Kiến nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 25/10/2024 08:23
Ông Đào Văn Ninh cho biết, mảnh đất của gia đình ông thuộc thửa đất số 40 tờ bản đồ số 28 thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang là của bố mẹ ông để lại cho ông. Gia đình ông ăn ở sinh sống tại thửa đất này từ lúc ông 7 tuổi cho đến nay.
Thửa số 34, (bên cạnh) lúc đó không có ai ở. Cũng trong năm 1970, gia đình ông làm nhà cấp 4, cụ Ngổ (em họ của bố) mua thửa đất số 34 và có sang bảo mẹ con ông cho đi nhờ hướng Nam, vì thửa đất đó đi đường cổng chùa mà thời điểm đó dân cư thưa thớt hoang vắng nên gia đình cụ Ngổ sợ trộm cắp. Gia đình ông đã đồng ý cho đi nhờ và có điều kiện là không được bán. Lúc cụ Ngổ đi nhờ và có xây cổng. Khi cụ Ngổ bán đất cho gia đình ông Dung và bà Thoan, ông không biết việc mua bán như thế nào, bán cổng ra sao?
Khi gia đình ông Nguyễn Văn Dung và vợ là Đào Thị Thoan cải tạo thêm cổng, ông không cản trở việc xây cổng của vợ chồng ông Dung, bà Thoan vì nghĩ họ đi nhờ ngõ, làm cổng để giữ an ninh, chứ phần ngõ vẫn thể hiện trên bản đồ nhà ông, nên vẫn là đất của ông. Khoảng năm 1990, khi nhà ông Dung, bà Thoan xây chuồng lợn, chuồng vịt, ông có yêu cầu dỡ bỏ thì gia đình ông Dung, bà Thoan cũng đã dỡ bỏ chuồng lợn, chuồng vịt. Tuy nhiên, sau đó gia đình ông Dung, bà Thoan mỗi ngày xây một chút, vì phần đất đó là phía bên trái của ngôi nhà nhà ông, nên không biết việc gia đình ông Dung, bà Thoan xây dựng. Đến khi biết, gia đình ông Dung, bà Thoan đã ra báo với chính quyền địa phương, UBND xã đã giải quyết nhưng gia đình ông Dung, bà Thoan vẫn cố tình xây dựng. Năm 1999, gia đình ông xây nhà như hiện nay, việc gia đình ông cho đi nhờ không có văn bản giấy tờ gì. Ông chỉ cho cụ Ngổ đi nhờ, giờ cụ Ngổ bán đất cho gia đình ông Dung, bà Thoan thì ông không đồng ý cho đi nhờ nữa. Gia đình ông vẫn đóng thuế hằng năm với diện tích đó và có sơ đồ kèm theo. Hiện tại, trên phần ngõ đi nhờ có 2 lớp cổng, công trình phụ gia đình ông Dung.
Luật sư Ngô Thành Ba, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Bản án sơ thẩm số: 128/2023/DSST của TAND huyện Gia Lâm nhận định: “Xét yêu cầu khởi kiện của ông Ninh: Ông Ninh đòi ông Dung trả lại ông quyền sử dụng đất khoảng 24m2 ngõ đi hiện ông Dung và gia đình đang sử dụng cùng với thửa số 34 tờ bản đồ 28 thôn Yên Mỹ mà tại bản đồ 1993 - 1994 phần ngõ đi này vẫn thuộc thửa số 40, tờ bản đồ số 28, thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang, tên người sử dụng là Đào Văn Ninh.
Xét thấy phần ngõ đi hiện gia đình ông Dung đang sử dụng hiện trạng 27,4m2, theo bản đồ đo vẽ năm 1993 - 1994 phần ngõ đi này nằm trong thửa số 40 tờ bản đồ 28 của ông Ninh tổng diện tích 280m2. Trong khi thửa số 34 của nhà ông Dung có 140m2. Theo bản đồ 1993 - 1994, thể hiện toàn bộ phần ngõ đi thuộc thửa số 40 nhà ông Ninh. Nhà ông Ninh đóng thuế 280m2 thửa đất này từ khi có chính sách nộp thuế đến nay. Hơn nữa, hiện trạng thửa 40 nhà ông Ninh diện tích 279,7m2, thửa số 34 nhà ông Dung diện tích 150,8m2, thể hiện nhà ông Ninh nếu đo cả phần ngõ là phù hợp với bản đồ năm 1993 - 1994, nhà ông Dung thừa hơn 10m2 so với bản đồ năm 1993 - 1994”. Từ đó, Tòa án quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đào Văn Ninh đối với ông Nguyễn Văn Dung về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”; Công nhận quyền sử dụng đất có các mốc giới 3, 4,5, 6, 19, 18, 17, 16, 3 diện tích 27,4m2 hiện ông Nguyễn Văn Dung và gia đình đang quản lí sử dụng thuộc quyền sử dụng đất của ông Đào Văn Ninh. Buộc ông Nguyễn Văn Dung và gia đình phải tháo dỡ các công trình trên phần ngõ đi gồm 1 nhà tắm, 2 lớp cổng, tường, bể nước, bếp gạch đun, cống thoát nước và di chuyển các vật dụng gia đình có trên phần ngõ đi để trả lại ông Đào Văn Ninh quyền sử dụng đất trên.
Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm số: 415/2024/DS - PT của TAND TP Hà Nội cho rằng: Phần diện tích đất tranh chấp năm 1968 đã hình thành là ngõ đi của thửa đất số 34 tờ bản đồ số 28 ra đường làng. Tuy nhiên, theo bản đồ năm 1993 do xã cung cấp thì lại không thể hiện phần diện tích ngõ đi này là chưa phản ánh đúng thực tế hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân.
Văn bản phúc đáp của UBND xã Dương Quang gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm |
Quá trình giải quyết Tòa án đã tiến hành điều tra xác minh tại địa phương và những người hàng xóm đều cho biết: Trước đây, nhà ông Dung xây quay về hướng Nam, cổng đi ra đường làng là phần diện tích đất tranh chấp phía bắc của thửa đất là mương nước rồi đến ruộng. Năm 2007, xã làm đường nhựa, gia đình ông Dung đã xây nhà như hiện nay và chuyển cửa nhà quay về hướng Bắc để đi ra đường nhựa. Mặt khác, cho đến thời điểm hiện nay các bên đương sự đều chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hơn nữa, quá trình quản lí, sử dụng, gia đình ông Dung đã xây dựng các công trình trên phần diện tích đất tranh chấp như hiện nay. Tại thời điểm gia đình ông Dung xây dựng các công trình này mặc dù gia đình ông Ninh ở liền kề nhưng cũng không có ý kiến gì thắc mắc gì trong suốt thời gian dài.
Từ những căn cứ trên, có cơ sở xác định gia đình ông Dung chiếm hữu ngay tình, công khai liên tục phần diện tích đất đang tranh chấp hơn 30 năm.
Tuy nhiên, thực tế, một số người dân tại địa phương cho biết: Việc tranh chấp này đã xảy ra từ rất lâu có những lúc đỉnh điểm còn xảy ra đuổi, đánh nhau gây mất trật tự, an ninh thôn xóm.
Luật sư Ngô Thành Ba, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Căn cứ hồ sơ, tài liệu của vụ án dân sự:
Thứ nhất, nguồn gốc đất đang tranh chấp là do tổ tiên ông bà để lại cho ông Đào Văn Ninh. Ông Ninh sử dụng ổn định lâu dài không có bất kì tranh chấp gì.
Thứ hai, diện tích đất tranh chấp thuộc gia đình ông Ninh được thể hiện cụ thể: Các bản đồ, sổ mục kê qua các thời kì đều thể hiện diện tích ngõ đang tranh chấp thuộc gia đình ông Ninh. Gia đình ông Ninh hằng năm đều đóng thuế diện tích phần ngõ đi này. Hiện trạng thửa đất thể hiện diện tích đất nhà ông Ninh không tính phần ngõ đang tranh chấp bị thiếu so với tờ bản đồ 1994 là 27,6m2; diện tích gia đình ông Dung (bị đơn) tính cả phần diện tích ngõ đang tranh chấp thừa so với bản đồ 1994 là 38,1m2.
Thứ ba, thực tế quá trình sử dụng, bị đơn không chứng minh diện tích ngõ đang tranh chấp thuộc diện tích đất nhà mình.
Gia đình ông Ninh chỉ cho gia đình cụ Ngổ đi nhờ, đến khi biết gia đình ông Dung sử dụng thì gia đình ông Ninh không cho đi nhờ nữa. Gia đình ông Dung không có tài liệu chứng cứ chứng minh về việc cho tặng cho, chuyển nhượng diện tích ngõ đi đang tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Hiện gia đình ông Ninh đã có đơn đề nghị được xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm và những nhân chứng là hàng xóm của ông Ninh cũng đã có đơn gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội làm chứng mảnh đất đang tranh chấp và xảy ra mâu thuẫn, đuổi đánh nhau. Đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.