Của cho và cách cho
Cùng suy ngẫm 09/10/2024 09:45
Cụ thể như trong cao trào khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 đổ vào Bắc Bộ những ngày đầu trung tuần tháng 9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nhân dân ta nhất định hàn gắn và vượt qua được bước đường khó khăn này, bởi chúng ta có nhiều điểm tựa vững chắc. Ấy là lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”; là truyền thống quý báu của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, là sự lãnh đạo của Đảng lấy việc phục vụ cuộc sống người dân làm gốc; là đôi cánh đại bàng Quân đội và Công an dũng mãnh mang tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Ảnh minh họa |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về hỗ trợ đồng bào các vùng gặp thiên tai với tinh thần khẩn cấp và tự nguyện: “Người có của góp của, người có công góp công”; “người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều…”, đồng bào toàn quốc, kiều bào ở nước ngoài, Chính phủ nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt lên tiếng và kịp thời hành động.
Thành ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” chứa nếp sống văn hóa đẹp đẽ. Chúng ta hiểu của cho không bằng cách cho. Cho đi và giúp đỡ ai là cả một nghệ thuật, nghĩa là phải làm sao cho người nhận cảm thấy được tôn trọng, ấm lòng, thiết thực, chứ không gặp tình cảnh bị thương hại. Do vậy, người cho trước khi có những nghĩa cử trao tặng phải hiểu hoàn cảnh, nhu cầu của người nhận. Có vậy, của cho mới phát huy hết giá trị tình cảm được gửi gắm trong đó. Đáp lại, người nhận cũng phải làm sao để người cho cảm thấy công sức của mình được trân trọng đón nhận. Các cụ ta có câu “làm ơn, nhớ chịu ơn, chớ nên quên” ý nghĩa biết bao!
Thành ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” còn chứa đựng lời tố cáo và lên án những kẻ lợi dụng công việc từ thiện để ăn chặn, vụ lợi, tự đánh phấn tô son tên tuổi. Những điều trái khoáy mà những kẻ gian manh thực hiện nhất định bị dư luận vạch mặt và luật pháp kết án. “Điều 5 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP” ghi rõ: Nghiêm cấm các hành vi cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt, phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…