt xảy ra cách đây khoảng 10 năm. Lúc bấy giờ nước lũ dâng lên đến mấp mé sân, nhu yếu phẩm tích trữ không còn, người dân trong bản phải nhổ sắn ăn qua ngày.
“Bà con trong bản ai cũng mong chờ Nhà nước quan tâm xây dựng khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Các cháu có điều kiện học tập tốt hơn, việc giao thương đi lại cũng đỡ khó nhọc”, bà Loan chia sẻ.
Sinh sống ở mảnh đất này hơn 30 năm qua, bà Lê Thị Chiến (57 tuổi, bản Muỗng) cũng ao ước sớm được Nhà nước quan tâm xây khu tái định cư hoặc đầu tư làm đường giao thông để bà con trong bản thuận tiện đi lại, giao thương với bên ngoài.
Bà Lê Thị Chiến (bìa trái) cùng các hộ dân bản Muỗng. |
“Mỗi lần hết gạo, bà con phải gùi lúa lội qua suối xuống trung tâm thôn để xay xát. Nhiều khi qua suối không may trượt chân ngã khiến cả người cả gạo ướt nhèm. Những lúc ốm đau phải đi viện, chúng tôi cũng phải nhờ người khiêng, cõng qua suối rồi đi bộ vào trung tâm thôn...”, bà Chiến tâm sự.
Trao đổi với phóng viên, bà Đinh Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện cho biết: Dự án tái định cư bản Muỗng đến nay vẫn chưa được triển khai vì còn chờ nguồn kinh phí. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị mặt bằng chỉ chờ kinh phí để triển khai. “Đây là bản đặc biệt khó khăn, ở xa trung tâm nên việc tiếp cận thông tin của bà con cũng không kịp thời. Người dân muốn giao thương với các thôn, bản khác cũng vô cùng khó khăn”, bà Hương nói.
Theo ông Phạm Hùng Sâm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lang Chánh, trên địa bàn hiện có 3 dự án sắp xếp dân cư cho các hộ dân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cụ thể, Dự án sắp xếp dân cư xã Tam Văn; Dự án sắp xếp, ổn định dân cư xã Yên Khương và Dự án khu dân cư bản Muỗng, xã Giao Thiện.
Người dân bản Muỗng vẫn mong chờ tái định cư để ổn định cuộc sống. |
Đối với dự án khu dân cư bản Muỗng, xã Giao Thiện thuộc Chương trình MTQG, tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước là 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn để triển khai sau khi lập hồ sơ dự án lên tới hơn 6 tỷ đồng. Trong khi, nguồn ngân sách của huyện không thể cân đối được.
“Hồi tháng 8 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá lại dự án. Sau khi rà soát, tỉnh đã đồng ý cho chuyển đổi sang các dự án khác phù hợp hơn trên địa bàn. Đối với bà con khu Muỗng, hiện chưa có phương án hỗ trợ cụ thể”, ông Sâm thông tin.
“Liên quan đến dự án khu dân cư bản Muỗng, xã Giao Thiện phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện bố trí lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG như Dự án 5 kết hợp với nguồn vốn thuộc Chỉ thị 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Với những hộ còn khó khăn về đất ở, chính quyền địa phương sẽ vận động người thân hiến đất. Những trường hợp còn lại, chính quyền sẽ bố trí quỹ đất trong quy hoạch để sắp xếp, ổn định cuộc sống cho bà con”, ông Lê Quang Tùng, Trường phòng NN&PTNT huyện Lang Chánh. |